Năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang dịch chuyển ngành công nghiệp điện năng nhưng không đủ nhanh để thế giới đạt được mục tiêu Thoả thuận Paris của UNFCCC nhằm giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2oC – theo ông László Varró – nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA). Mục tiêu “ổn định khí hậu” cần năng lượng hạt nhân giữ vai trò quan trọng trong hỗn hợp năng lượng cacbon thấp – ông Varró trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng ở Budapest ngày 05/12/2016.
Bình luận của ông Varró dựa trên nội dung ấn phẩm gần đây của IEA về Triển vọng năng lượng toàn cầu (WEO – World Energy Outlook), xuất bản vào ngày 16 tháng 11. Kịch bản số 450 trong báo cáo Triển vọng năng lượng toàn cầu cho thấy năng suất phát điện hạt nhân thế giới đến năm 2040 tăng gấp gần 2,5 lần so với hiện nay, từ 2535 TWh lên đến 6101 TWh.
Kịch bản 450 chỉ ra lộ trình năng lượng với mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp bằng cách giới hạn nồng độ khí nhà kính CO2 trong khí quyển về quanh giá trị 450 ppm (ND: một phần triệu).
Trong kịch bản này, các nguồn năng lượng cacbon thấp chiếm ưu thế trong hỗn hợp sản xuất năng lượng. Thuỷ điện đóng góp 20%, năng lượng hạt nhân 18%, năng lượng gió 18% và pin mặt trời 9%. Sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hoá thạch giảm nhanh chóng, năng lượng từ khí đốt đóng góp 16%, than đá 9% và dầu mỏ 1%. 9% năng lượng còn lại lấy từ nhiều nguồn cacbon thấp khác.
“Một số tổ chức phi chính phủ ưa theo đuổi sự thù ghét đối với năng lượng hạt nhân, nhưng ngay cả khi năng lượng hạt nhân phục hưng trở lại thì chúng ta vẫn phải sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời tới mức tối đa” – ông Varró nhận định. “Nếu bạn muốn thực hiện mà không cần đến năng lượng hạt nhân thì về mặt kỹ thuật vẫn có thể được nhưng như vậy là tham vọng quá mức”. Thực tế vẫn còn đó “những câu hỏi chưa trả lời được” là làm thế nào để hệ thống gồm 100% năng lượng tái tạo sẽ vận hành – ông Varró nói. Trong đó bao gồm cả sự chấp nhận của xã hội đối với việc phát triển mạng lưới truyền tải quy mô lớn và mức độ đáp ứng nhu cầu linh hoạt có thể rất lớn.
“Trung Quốc đang đưa từng lò phản ứng hạt nhân mới vào mạng lưới điện tính trung bình theo hằng quý” – ông Varró nói, trong khi đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng kiến việc ký kết các hợp đồng cho 36 tổ máy điện hạt nhân của Nga. “Tôi chắc chắn không tin rằng tất cả 36 tổ máy này đều sẽ được xây dựng trong thực tế nhưng sẽ có một vài tổ máy vì đối với một số quốc gia thì các thoả thuận hạt nhân với Nga vẫn khá hấp dẫn để phát triển đất nước”.
Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong ngành công nghiệp điện năng năm vừa rồi lại thuộc về năng lượng tái tạo – ông nói.
Như với năng lượng hạt nhân, Trung Quốc cũng đang đầu tư nhiều vào các nhà máy thuỷ điện, năng lượng gió và năng lượng mặt trời quy mô lớn. Ông bổ sung thêm – có “cơ hội thực sự” để châu Phi “dùng nguồn điện năng cacbon thấp” từ các nhà máy thuỷ điện lớn, năng lượng mặt trời phân tán và ở một số quốc gia châu Phi là năng lượng gió.
Đáng chú ý là Hoa Kỳ không chỉ có nguồn khí đốt rẻ hơn mà cả năng lượng gió và năng lượng mặt trời cũng rẻ hơn so với châu Âu – ông nói. Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, việc sử dụng năng lượng tái tạo ở Hoa Kỳ còn được hỗ trợ từ “môi trường thuế thuận lợi cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời, sự ủng hộ của cả hai đảng chính trị và các tập đoàn phi năng lượng lớn của Hoa Kỳ như Apple, dẫn đến việc đầu tư nhiều cho năng lượng tái tạo”.
Thoả thuận Paris
Thoả thuận Paris có hiệu lực vào tháng trước là một “tin tốt” – ông Varró nói trong hội nghị ở Budapest, trong khi đó “tin xấu là thỏa thuận tạo ra mức sàn cho kế hoạch chứ không phải là mức trần”. Cam kết của từng quốc gia về cắt giảm phát thải khí CO2 “không giúp cho ổn định khí hậu mà thực tế còn cách cực kỳ xa so với mục tiêu đó” – ông nói. “Các cam kết này cần được khẳng định lại và quá trình này có khá nhiều thử thách. Tuyệt đối không có chỗ cho sự tự hài lòng ở đây”.
