VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 48

Thực hiện nhiệm vụ do Ban chỉ đạo Nhà nước giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), được sự đồng ý của Bộ trưởng, từ ngày 14-18/7/2014, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) đã cử Đoàn công tác đi Hoa Kỳ để trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực an toàn và an ninh hạt nhân với các cơ quan có liên quan của Hoa Kỳ và tham dự Hội nghị các Trung tâm tiên tiến ở châu Á về an ninh hạt nhân.

 

Tham gia buổi làm việc với các đối tác Hoa Kỳ, ngoài cán bộ của Cục ATBXHN, còn có ông Đỗ Xuân Trường, đại diện của Văn phòng KH&CN của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ làm việc với Đoàn có Thứ trưởng Bộ Năng lượng Pete Lyons, Giám đốc Văn phòng Năng lượng hạt nhân của Nhà Trắng Joyce Connery, đại diện Bộ Ngoại giao, đại diện Cơ quan pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ (US.NRC), đại diện các văn phòng của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, bao gồm: Cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia về không phổ biến và an ninh quốc tế (NIS), Chương trình thanh sát và cam kết hạt nhân quốc tế (INSEP), Văn phòng ứng phó khẩn cấp, Chương trình an ninh hạt nhân quốc tế (INS).

Làm việc với Cơ quan pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ (US.NRC), Cục ATBXHN đã trao đổi về 3 vấn đề: Quy trình, thủ tục và thời gian cần thiết để US.NRC phê duyệt thiết kế thay đổi thiết kế chống động của lò phản ứng AP-1000 nếu như yêu cầu của địa điểm bắt buộc phải nâng cấp so với thiết kế chuẩn hiện nay; Thỏa thuận hợp tác cụ thể giữa Cục ATBXHN và US.NRC nếu như công nghệ được lựa chọn cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 là công nghệ có nguồn gốc từ Hoa Kỳ dựa trên kinh nghiệm mà Hoa Kỳ đã từng làm với các nước khác trước đây như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp; và Đào tạo cán bộ cho Cục ATBXHN về thẩm định an toàn, thanh tra an toàn và đánh giá phát tán phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân trong trường hợp bình thường cũng như trong tình huống sự cố tai nạn giả định.

Làm việc với Văn phòng Năng lượng hạt nhân của Nhà Trắng, Đoàn được nghe giới thiệu về chương trình năng lượng hạt nhân dân sự của Hoa Kỳ với tuyên ngôn “Nguyên tử vì sự thịnh vượng” thay cho tuyên ngôn “Nguyên tử vì hòa bình” mà Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố năm 1953. Phía Hoa Kỳ khẳng định năng lượng hạt nhân là quan trọng đối với tương lai của Hoa Kỳ, bảo đảm cung cấp nguồn năng lượng sạch, an toàn và tin cậy. Hiện tại trên 100 lò phản ứng của Hòa Kỳ đang vận hành phát điện cung cấp 20% sản lượng điện của quốc gia và 60% lượng điện sạch không phát thải cacbon. Phần lớn các nhà máy điện hạt nhân của Hoa Kỳ sẽ kéo dài thời gian vận hành lên 60 năm. Hoa Kỳ đang tập trung nghiên cứu về các công nghệ lò modul công suất nhỏ cải tiến, trong đó tập trung vào công nghệ lò nhanh và lò nhiệt độ cao. Đoàn cũng được nghe giới thiệu về Chương trình IFNEC (International Framework for Nuclear Energy Cooperation) thay cho chương trình GNEP (Global Nuclear Energy Partnership) nhằm mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác quốc tế về năng lượng hạt nhân. Hiện tại đã có 63 nước và 4 tổ chức quốc tế tham gia vào chương trình này. Phía Hoa Kỳ mong muốn mời Bộ trưởng Bộ KH&CN của Việt Nam tham gia phiên họp thường kỳ của chương trình này sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm 2014 tại Hàn Quốc.

Làm việc với trợ lý của Thứ trưởng Bộ Năng lượng về vấn đề bồi thường thiệt hại hạt nhân, phía Hoa Kỳ đã trình bày về Công ước bồi thường thiệt hại hạt nhân (CSC) và đề nghị Việt Nam sớm nghiên cứu để có thể tham gia Công ước vì đây là vấn đề quan trọng đối với một quốc gia đi vào phát triển điện hạt nhân. Trong tháng 5 vừa qua với sự hợp tác của Hoa Kỳ và IAEA, Cục ATBXHN đã tổ chức hội thảo về bồi thường thiệt hại hạt nhân và đã có các nghiên cứu về vấn đề này để bổ sung vào trong Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi.

