Ngày 30/01/2024, Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã long trọng tổ chức Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Đỗ Đức Chí, chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân (mã số 9.44.01.06), đề tài luận án Nghiên cứu đảm bảo chất lượng kỹ thuật xạ trị dùng chùm photon hẹp cho máy Truebeam STX với sự hướng dẫn khoa học của TS. Trần Ngọc Toàn và TS. Robin Hill.
Đến tham dự buổi Lễ có Thượng tá. TS.BS. Bùi Quang Biểu – Chủ nhiệm Khoa Xạ trị, Xạ phẫu – Bệnh viên TW Quân đội 108, PGS. TS. Trịnh Anh Đức – Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân cùng bạn bè và người thân của nghiên cứu sinh Đỗ Đức Chí. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng, GS.TS. Trần Đức Thiệp, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Đỗ Đức Chí trong những năm thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và những nỗ lực của NCS trong thời gian qua.
NCS Đỗ Đức Chí trình bày tóm tắt luận án
Xạ trị nói chung và xạ phẫu nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung biếu. Từ trước đến nay phẩu thuật lập thể (SRS) đã và đang được thực thi trên những thiết bị xạ phẫu chuyên dụng với hệ chuẩn trực chuyên dụng hình trụ hoặc dạng nón. Gần đây nhiều cơ sở có xu hướng sử dụng các máy gia tốc tuyến tính trong xạ trị trường chiếu nhỏ. Mục tiêu của luận án nhằm nghiên cứu nhằm đảm bảo chất lượng việc sử dụng một hệ thống máy gia tốc đa năng theo hướng xây dựng mô hình tính liều riêng cho xạ phẫu dùng chùm photon hẹp bằng bộ chuẩn trực đa lá, nghiên cứu kiểm định mô hình này, đồng thời phát triển nghiên cứu ứng dụng thường quy mô phỏng Monte Carlo trong đảm bảo chất lượng SRS và IMRT/VMAT. Luận án có nội dung nghiên cứu xây dựng một mô hình chùm tia riêng cho máy xạ phẫu đa năng sử dụng MLC có độ phân giải cao để thực hiện xạ phẫu, đồng thời so sánh đối chiếu kết quả làm việc của nó với mô hình thông thường, đặc biệt là trong lập kế hoạch điều trị các thể tích nhỏ; nghiên cứu các phương pháp kiểm định độc lập và áp dụng để kiểm định mô hình chùm tia riêng cho xạ phẫu bằng MLC; sử dụng PRIMO và dữ liệu không gian – pha do Varian cung cấp để xem xét khả năng sử dụng kết hợp của chúng trong đảm bảo chất lượng thường quy đối với các kỹ thuật xạ trị trường chiếu nhỏ… Vì vậy, các kết quả nghiên cứu của luận án có tính thời sư, tính câp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong đảm bảo chất lượng kỹ thuật xạ trị dùng chùm photon hẹp. Một số giá trị khoa học của luận án tiến sĩ như sau:
– Hệ số liều đầu ra (ROF, Relative Output Factor) máy gia tốc xạ trị được đo và tính toán cho hệ chuẩn trực kết hợp MLC-jaws (IMRT-style và SBRT-style) là một điểm còn khá mới trong khi rất nhiều cơ sở và đặc biệt là ở Việt Nam chỉ đo trên hệ jaws. Kết quả đo hệ số liều tương đối đầu ra với hệ chuẩn trực kết hợp này giúp xây dựng và tinh chỉnh mô hình tính liều cho kỹ thuật xạ trị trường chiếu nhỏ dùng bộ chuẩn trực đa lá HD-MLC, thay cho hệ chuẩn trực chuyên dụng như cone, helmet. Các số liệu ROF này được đo bằng phương pháp 3 loại đầu đo, thay cho phương pháp daisy-chain làm tăng độ chính xác trong đo lường và do đó bổ sung thêm dữ liệu tham khảo cho các trường chiếu nhỏ tới 2×2 cm2 và rất nhỏ, tới 0.5×0.5 cm2.
– Luận án cũng đóng góp thêm vào cơ sở dữ liệu hệ số hiệu chỉnh cho 3 đầu đo thế hệ mới của IBA bao gồm Razor Nano Chamber, Razor Chamber và Razor Diode khi sử dụng với các trường chiếu nhỏ tới 0.5 cm, đối với chùm tia 6MV-WFF và 6MV-FFF.
– Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy bộ dữ liệu đại diện RBD (Representative Beam Data) cung cấp bởi Varian cho chùm tia 6MV-FFF của trường chiếu tham chiếu 10 cm cần phải được điều chỉnh thêm để có thể dùng chuẩn liều tuyệt đối đầu ra của máy TrueBeam STx. Dữ liệu RBD cho chùm tia 6MV-WFF có thể được gọi là GBD (Golden Beam Data, bộ dữ liệu chuẩn).
– Tiêu chí gamma (1%,1mm) không nên được áp dụng để so sánh các đường cong đặc trưng không có hiệu chỉnh phù hợp. Tiêu chí gamma đề nghị sử dụng là (2%,1mm) hoặc (3%,1mm) phù hợp hơn trong hầu hết các tình huống, kể cả các phép đo tương đối không có hiệu chỉnh như đo liều cách tâm OCR (Off-Center Ratio) hay liều sâu phần trăm PDD (Percentage Depth Dose).
