VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Nguyễn Thúy Hằng
  • Lượt xem: 85

         Ngày 12/11/2023, Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã long trọng tổ chức Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Nguyễn Kiên Cường, chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân (mã số 9.44.01.06), đề tài luận án Nghiên cứu tính toán vật lý neutron, thủy nhiệt và quản lý vùng hoạt để vận hành an toàn và sử dụng hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền.

         Đến tham dự buổi Lễ có TS. Cao Đông Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền – người hướng dẫn khoa học cùng cán bộ của Trung tâm Lò, Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu sinh đang theo học tại Đà Lạt và người thân của nghiên cứu sinh Nguyễn Kiên Cường. Dưới sự chủ trì của GS.TS. Châu Văn Tạo, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Nguyễn Kiên Cường trong những năm thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và những nỗ lực của NCS trong thời gian qua.

  

NCS Nguyễn Kiên Cường trình bày tóm tắt luận án

         Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước, lò có công suất nhỏ nhưng có lịch sử hết rất đặc biệt. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu duy nhất trên thế giới có “vỏ là của Mỹ và ruột là của Nga”. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt do người Mỹ thiết kế và xây dựng (TRIGA Mark II) có công suất 250 kWt, sau khi được xây dựng do ảnh hưởng của chiến tranh nên lò chỉ vận hành một thời gian ngắn và dừng hẳn vào năm 1968. Năm 1975, sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc toàn bộ nhiên liệu của lò phản ứng bị tháo dỡ và chuyển về Mỹ và lò không có khả năng vận hành. Đến năm 1982, với sự giúp đỡ của Liên Xô, lò được khôi phục lại và nâng công suất lên 500 kWt. Hiện nay, lò đang được sử dụng để sản xuất đồng vị phóng xạ, nghiên cứu vật lý kỹ thuật lò và vật lý hạt nhân, phân tích kích hoạt neutron, chiếu xạ chuyển hóa vật liệu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực,…

         Năm 2012, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoàn thành việc chuyển đổi từ nhiên liệu có độ giàu cao (HEU) sang nhiên liệu có độ giàu thấp (LEU) theo chương trình RERTR. Thay đổi nhiên liệu từ HEU sang LEU dẫn đến các thông số neutron và thủy nhiệt thay đổi. Vì vậy, cần phải nghiên cứu và tính toán lại các thông số để đảm báo tính an toàn khi vận hành lò. Luận án NCS Nguyễn Kiên Cường tập trung vào tính toán vật lý, thủy nhiệt và phân tích an toàn cho lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sử dụng LEU. Qua đó, cho ta thấy luận án vừa có tính thời sự, tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Một số giá trị khoa học của luận án tiến sĩ như sau:

         – Tính toán vật lý và nhiệt thủy áp dụng cho quản lý vùng hoạt và nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt nhằm đảm bảo vận hành an toàn và khai thác hiệu quả. Cụ thể là việc đánh giá, xác định các thông số vật lý của vùng hoạt sau khi hoạt động lâu dài cũng như chuẩn bị cho thay đảo nhiên liệu.

         – Sử dụng chương trình động học 3D PARCS để khảo sát, đánh giá an toàn của DNRR trong điều kiện chuyển tiếp và sự cố độ phản ứng. Kết quả thu được là điều kiện tiên quyết để ghép nối với chương trình RELAP5, cho phép nghiên cứu an toàn chi tiết hơn trong tương lai đối với Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và lò phản ứng nghiên cứu mới.

         – Phát triển chương trình tính toán cháy nhiên liệu kết hợp giữa chương trình MCNP và mô-đun tính cháy có thêm tính toán nhiễm độc berily, hệ chương trình có thể cập nhật chương trình MCNP hoặc thư viện tính toán để áp dụng cho Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trong việc xác định phân bố 3 chiều cháy nhiên liệu. Chức năng chính của chương trình MCDL là cung cấp sự phân bố cháy nhiên liệu để xác định mô hình nạp nhiên liệu khi thay đảo nhiên liệu cho Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các lò phản ứng nghiên cứu khác có vật liệu berily trong vùng hoạt.

         Ngoài ra, các kết quả chính của luận án đã được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín có chỉ số ISI:

         – Kien-Cuong Nguyen, Vinh-Vinh Le, Ton-Nghiem Huynh, Ba-Vien Luong, Nhi-Dien Nguyen, Steady-State Thermal-Hydraulic Analysis of the LEU-Fueled Dalat Nuclear Research Reactor, Science and Technology of Nuclear Installations, vol. 2021, Article ID 6673162, 10 pages. https://doi.org/10.1155/2021/6673162, Q2.

         – Tran, VP., Nguyen, KC., Hartanto, D. et al. Development of a PARCS/Serpent model for neutronics analysis of the Dalat nuclear research reactor. NUCL SCI TECH 32, 15, 2021, https://doi.org/10.1007/s41365-021-00855-5, Q2.

         – Nhi-Dien Nguyen, Kien-Cuong Nguyen, Ton-Nghiem Huynh, Doan-Hai-Dang Vo, Hoai-Nam Tran, Conceptual Design of a 10 MW Multipurpose Research Reactor Using VVR-KN Fuel, Science and Technology of Nuclear Installations, vol. 2020, Article ID 7972827, 11 pages. https://doi.org/10.1155/2020/7972827, Q2

         – Kien-Cuong Nguyen, Vinh-Vinh Le, Ton-Nghiem Huynh, Ba-Vien Luong, Nhi-Dien Nguyen, Hoai-Nam Tran, “Interim Storage of the Dalat Nuclear Research Reactor: Radiation Safety Analysis”, Science and Technology of Nuclear Installations, vol. 2020, Article ID 7327045, 10 pages, 2020. https://doi.org/10.1155/2020/7327045, Q2

         – Nguyen Kien, C., Nguyen Thi, D., Tran Viet, P., Nguyen Huu, T., and Pham Nhu Viet, H., Modeling of the Dalat Nuclear Research Reactor (DNRR) with the Serpent 2 Monte Carlo code, Nuclear Science and Technology, 9(3), 21-29, 2019, https://doi.org/10.53747/jnst.v9i3.41.

