VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 47

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả toàn văn bài nhận xét, đánh giá của Giáo sư Jan Blomgren, Giám đốc Viện Đào tạo chuyên gia hạt nhân INBEx, Thụy Điển về chương trình đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân do TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng, TS. Nguyễn Hào Quang – Phó Viện trưởng (Viện NLNTVN) và Giáo sư Đinh Trúc Nam (Trường Đại học Quốc gia Bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ) soạn thảo.

 Một số góp ý về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực – đặc biệt là Chương trình đào tạo chuyên gia

trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân (NEST)

Tôi đã nhận được một bài thuyết trình đề xuất kế hoạch đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân do ông Trần Chí Thành, ông Nguyễn Hào Quang (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) và Giáo sư Đinh Trúc Nam (Trường Đại học Quốc gia Bang Bắc Carolina) soạn thảo. Dưới đây là quan điểm của tôi và một số đề xuất cho vấn đề này. Những góp ý này không liên quan đến các vấn đề bảo mật, do đó, những góp ý này trong phạm vi mà tôi liên quan có thể được phổ biến một cách tự do.

Nhận xét chung – đây là một kế hoạch đúng đắn và có cơ sở

Nhìn chung, tôi nhận thấy kế hoạch này có nhiều ý tưởng hợp lý và nhiều phần khiến tôi đồng tình. Đặc biệt, tôi đánh giá cao cách tiếp cận theo hướng quốc tế hóa. Trong thời đại hiện nay, việc xây dựng mọi thứ từ đầu ở một quốc gia đơn lẻ là không cần thiết. Vì thế, việc gửi các cán bộ ra nước ngoài học tập tại các nước có nền hạt nhân phát triển là một chiến lược hiệu quả hơn, việc này không chỉ tiết kiệm được chi phí mà còn đạt được chất lượng cao hơn. Được làm việc với các chuyên gia hàng đầu thế giới trong một vài năm ở nước ngoài sẽ tốt hơn nhiều so với việc các cán bộ bắt đầu với con số không (zero) ở quê nhà.

Hơn nữa, tôi đánh giá cao cái nhìn thẳng thắn của họ khi mô tả thực tại. Những nhận xét của họ tương đồng với quan điểm của tôi, đã thẳng thắn chia sẻ về những thiếu sót trước đây và từ đó rút ra những bài học làm cơ sở đưa ra các đề xuất giúp kế hoạch đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân hiệu quả hơn.

Một điểm tích cực nữa chính là áp dụng phương thức tiếp cận mở rộng. Vấn đề an toàn là vô cùng quan trọng trong điện hạt nhân và không bao giờ có thể thỏa hiệp. Sự đa dạng là tốt khi tính đến vấn đề an toàn hạt nhân. Nếu con người có những kiến thức cơ sở và kinh nghiệm khác nhau, được giáo dục tại các nước khác nhau và trong các môi trường khác nhau, sẽ có khả năng ứng phó với các tình huống khó khăn và phức tạp tốt hơn hẳn nếu tất cả chỉ nghĩ và hành động theo cùng một cách.

Điều này vô cùng quan trọng với Việt Nam khi trông cậy nhiều vào một nhà thầu duy nhất – Liên Bang Nga. Nga đã chiếm vai trò quá lớn nên tôi hoàn toàn đồng ý với việc Nga không nên tham gia vào chương trình NEST nữa. Với 250 sinh viên hiện nay đang được đào tạo tại Nga, tôi đề xuất rằng 40 chuyên gia của chương trình NEST nên được đào tạo tại các nước khác để ở một mức độ nào đó tạo ra sự đa dạng.

Cấu trúc tổng thể – hàn lâm cùng với phát triển năng lực công nghiệp

Không hoàn toàn rõ ràng từ bài thuyết trình mà tôi đọc về việc làm thế nào để chương trình NEST phù hợp với bức tranh chung. Theo quan điểm của tôi, chương trình NEST dự kiến rõ ràng là một chương trình đào tạo hàn lâm, tập trung chính vào đào tạo tiến sỹ, với các ứng viên có lẽ còn khá trẻ. Tôi cho là nên có những chương trình tương tự nhằm xây dựng năng lực cho ngành công nghiệp. Tôi đã từng tư vấn cho rất nhiều nước hạt nhân mới nổi, Việt Nam đang là một trong số đó, để thống nhất một kế hoạch xây dựng năng lực tại các trường đại học và ngành công nghiệp. Với cách tiếp cận chung, bạn có thể đạt được kết quả tốt hơn với cùng mức chi phí.