Mặt khác các kết quả trên đều đã được công bố trên các tạp chí quốc gia quốc tế, quốc gia và hội nghi, trong đó có 2 tập chí quốc tế ISI uy tín cũng phản ánh độ tin cậy của chúng.
– Do Duc Chi, Tran Ngoc Toan, and Robin Hill, “A multi-detector comparison to determine convergence of measured relative output factors for small field dosimetry”, Journal of Physical and Engineering Sciences in Medicine, Springer Nature, 2023. (https://link.springer.com/article/10.1007/s13246-023-01351-3).
– Do Duc Chi, Tran Ngoc Toan, and Robin Hill, “Output correction factor determination for new generation IBA small field detectors”, IFMBE Proceedings of World Congress on Medical Physics and Biomedical Engineering, Springer Nature, 2023 (đã chấp nhận 5.2022).
– Đỗ Đức Chí, Trần Ngọc Toàn, Robin Hill và cs, “Đánh giá sự thay đổi chỉ số chất lượng kế hoạch điều trị đối với mô hình tính liều xây dựng riêng cho xạ phẫu bằng bộ chuẩn trực đa lá”, Tạp chí khoa học Y dược lâm sàng 108, tập 18, 2023 (https://doi.org/10.52389/ydls.v18i0.1783).
– Do Duc Chi, Tran Ngoc Toan, Robin Hill, Nguyen Do Kien, “Relative output factors of different collimation systems in Truebeam STx medical linear accelerator”, Journal of Nuclear Science and Technology, Vol.9, No. 4, 2019 (https://doi.org/10.53747/jnst.v9i4.137).
– Đỗ Đức Chí, “Những kỹ thuật hạt nhân mới trong y học và các vấn đề pháp quy đặt ra”, Tạp Chí Y Học Lâm Sàng – Số 66/2020, Nhà xuất bản Đại học Huế (doi: 10.38103/jcmhch.2020.66.16).
TS. Trần Ngọc Toàn phát biểu tại buổi Lễ
TS. Trần Ngọc Toàn – đại diện tập thể người hướng dẫn khoa học đã có nhận xét sâu sắc, mô tả những khó khăn và nỗ lực mà nghiên cứu sinh đã vượt qua để hoàn thành xuất sắc luận án. Nghiên cứu sinh cùng với nhóm nghiên cứu của mình đã công bố nhiều công trình trên các tạp chí quốc tế uy tín về vật lý y học hạt nhân và 04 chứng nhận kiểm định chất lượng quốc tế. Luận án là một công trình tài liệu tham khảo có giá trị dành cho thế hệ nghiên cứu kế cận.
Sau khi nghe NCS trình bày tóm tắt luận án và trả lời các câu hỏi phản biện của các thành viên Hội đồng và khách mời tham dự, Hội đồng đánh giá luận án đã họp kín và bỏ phiếu. Với kết quả bỏ phiếu 100% phiếu tán thành cho nghiên cứu sinh nhận học vị tiến sĩ, GS.TS. Trần Đức Thiệp thay mặt Hội đồng chúc mừng NCS Đỗ Đức Chí đã bảo vệ thành công luận án và chúc mừng TS. Trần Ngọc Toàn, TS. Robin Hill cùng Bệnh viện TW Quân đội 108 đã có thêm một học trò/cán bộ có trình độ tiến sĩ.
PGS.TS. Trịnh Anh Đức chúc mừng NCS Đỗ Đức Chí
PGS. TS. Trịnh Anh Đức đại diện cơ sở đào tạo gửi lời chúc mừng NCS Đỗ Đức Chí đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện và chúc mừng tập thể người hướng dẫn khoa học – TS. Trần Ngọc Toàn và TS. Robin Hill đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ đóng góp vào nguồn nhân lực trình độ cao, các thầy đóng vai trò rất quan trọng, yếu tố quyết định đến sự thành công và chất lượng chuyên môn luận án của NCS Đỗ Đức Chí. Ngoài ra, ông gửi lời cảm ơn đến Lãnh đạo Khoa Xạ trị, Xạ phẫu – Bệnh viên TW Quân đội 108 đã luôn hỗ trợ cho nghiên cứu sinh.
NCS Đỗ Đức Chí cùng các thành viên Hội đồng
Trong niềm vui và xúc động, NCS Đỗ Đức Chí trân trọng cảm ơn các thành viên của Hội đồng đã góp ý sâu sắc và nghiên cứu sinh sẽ nghiêm túc tiếp thu chỉnh sửa và hoàn thiện luận án tiến sĩ theo những ý kiến của các thành viên Hội đồng. Nghiên cứu sinh gửi lời cảm ơn và tri ân tới TS. Trần Ngọc Toàn và TS. Robin Hill – các thầy là người truyền cảm hứng đam mê khoa học luôn bên cạnh hướng dẫn cho nghiên cứu sinh. Ngoài ra, nghiên cứu sinh cũng gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Khoa Xạ trị, Xạ phẫu – Bệnh viên TW Quân đội 108, Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình – nơi luôn là hậu phương, là nguồn động viên và luôn đồng hành, ủng hộ trong học tập cũng như trong cuộc sống để nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Nguyễn Thúy Hằng – Phòng Đào tạo, Nghiên cứu và Triển khai