VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 21

Nhà máy điện hạt nhân kiểu Hàn Quốc lần đầu tiên được xuất khẩu ra nước ngoài Tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất hôm 20/5 (theo giờ địa phương) đã diễn ra sự kiện lắp đặt lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Barakah số 1 do Hàn Quốc đang xây dựng tại đây. Đây là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên sản xuất theo công nghệ của Hàn Quốc được xuất khẩu ra nước ngoài. Việc lắp đặt thành công lò phản ứng này đã mở ra triển vọng xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân tiếp theo. Trong phần mở đầu chương trình hôm nay, Giáo sư Chung Beom-jin của Khoa Công nghệ nguyên tử thuộc trường Đại học Kyunghee sẽ phân tích hiệu quả kinh tế từ việc lắp đặt thành công lò phản ứng nói trên. Trước tiên, ông sẽ nói về ý nghĩa của sự kiện này.

 Có rất nhiều giai đoạn quan trọng và phức tạp khi xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, và việc lắp đặt lò phản ứng chính là một trong những công đoạn quan trọng nhất. Muốn xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân ra nước ngoài, bên cạnh những yếu tố như công nghệ và hiệu quả kinh tế thì không thể không đề cập đến kinh nghiệm xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở một quốc gia khác. Và nhà máy điện hạt nhân Barakah số 1 tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất có thể xem là kinh nghiệm, là màn ra mắt đầu tiên của Hàn Quốc tại nước ngoài nên bản thân nó mang ý nghĩa rất lớn.

Thế mạnh công nghiệp điện nguyên tử của Hàn Quốc

Vào năm 2009, Hàn Quốc ký kết với Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất dự án xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử đầu tiên. Hồi đó, một tổ hợp các công ty Hàn Quốc do Tổng công ty điện lực Hàn Quốc đứng đầu đã vượt qua các nhà thầu của Pháp và Nhật Bản để trúng thầu dự án trị giá 40 tỷ USD bao gồm 18,6 tỷ USD cho chi phí xây dựng và hơn 20 tỷ USD cho chi phí vận hành, bảo dưỡng bốn nhà máy điện hạt nhân ở nước Trung Đông này đến năm 2020. Nhà máy điện hạt nhân Barakah số 1 chính là giai đoạn đầu tiên của dự án. Lò phản ứng này có công suất 1.400 MW, được vận chuyển bằng đường biển từ ngày 17/3 tại cảng Masan ở thành phố Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang (Hàn Quốc) và đã đến công trình xây dựng tại Barakah hôm 30/4. Sau đó, lò phản ứng được chính thức lắp đặt vào ngày 20/5 sau khi trải qua quy trình thẩm định vô cùng nghiêm ngặt của Cơ quan quản lý nguyên tử của Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Cơ quan này có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới nên việc lò phản ứng của Hàn Quốc được thông qua cũng đồng nghĩa nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trên cả phương diện công nghệ và tính an toàn. Kể từ khi khởi công xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên mang tên Kori số 1 ở trong nước vào năm 1978, chỉ sau 40 năm, giờ đây Hàn Quốc đã trở thành một nước xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân. Vậy điều gì đã đưa đến thành công đó cho Hàn Quốc? Giáo sư Chung Beom-jin cho biết:

Theo tôi, thế mạnh lớn nhất của Hàn Quốc là nguồn nhân lực tài năng với tri thức và kinh nghiệm phong phú. Ta có thể thấy có nhiều nước phát triển không hề tự mình xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong 30 năm qua. Mặc dù có một số nước như Mỹ gần đây cũng khởi công xây dựng một vài nhà máy nhưng nhìn chung các nước này đã bị bão hòa với nhà máy điện hạt nhân nên việc xây dựng này không diễn ra nhiều lắm. Ngược lại, Hàn Quốc gần như mỗi năm đều xây dựng mới ít nhất một nhà máy điện hạt nhân. Điều đó có nghĩa là Hàn Quốc luôn có sẵn nguồn nhân lực chất lượng cao có thể tham gia vào mọi giai đoạn xây dựng một nhà máy điện hạt nhân, từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành, sửa chữa, bảo trì và thẩm định.