Phát triển vai trò lãnh đạo

Cần phải nhấn mạnh rằng việc phát triển các nhà lãnh đạo trong hàn lâm và công nghiệp không giống nhau. Đối với các nhà lãnh đạo của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và các trường đại học, việc hoàn thành học vị tiến sỹ tại một trường đại học danh tiếng ở nước ngoài là bước khởi đầu quan trọng trong sự nghiệp. Trong tương lai, khi các trường đại học của Việt Nam đạt tới chất lượng quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân, nên tính đến phương án hoàn thành học vị tiến sỹ tại Việt Nam. Theo dự đoán của tôi, để thực hiện được phương án này sẽ mất khoảng 10 năm nữa. Trước tiên, cần có một thế hệ tiên phong được gửi ra nước ngoài học tập. Sau 5 năm, họ có thể về nước và làm việc như các nghiên cứu viên, và tôi cho là, cần thêm 5 năm nữa để họ trở thành các chuyên gia có thể độc lập hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sỹ. Chương trình NEST dự kiến hoàn toàn phù hợp với một kịch bản như vậy.

Tuy nhiên, trong công nghiệp, tiêu chí lãnh đạo dường như hơi khác. Trình độ chuyên môn sâu trong 1 lĩnh vực không quá quan trọng như trong lĩnh vực hàn lâm, và yêu cầu các kỹ năng rộng hơn, liên quan đến không chỉ sự am hiểu về bản thân công nghệ mà còn cả vấn đề kinh doanh và quản lý cán bộ. Phần lớn các nhà lãnh đạo tương lai nên có nền tảng kỹ thuật, chí ít là trình độ thạc sỹ quốc tế[1], và những điều minh chứng cho tài lãnh đạo của họ nên được thừa nhận trong các chương trình phát triển tài năng lãnh đạo đặc biệt.

Vì thế, chương trình NEST nên được bổ sung một chương trình lớn để đào tạo một số lượng lớn các thạc sỹ kỹ thuật hạt nhân. Một chỉ số thô dựa trên hồ sơ nhân viên ở các nước hạt nhân phát triển chỉ ra rằng trong khoảng từ 500-1000 thạc sỹ kỹ thuật nên có khảng 20% là thuộc kỹ thuật hạt nhân. Do đó, 100-200 thạc sỹ kỹ thuật hạt nhân là cần thiết. Đây là số lượng đòi hỏi mức độ lớn hơn chương trình NEST dự kiến. Điều này không phải là một sự mâu thuẫn mà là một sự bổ sung. Chương trình NEST hướng tới các chuyên gia kỹ thuật với học vị tiến sỹ như điểm khởi đầu. Với một chương trình như vậy hướng tới khoảng 10% lượng thạc sỹ kỹ thuật hạt nhân là hoàn hảo.

Lưu ý rằng điện hạt nhân đòi hỏi nhu cầu đào tạo rất lớn. 100-200 thạc sỹ kỹ thuật hạt nhân là cần thiết, và đó đã là một thách thức đối với Việt Nam, tuy nhiên còn cần gấp 5 lần số lượng thạc sỹ trong các lĩnh vực khác (kỹ thuật điện, kỹ thuật cơ khí, vật lý kỹ thuật, hóa học, khoa học máy tính, khoa học hành vi v.v.). Do đó, vận hành điện hạt nhân chất lượng cao đòi hỏi cả số lượng lớn chuyên gia trong các lĩnh vực phi hạt nhân. Điều này thường bị các nước hạt nhân mới bỏ qua trong các giai đoạn triển khai đầu tiên. Tôi hy vọng Việt Nam là một ngoại lệ trong vấn đề này.