Làm việc với đại diện Bộ Ngoại giao của Hoa Kỳ, phía Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò điều hành của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thống đốc IAEA trong năm nay cũng như đánh giá cao sự hợp tác của hai bên trong việc thúc đẩy ký kết Hiệp định 123 giữa 2 nước. Phía Hoa Kỳ cũng như phía Việt Nam đều mong muốn Hiệp định 123 sớm được phê chuẩn để có thể đi vào hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác hạt nhân dân sự giữa hai nước. Phía Hoa Kỳ mong muốn với vai trò Chủ tịch Hội đồng thống đốc của IAEA, Việt Nam sẽ thúc đẩy để một số nghị quyết sẽ được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng IAEA vào tháng 9 năm 2014.

Làm việc với Chương trình thanh sát và cam kết hạt nhân quốc tế (INSEP), phía Hoa Kỳ đánh giá cao hoạt động hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là Cục ATBXHN trong những năm qua, cụ thể là trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thanh sát hạt nhân, chuẩn bị phê chuẩn Nghị định thư bổ sung (AP) và nâng cao năng lực thực hiện thanh sát trong nước. Với những kết quả đã đạt được, tháng 5/2014, Chương trình INSEP và Cục ATBXHN đã ký mới 03 Kế hoạch hoạt động, theo đó hai bên sẽ hợp tác trong việc xây dựng phòng thí nghiệm thanh sát, xây dựng hệ thống quản lý thông tin thanh sát và thực hiện việc phổ biến thông tin về Nghị định thư bổ sung cho các đơn vị liên quan.

Làm việc với Văn phòng quản lý và ứng phó sự cố của NNSA, hai bên đã trao đổi, đánh giá về các hoạt động hợp tác đã tiến hành trong thời gian qua giữa hai bên, đặc biệt các hội thảo về IMED và I-RAPTER, và thảo luận về việc chuẩn bị cho 2 cuộc hội thảo sắp tới tại Hà Nội và Ninh Thuận về ứng phó sự cố nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam. Phía Việt Nam đã đề nghị tại Hội thảo ở Ninh Thuận, các chuyên gia Hoa Kỳ cần làm rõ về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong ứng phó khẩn cấp, quy định về sơ tán dân trong tình trạng khẩn cấp và các vấn đề ứng cứu y tế. Ngoài ra, phía Việt Nam nhắc lại đề nghị về việc hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Cục ATBXHN về trang thiết bị, phương tiện vận chuyển các nguồn phóng xạ ngoài sự kiểm soát pháp quy và các nguồn phóng xạ hoạt độ cao được tháo dỡ từ các cơ sở xạ trị để chuyển về kho lưu giữ an toàn.

Làm việc với Chương trình xây dựng niềm tin (Confidence Building Measures) của NNSA, phía Hoa Kỳ đã trao đổi về các nội dung của hoạt động giám định hạt nhân và cam kết sẵn sàng hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Giám định hạt nhân là một lĩnh vực mới, phức tạp và cần có thiết bị hiện đại. Đối với Việt Nam, việc xây dựng năng lực về giám định hạt nhân cũng như xây dựng một thư viện về vật liệu hạt nhân, nguồn phóng xạ có trong nước là rất cần thiết, nhất là trong thời điểm hiện tại khi Việt Nam chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhằm bảo đảm xác định và nhận dạng được vật liệu hạt nhân, nguồn phóng xạ có tại Việt Nam. Việc xây dựng năng lực giám định hạt nhân có thể được thực hiện từng bước, trước tiên là các năng lực cơ bản, sau đó là năng lực sử dụng các thiết bị hiện đại hơn.
Làm việc với Chương trình an ninh hạt nhân quốc tế (INS), hai bên đã trao đổi về hoạt động hợp tác nhằm đáp ứng nhu cầu của Việt Nam, đặc biệt trong việc đào tạo kiến thức về hệ thống bảo vệ thực thể cho cơ sở hạt nhân, cụ thể là nhà máy điện hạt nhân, và xây dựng năng lực để thẩm định, thanh tra hệ thống bảo vệ thực thể. Trước mắt, hai bên thống nhất sẽ tổ chức một Hội thảo về Cở sở cho hệ thống bảo vệ thực thể tại Hà Nội cho cán bộ của Cục ATBXHN và các cơ quan liên quan vào tháng 10/2014. Hội thảo sẽ là cơ sở để hai bên lập kế hoạch cho các hoạt động tiếp theo. Hai bên cũng dự kiến sẽ sớm chính thức ký một Kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.