         – Nguyen Kien, C., Huynh Ton, N., Le Vinh, V., Luong Ba, V., Pham Quang, H., Tran Quoc, D., and Bui Van, C., Calculation Results for Enhancing Ability of I-131 Radioisotope Production Using Tellurium Dioxide Target on the Dalat Nuclear Research Reactor, Nuclear Science and Technology, 9(3), 2021, https://doi.org/10.53747/jnst.v9i3.39.

         PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền – người hướng dẫn khoa học đã có nhận xét sâu sắc, mô tả những thuận lợi, khó khăn và nỗ lực mà nghiên cứu sinh đã vượt qua để hoàn thành xuất sắc luận án. Nghiên cứu sinh cùng với nhóm nghiên cứu của mình đã công bố nhiều công trình trên các tạp chí quốc tế và trong nước uy tín. Luận án là một công trình tài liệu tham khảo có giá trị dành cho thế hệ nghiên cứu kế cận.

GS.TS. Châu Văn Tạo đọc Quyết nghị của Hội đồng

         Sau khi nghe NCS trình bày tóm tắt luận án và trong phần trả lời câu hỏi do Hội đồng đặt ra, nghiên cứu sinh đã trả lời tốt những vấn đề liên quan tới luận án của mình và đã nhận được nhất trí từ Hội đồng đánh giá luận án cũng như tất cả đại biểu tham dự. Với kết quả bỏ phiếu 100% phiếu tán thành cho nghiên cứu sinh nhận học vị tiến sĩ (4/7 phiếu xuất sắc), GS.TS. Châu Văn Tạo thay mặt Hội đồng chúc mừng NCS Nguyễn Kiên Cường đã bảo vệ thành công luận án và chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền cùng Viện Nghiên cứu hạt nhân đã có thêm một học trò/cán bộ có trình độ tiến sĩ.

Cao Đông Vũ tặng hoa chúc mừng NCS Nguyễn Kiên Cường

         TS. Cao Đông Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân đã gửi lời chúc mừng tới NCS Nguyễn Kiên Cường đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Ông đánh giá rất cao năng lực nghiên cứu của nghiên cứu sinh và sự thành công của buổi bảo vệ luận án tiến sĩ ngày hôm nay là bằng chứng cho sự kiên trì và lòng say mê khoa học đã giúp NCS Nguyễn Kiên Cường vượt qua một chăng đường gian nan vất vả đầy thử thách. Học vị tiến sĩ là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục quốc gia và người đạt học vị đó là người có kiến thức rộng, có kỹ năng giỏi trong ngành nghề của mình. Vì vậy, ông hy vọng NCS Nguyễn Kiên Cường tiếp tục con đường nghiên cứu của mình và dẫn dắt những cán bộ trẻ thế hệ tiếp theo của Trung tâm Lò phản ứng nói riêng và của Viện Nghiên cứu hạt nhân nói chung. Qua buổi bảo vệ hôm nay ông muốn gửi gắm tới những nhà khoa học trẻ hãy luôn luôn đốt cháy ngọn lửa đam mê khoa học và tự tin để hội nhập cùng nền khoa học và công nghệ thế giới và đóng góp sức mình vì sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Muốn phát triển kinh tế thì không chỉ hội nhập kinh tế mà phải hội nhập khoa học và công nghệ, khoa học và công nghệ là nền tảng của sự phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thúy Hằng chúc mừng NCS Nguyễn Kiên Cường

         Bà Nguyễn Thúy Hằng đại diện cơ sở đào tạo gửi lời chúc mừng NCS Nguyễn Kiên Cường đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện và PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền – người hướng dẫn khoa học đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ đóng góp vào nguồn nhân lực trình độ cao, thầy đóng vai trò rất quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự thành công và chất lượng chuyên môn luận án của NCS Nguyễn Kiên Cường. Ngoài ra, bà cũng gửi lời cảm ơn đến Lãnh đạo Viện Nghiên cứu hạt nhân đã luôn đồng hành và hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu sinh.

NCS Nguyễn Kiên Cường cùng các thành viên Hội đồng

         Trong niềm vui và xúc động, NCS Nguyễn Kiên Cương trân trọng cảm ơn các thành viên của Hội đồng đã góp ý sâu sắc để nghiên cứu sinh hoàn thiện luận án tiến sĩ của mình. Nghiên cứu sinh gửi lời cảm ơn và tri ân tới PGS.TS. Nguyễn Nhị Điền – thầy là người truyền cảm hứng đam mê khoa học luôn bên cạnh hướng dẫn cho nghiên cứu sinh. Ngoài ra, nghiên cứu sinh cũng gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Viện Nghiên cứu hạt nhân đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu sinh trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và thực hiện luận án, đồng thời nghiên cứu sinh gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình – nơi luôn là hậu phương, là nguồn động viên, là những người đã luôn sát cánh, luôn ủng hộ trong học tập cũng như trong cuộc sống để nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Nguyễn Thúy Hằng – Phòng Đào tạo, Nghiên cứu và Triển khai