Giáo sư Jan Blomgren trong cuộc luận đàm với Thứ Trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến vào trong chuyến thăm ngày 22/07/2013

Chính thực tế lãnh đạo kinh doanh hạt nhân hoàn toàn khác so với lãnh đạo nghiên cứu công nghệ hạt nhân nên tôi đề xuất việc xem xét lại các tiểu mục thuộc chương trình NEST về khía cạnh kinh tế. Có một hoặc hai tiến sỹ là vấn đề chắc chắn được quan tâm, nhưng tôi ủng hộ nỗ lực lớn hơn trong lãnh đạo kinh doanh hạt nhân với các ngành công nghiệp chứ không phải là ở học viện. Ở đây tôi đặc biệt đề xuất việc tuyển dụng các lãnh đạo công nghiệp cấp cao có liên quan từ các ngành công nghiệp khác nhau như các ngành công nghiệp năng lượng khác, công nghiệp hóa chất, hàng không, giấy và bột giấy, kim loại v.v. Những người được tuyển dụng sau đó phải trải qua quá trình đào tạo về sự nhạy bén trong kinh doanh hạt nhân, tức là, các khía cạnh của lãnh đạo công nghiệp mà chỉ liên quan đến điện hạt nhân.

Huấn luyện lại nhanh hơn đào tạo từ đầu

Các chiến lược phát triển năng lực thông thường sẽ bắt đầu với giới trẻ, cá nhân chưa được đào tạo. Trong hầu hết các trường hợp, điều này dễ dàng thực hiện bởi vì thuyết phục người đã được đào tạo từ bỏ những gì đã biết trước đây và tiếp thu cái mới sẽ khó khăn hơn so với việc thu hút giới trẻ. Tuy nhiên, nếu thời gian bị hạn chế thì sẽ khôn ngoan hơn khi xem xét khả năng tuyển dụng các kỹ sư có trình độ và một số kinh nghiệm làm việc nhất định sau đó phát triển chúng hơn nữa. Đây là trường hợp tốn kém hơn, bởi vì nó đòi hỏi ít nhất là một khoản lương hợp lý đủ để thu hút các cá nhân, những người đang được trả lương làm việc ở một nơi nào đó. Tuy nhiên, huấn luyện lại cán bộ đã được đào tạo thường là một lựa chọn có chi phí cạnh tranh trong thời gian dài, mặc dù không cạnh tranh ở góc độ thời gian ngắn hơn. Có được một nhân viên tay nghề cao nhanh chóng thường ít nhất cũng phải chi trả cho các sai lầm từng gặp phải trong lộ trình. Phải nhận thấy rằng chi phí lao động không phải là áp lực đối với điện hạt nhân.

Để chứng minh điều này, tôi sẽ lấy Thụy Điển làm ví dụ, với thu nhập cao hơn Việt Nam nhưng giá điện tương đương (tức là, lập luận của tôi dưới đây còn có ích hơn ở Việt Nam). Bốn giờ sản xuất của 1 lò phản ứng bằng mức lương hàng năm của một chuyên gia hàng đầu được quốc tế công nhận. Điều này đặt việc phát triển năng lực trong triển vọng: nếu một chuyên gia có thể làm cho sự sản xuất của một lò phản ứng mới bắt đầu sớm hơn một tuần, toàn bộ tiền lương cả đời của ông ấy/ bà ấy đã được thanh toán! Kết luận của tôi là nhìn vào chất lượng hơn là quan tâm đến chi phí khi xây dựng các chương trình phát triển nguồn nhân lực. Trong điện hạt nhân, năng lực luôn luôn là lợi nhuận – Đầu tư cũng như chi tiêu vào phát triển năng lực bây giờ chắc chắn sẽ tạo ra nguồn lợi lớn trong một vài năm.