Để chuẩn bị cho việc xây dựng Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật về an ninh và thanh sát hạt nhân theo tinh thần cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân, đoàn cán bộ của Cục ATBXHN đã thăm và làm việc với Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge trong ngày 16/7/2014. Đoàn đã được nghe giới thiệu chung về lịch sử phát triển của Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge, tham quan lò phản ứng sản xuất đồng vị thông lượng nơtron cao (HFIR), Trung tâm phát triển công nghệ hóa phóng xạ (REDC), Phòng thí nghiệm thanh sát hạt nhân, Trung tâm tính toán siêu máy tính và thảo luận về các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ Chương trình INSEP. Phòng thí nghiệm Oak Ridge là phòng thí nghiệm quốc gia lớn nhất trong 17 phòng thí nghiệm quốc gia của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Được thành lập năm 1943 trong khuôn khổ Chương trình Manhattan làm bom nguyên tử của Hoa Kỳ với nhiệm vụ sản xuất và tách plutonium để làm vũ khí nguyên tử, ngày nay Phòng thí nghiệm thực hiện rất nhiều các nghiên cứu phát triển theo đặt hàng của Bộ Năng lượng cũng như của các cơ quan liên bang và các doanh nghiệp. Nhiệm vụ chủ yếu hiện nay của Phòng thí nghiệm là phát triển các giải pháp năng lượng cho tương lai bền vững; bảo đảm an ninh quốc gia bằng các giải pháp khoa học và công nghệ; tạo ra các loại vật liệu tiến tiến, phát triển hàng đầu về khoa học tính toán, khoa học nơtron, KH&CN hạt nhân; và tiến hành các hoạt động chuyển giao công nghệ, giáo dục và đào tạo cán bộ. Lò phản ứng của Phòng thí nghiệm tập trung vào 4 lĩnh vực: tán xạ nơtron, sản xuất đồng vị phóng xạ, nghiên cứu ảnh hưởng của chiếu xạ nơtron lên vật liệu và phân tích kích hoạt các nguyên tố vết. Phòng thí nghiệm về thanh sát hạt nhân tại Oak Ridge sử dụng và nghiên cứu các phương pháp phân tích không phá hủy để xác định đồng vị phóng xạ, hàm lượng và độ làm giàu của nhiên liệu hạt nhân. Phòng thí nghiệm thanh sát này cũng nghiên cứu ứng dụng và phát triển các biện pháp giám sát liên quan đến thanh sát hạt nhân như sử dụng camera theo dõi, đặt dấu niêm phong. Ngoài ra, phòng thí nghiệm thanh sát cũng là cơ sở đào tạo cho các thanh sát viên, kể cả thanh sát viên của IAEA. Việc xây dựng một phòng thí nghiệm như vậy tại Việt Nam là rất cần thiết, đặc biệt khi ta có nhà máy điện hạt nhân và do đó các hoạt động thanh sát của IAEA sẽ tăng lên. Phòng thí nghiệm thanh sát của Việt Nam không những sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động thanh sát trong nước mà còn giúp kiểm tra, giám sát hoạt động thanh sát của IAEA và đồng thời là cơ sở đào tạo cho các thanh sát viên của Việt Nam trong tương lai.

Trong ngày cuối cùng của chuyến công tác (18/7/2014), Đoàn cán bộ của Cục ATBXHN đã tham dự Hội nghị về các Trung tâm tiên tiến ở châu Á về an ninh hạt nhân do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) và Cơ quan An ninh hạt nhân quốc gia Hoa Kỳ (NNSA) tổ chức. Trung tâm tiên tiến về an ninh hạt nhân của các quốc gia là sáng kiến được các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân Washington 2010 ủng hộ và khuyến khích. Ở khu vực Châu Á, đã có 3 trung tâm được thành lập tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hội nghị lần này nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các Trung tâm tiên tiến và thiết lập mạng lưới các trung tâm tiên tiến trong khu vực để hỗ trợ, giúp đỡ các nước bắt đầu đi vào phát triển điện hạt nhân như Việt Nam. Đoàn Việt Nam đã có bài trình bày về hoạt động an ninh và thanh sát hạt nhân của Việt nam cũng như các đề xuất của Việt Nam đối với các Trung tâm tiên tiến này trong việc hợp tác giúp đỡ cho Việt Nam trong lĩnh vực an ninh và thanh sát hạt nhân.