Hiệu quả kinh tế của việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân sang Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất

Ngành công nghiệp điện hạt nhân của Hàn Quốc đã khởi đầu bằng việc nhập khẩu các lò phản ứng hạt nhân từ Mỹ, Canada và Pháp. Sau đó, năm 1982 đánh dấu sự thành công của Seoul trong việc tự mình thiết kế và sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Kể từ đây, Hàn Quốc đã bắt tay vào việc phát triển công nghệ nhà máy điện hạt nhân của riêng mình. Trong 10 năm kể từ năm 1992, hơn 230 tỷ won (224 triệu USD) đã được đầu tư để phát triển nhà máy điện hạt nhân theo mô hình Hàn Quốc. Những nỗ lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực này cuối cùng đã mang lại cho Hàn Quốc một hợp đồng xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sang Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất vào năm 2009. Giáo sư Chung Beom-jin nói:

Nếu tính theo tỷ giá khi đó, dự án trị giá 40 tỷ USD này có quy mô lớn nhất trong lịch sử các dự án trúng thầu của Hàn Quốc ở nước ngoài, tương đương với giá trị xuất khẩu 2 triệu chiếc xe ô tô Sonata (của hãng Hyundai), 360 tàu chở dầu trọng tải 300.000 tấn. Bên cạnh đó, một lợi ích khác cũng rất đáng chú ý, đó là hiệu quả tạo việc làm. Thỏa thuận giữa Seoul và Abu Dhabi không chỉ dừng ở việc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân, mà sau đó, Hàn Quốc sẽ còn phải tiếp tục cung cấp các phụ tùng, dịch vụ kỹ thuật, nhiên liệu hạt nhân. Thêm vào đó, đối với một quốc gia không có nền tảng cơ bản về điện hạt nhân như Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất thì Hàn Quốc cũng sẽ phải hỗ trợ thêm cả công đoạn vận hành và duy trì các nhà máy. Điều này sẽ mang lại việc làm cho một số lượng lớn các kỹ sư Hàn Quốc.

Tiềm năng vô hạn của công nghiệp điện hạt nhân

Nếu so sánh với quy mô giao dịch thương mại hiện nay giữa Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất là 25 tỷ USD, thì dự án nhà máy điện hạt nhân nói trên thật xứng đáng được coi là một động lực tăng trưởng mới của Hàn Quốc. Đặc biệt, 70% trong số 435 nhà máy điện hạt nhân trên thế giới hiện nay sẽ hết thời hạn sử dụng vào năm 2030, theo đó ước tính thị trường nhà máy điện hạt nhân sẽ đạt quy mô 50-60 tỷ USD mỗi năm. Giáo sư Chung Beom-jin nói tiếp:

Nhu cầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân xuất phát từ ba lý do như sau. Thứ nhất là khi các nhà máy điện hạt nhân hiện có sắp hết hạn sử dụng và cần được thay thế bằng các lò phản ứng mới. Thứ hai là khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh và dù có cố gắng tiết kiệm năng lượng thì nguồn cung điện vẫn thiếu, dẫn đến sự quá tải của một số nhà máy điện, buộc người ta phải chuyển sang sử dụng điện hạt nhân. Thứ ba, bản thân việc tháo dỡ nhà máy khi hết hạn sử dụng cũng tốn khá nhiều tiền. Hiện nay, chỉ có sáu nước trên thế giới có thể xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân, và chỉ có ba nước – bao gồm cả Hàn Quốc – có thể xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Theo ước tính, trên toàn thế giới sẽ cần khoảng 500 nhà máy điện hạt nhân mới trong tương lai, khi đó có lẽ cả sáu nước cùng hoạt động hết công suất cũng chưa chắc đủ sức cung cấp hết. Nói cách khác, tiềm năng của ngành công nghiệp điện hạt nhân này có thể nói là vô hạn và sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ.

Vấn đề quan trọng nhất: Đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân

Sáu nước có khả năng xây dựng và xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân là Mỹ, Pháp, Canada, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đó, nước nào thiết lập được uy tín về độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân thì sẽ giành được vị thế tiên phong trong ngành công nghiệp này. Vậy Hàn Quốc cần phải làm gì để vượt lên các đối thủ cạnh tranh? Giáo sư Chung Beom-jin đề xuất:

Năm ngoái và năm trước đó, Hàn Quốc đã vướng phải vụ bê bối liên quan tới nhà máy điện hạt nhân như sử dụng các phụ kiện không đạt tiêu chuẩn an toàn. Sau đó, Chính phủ đã áp dụng các quy định an toàn và biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Ủy ban an toàn năng lượng nguyên tử Hàn Quốc cũng nỗ lực hết sức để khắc phục sự cố và trấn an người dân về tính an toàn của năng lượng hạt nhân. Chính phủ và các ban ngành liên quan cần tiếp tục cảnh giác với nạn tiêu cực, rút ngắn quy trình hay những hoạt động bất thường trong ngành điện hạt nhân, thì có lẽ sẽ không cần lo lắng quá mức về tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.

Chúng ta có thể giảm nhẹ nguy cơ tai nạn bằng những nỗ lực không ngừng để đảm bảo việc vận hành các nhà máy an toàn. Sự kiện lắp đặt lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Barakah số 1, có khả năng chịu được động đất mạnh 7 độ richter, đang mang lại một lợi thế lớn cho Hàn Quốc khi tham gia vào những thương vụ đấu thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ả-rập Xê-út và Phần Lan trong tương lai.

Theo KBS WORLD