Các khía cạnh địa lý – tập trung vào miền Nam, Việt Nam

Trong tất cả các nước có điện hạt nhân phát triển, rõ ràng là việc đặt các cơ sở đào tạo gần nhà máy điện hạt nhân là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Theo như tôi biết, tất cả các kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đều được tập trung vào miền Nam, Việt Nam, và tôi đã được cho biết có nhiều lý do quan trọng (địa chất) chỉ ra rằng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo không tính đến hai nhà máy đang được xây dựng hiện nay có thể cũng sẽ được đặt ở miền Nam. Vì vậy, tôi đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam cần phải tập trung đào tạo về năng lượng hạt nhân cho các vùng lân cận của thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Tôi cũng đề xuất việc tính đến khả năng di chuyển trụ sở của Viện NLNTVN và Cục ATBXHN vào Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhận thấy điều này có thể không được thuận lợi với các nhân viên hiện tại, nhưng về lâu dài sự di dời địa lý như vậy sẽ cải thiện tình hình tuyển dụng cho các cơ quan chức năng cũng như các trường đại học theo định hướng hạt nhân ở miền Nam. Khi điện hạt nhân đã được phát triển tại Việt Nam, có thể dự đoán rằng sẽ xuất hiện một sự nghiệp đặc thù với trình tự bắt đầu là nghiên cứu tại một trường đại học, sau đó là làm việc tại một nhà máy điện hạt nhân, và sau này trong sự nghiệp của mình, một số chuyên gia có thể được tuyển dụng để làm việc tại Cục ATBXHN. Giảm thiểu ranh giới địa lý cho việc chuyển giao từ một người sử dụng lao động này sang một người khác là rất quan trọng để quản lý năng lực thành công. Quan trọng hơn là việc này giúp các cơ quan an toàn có thể thu hút cán bộ có kinh nghiệm từ ngành công nghiệp. Nếu không bạn sẽ đối mặt với nguy cơ có một cơ quan an toàn thiếu liên kết với thực tế công nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy nếu tình hình như vậy xảy ra, sẽ là bất lợi cho cả ngành công nghiệp và chính cơ quan an toàn. Không đi vào chi tiết, nhưng tình huống xảy ra ở một phần nước Đức có thể coi như là ví dụ cho việc pháp quy và thực tiễn thiếu liên kết, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Các cơ sở nghiên cứu – sang nước ngoài thay vì xây dựng trong nước

Kế hoạch đề cập ngắn gọn đến một lò phản ứng nghiên cứu mới và một máy gia tốc lớn. Thành thật mà nói, tôi không ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng năng lực theo cách này. Đúng là với hầu hết các nước có điện hạt nhân phát triển, một lò phản ứng nghiên cứu đã được xây dựng trong giai đoạn đầu phát triển điện hạt nhân. Tuy nhiên, bối cảnh thời đó khác với hiện nay. Lúc đó, công nghiệp điện hạt nhân hầu như không tồn tại, và nhu cầu nghiên cứu để phát triển các lò phản ứng nước nhẹ đạt tiêu chuẩn công nghiệp đã thúc đẩy việc xây dựng các lò phản ứng nghiên cứu. Tuy nhiên, bản thân việc xây dựng đó quan trọng nhất là để phát triển năng lực.

Hiện nay, tình hình đã có những khác biệt cơ bản. Công nghiệp điện hạt nhân phát triển , bạn có thể mua lò phản ứng cũng như lò phản ứng nghiên cứu từ các nhà cung cấp quốc tế, và nhu cầu nghiên cứu để tối ưu hóa công nghệ hiện nay thấp hơn so với nửa thế kỷ trước. Hiện nay, mua một lò phản ứng nghiên cứu từ một nhà cung cấp bên ngoài không phải là hướng đi hiệu quả để xây dựng năng lực.

Giáo sư Jan Blomgren trong Seminar ngày 25/07/2013 tại Viện NLNTVN

Tôi cũng giữ những lập luận tương tự khi nói đến máy gia tốc cho các nghiên cứu hạt nhân. Rõ ràng các nguồn lực sẽ được sử dụng hiệu quả hơn nếu Việt Nam tham gia vào trung tâm nghiên cứu gia tốc trên toàn thế giới và tham gia vào các hợp tác quốc tế thay vì xây dựng trung tâm riêng cho mình. Thành thật mà nói, Việt Nam không có đủ khả năng xây dựng và duy trì các cơ sở nghiên cứu quốc tế hàng đầu. Được tham gia vào các trung tâm hàng đầu và xác định rõ các nhiệm vụ khác nhau nơi mà Việt Nam có thể được công nhận trong một lĩnh vực lớn hơn.

Xin đừng vội hiểu lầm tôi: Tôi đã dành gần như toàn bộ sự nghiệp để nghiên cứu sử dụng máy gia tốc và lò phản ứng nghiên cứu. Tôi nhận thấy chúng là công cụ hữu ích nhất để nghiên cứu, nhưng lại nghi ngờ về hiệu quả chi phí chúng mang lại trong việc xây dựng năng lực cho công nghiệp điện hạt nhân. Công bằng mà nói: có những lập luận thực sự tốt cho việc xây dựng loại cơ sở hạ tầng nghiên cứu này hơn là việc sử dụng chúng để phát triển năng lực điện hạt nhân.