“Trong suốt 25 năm qua, chúng ta đã có Hội nghị thượng đỉnh về Trái Đất ở Rio, Nghị định thư Kyoto, Thoả ước Copenhagen, sách, phim, các ngôi sao Hollywood dành cho vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững nhưng tính trung bình thì mức cacbon trong hệ thống năng lượng vẫn tăng” – ông nói.
Kịch bản về các chính sách mới trong Triển vọng năng lượng toàn toàn cầu cho thấy sự gia tăng rất nhỏ năng lượng đóng góp từ than đá và dầu mỏ “nhưng nằm trong khoảng sai số dự đoán và do vậy mức độ tăng trưởng này không đáng kể” ông nói.
Kịch bản này tính đến các cam kết chính sách và kế hoạch rộng rãi mà từng quốc gia đã công bố, bao gồm cả các cam kết quốc gia để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và kế hoạch bỏ trợ cấp cho năng lượng hoá thạch mặc dù cho đến nay các nước vẫn chưa xác định hay công bố các biện pháp thực hiện.
Mặt khác khí tự nhiên “đang thực hiện khá tốt” ở ngoài châu Âu, ở châu Á và Mỹ Latinh và “đang bùng nổ” ở Bắc Mỹ và Trung Đông. Khí tự nhiên giống như người kinh doanh bảo hiểm cho ngành công nghiệp điện năng – ông nói – vì đó thường là giải pháp cho các câu hỏi giả định “Cái gì nếu như?”, ví dụ như phải dùng gì để thay thế cho nhà máy chạy than đá bị đóng cửa vì lý do môi trường.
“Nếu tất cả các cam kết trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Paris đều được giữ – không ai lừa gạt, không ai chối bỏ – thì chúng ta gần như ổn định được mức phát thải khí CO2 – mức tăng trung bình hàng năm chỉ khoảng 150 triệu tấn. Điều này có vẻ nhiều triển vọng nhưng không may là khoa học khí hậu hiện đại lại khẳng định có khác biệt lớn giữa ổn định phát thải với ổn định khí hậu” – ông nói.
“Ổn định phát thải giống như lái xe hướng đến vực thẳm với tốc độ tối đa rồi nhấc chân ra khỏi chân ga. Chúng ta giảm tốc nhưng vẫn hướng đến bờ vực. Ổn định khí hậu nghĩa là loại bỏ phát thải khí CO2 để đạt được nồng độ khí CO2 ổn định”.
Điều này yêu cầu phải “loại bỏ quá trình cacbon hoá từ gốc rễ” trong vòng 20 năm tới.
“Cho đến năm 2030, 14 năm tính từ bây giờ, chúng ta cần phải tìm cách giảm thêm 10 tỷ tấn CO2 ngoài các cam kết đã có trong Thoả thuận Paris” – ông nói.
“Nói cách khác, chúng ta cần tìm 10 gói năng lượng cho khí hậu của châu Âu. Hoa Kỳ hay châu Âu đâu sẽ là nơi dẫn dắt là một câu hỏi vô nghĩa, nhất là với tầm vóc của thách thức này. Mọi người đều phải chủ động và đó là vì kịch bản gia tăng 2oC”.
“Phần in chữ nhỏ” trong Thoả thuận Paris có tham vọng còn lớn hơn về giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1,5oC. Điều này sẽ dẫn đến yêu cầu “một điều như là kinh tế thời chiến”, ông nói, khi so sánh với thử thách mà Thủ tướng Winston Churchill kêu gọi vào năm 1940 đối với ngành công nghiệp sản xuất của Anh quốc để nỗ lực làm được 100 000 máy bay. “Mục tiêu 2oC chỉ là ranh giới có thể đạt được nếu duy trì chủ nghĩa tư bản tiêu dùng – và điều này chỉ có được nếu chúng ta thực hiện theo cách thực sự thông minh”.
Varró là người Hungary, tiếp nối Fatih Birol làm nhà kinh tế trưởng cho tổ chức ở Paris kể từ đầu năm nay. Birol đã trở thành giám đốc điều hành của IEA vào tháng 9/2015.
Bài viết gốc: http://www.world-nuclear-news.org/EE-Climate-target-very-difficult-without-nuclear-says-IEA-chief-economist-06121601.html
Nguyễn Nam Giang, Trung tâm Đào tạo hạt nhân
Tổng hợp và biên dịch từ nguồn: World Nuclear News