Đừng quên các giáo viên

Gửi người ra nước ngoài học tập thì tốn kém, nhưng hiệu quả cao và dẫn đến chất lượng cao nếu quản lý đúng cách. Tuy nhiên, các chi phí liên quan luôn tạo ra một giải pháp căn bản cho các chuyên gia hàng đầu có trình độ cao. Đối với lao động phổ thông, nơi mà số lượng nhân viên được tính bằng con số hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn, đào tạo tại chỗ là bắt buộc vì lý do chi phí trong ngắn hạn, và vì cả lý do chi phí và tuyển dụng trong dài hạn. Điều này dẫn đến một chương trình đặc biệt nhằm đào tạo giáo viên. Hiện nay, Việt Nam đã có một vài giáo viên kỹ thuật hạt nhân. Với một nguồn kinh phí không nhiều nhằm phát triển năng lực của họ, họ sẽ có thể tạo ra những cơ hội để giảm chi phí sau này. Để tăng số lượng, tôi ủng hộ việc tuyển dụng liên ngành: sẽ hiệu quả hơn cả về thời gian và tiền bạc khi tái đào tạo một giáo viên đang giảng dạy một ngành công nghệ khác thành một giáo viên hạt nhân hơn là bắt đầu từ đầu.

Đây là một lĩnh vực tích hợp tư duy hàn lâm – công nghiệp có tiềm năng lớn để gia tăng chất lượng và giảm thiểu chi phí cùng một lúc. Tất cả các khóa đào tạo sẽ không được thực hiện tại các trường đại học trong tương lai, một khối lượng đáng kể, đặc biệt là đào tạo nhân viên vận hành, có thể được thực hiện bởi các cơ sở nghiên cứu công nghiệp đặc thù. Một chương trình hợp tác chung nhằm phát triển năng lực cho các giáo viên hàn lâm và công nghiệp, trong đó việc cùng sử dụng thiết bị là một phần không thể thiếu, rất cần khuyến khích.

Đây không chỉ là vấn đề chi phí và chất lượng, mà còn là một văn hóa. Ở nhiều nước (trên thực tế, tôi e rằng), giáo dục tại các trường đại học và đào tạo trong ngành công nghiệp là hai thế giới riêng biệt. Với một chương trình chung như đã nêu ở trên, Việt Nam có thể có được một bước khởi động, trong đó giáo viên tại các trường đại học và ngành công nghiệp hiểu biết nhau và hợp tác với nhau bằng cách sử dụng cùng một thiết bị. Điều này có thể chống lại chủ nghĩa ly khai- vấn đề thường cản trở việc sử dụng nguồn lực hiệu quả. Nếu thành công, Việt Nam có thể trở thành một mô hình tiêu biểu trong quản lý năng lực hạt nhân.

Kết luận

Nói tóm lại, tôi đánh giá chương trình NEST là một chương trình có triển vọng và tôi đặc biệt khuyến khích việc chương trình này được cấp kinh phí và bắt đầu sớm. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng chương trình NEST mới chỉ là một phần của giải pháp, nhưng chưa phải là giải pháp toàn bộ. NEST là một cách tiếp cận hiệu suất cao nhằm đạt tới trình độ xuất sắc cho một số chuyên gia. NEST cần được bổ sung với các chương trình tương tự để giải quyết các thách thức trong việc phát triển năng lực khác, một số trong đó đã được nêu khái quát trong báo cáo này.

Điện hạt nhân có nhu cầu về phát triển năng lực vô cùng đặc thù. Một nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi số lượng nhân viên hơn ba lần so với một nhà máy nhiệt điện sử dụng than với cùng công suất. Tôi thường nói rằng “điện hạt nhân là “công thức một” của ngành công nghiệp nặng”. Nó có hiệu suất cao nhất khi vận hành đúng cách, nhu cầu về xây dựng năng lực lớn nhất, và tiềm ẩn nguy cơ lớn nhất tạo ra thảm họa nếu không xử lý đúng cách.

Năng lực là vấn đề lâu dài và quan trọng nhất trong ngành công nghiệp hạt nhân, để có một chuyên gia hàng đầu cần đến hơn 20 năm. Tôi đặc biệt ủng hộ chương trình NEST được đề xuất, và đề xuất nên tiến hành chương trình này sớm nhất có thể.

Trân trọng,

Jan Blomgren