VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Nguyễn Thúy Hằng
  • Lượt xem: 139

       Ngày 27/8/2022, Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã long trọng tổ chức Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Dũng, chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân (mã số 9.44.01.06), đề tài luận án Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và mô hình đánh giá liều chiếu xạ tại một số mỏ đất hiếm và sa khoáng” với sự hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Hào Quang và TS. Đào Đình Thuần.

       Đến tham dự buổi Lễ có PGS.TS. Đỗ Văn Bình – Trưởng Khoa Môi trường – Trường Đại học Mỏ địa chất, TS. Trịnh Anh Đức – Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân cùng bạn bè và người thân của nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Dũng. Dưới sự chủ trì của GS.TS. Trần Đức Thiệp, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Nguyễn Văn Dũng trong những năm thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và những nỗ lực của NCS trong thời gian qua.

NCS Nguyễn Văn Dũng trình bày tóm tắt luận án

       Ô nhiễm phóng xạ gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của con người. Đây là vấn đề toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới đặc biệt quan tâm và nhiều nước trên thế giới nghiên cứu để cảnh báo cũng như tìm biện pháp phòng tránh. Ô nhiễm phóng xạ gồm hai nguồn là tự nhiên và nhân tạo. Ô nhiễm phóng xạ tự nhiên có nguồn gốc từ các đồng vị phóng xạ tự nhiên hình thành trong vỏ Trái Đất, trong đó điển hình là các đồng vị của U, Th cùng với con cháu và 40 K. Ô nhiễm phóng xạ nhân tạo xuất phát từ các vụ thử hạt nhân. Do nhu cầu phát triển kinh tế, việc khai thác các mỏ cũng dẫn đến thay đổi môi trường phóng xạ, đặc biệt là các khu vực mỏ đất hiếm và sa khoáng, nơi có nhiều nguyên tố cộng sinh là phóng xạ tự nhiên. Hiện nay, tại Việt Nam đã phát hiện nhiều mỏ, điểm mỏ đất hiếm và khoáng sản sa khoáng có giá trị. Việc tham dò, khai thác các mỏ này có tác động đến điều kiện phân bố, tang trữ của các thân quặng và gây sự phát tán phóng xạ tự nhiên, có thể gây ảnh hưởng đến con người và môi trường sống. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và mô hình đánh giá liều chiếu xạ tại một số khu vực mỏ đất hiếm và mỏ sa khoáng là vấn đề rất quan trọng. Do đó có thể nói rằng luận án có tính thời sự, tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhằm mục đích khai thác các khu mỏ có hiệu quả, hợp lý và bảo đảm sức khỏe cho con người. Một số giá trị khoa học của luận án tiến sĩ như sau:

       – Đã xây dựng được mô hình địa môi trường làm sáng tỏ cơ chế phát tán ra môi trường của các nhân phóng xạ do hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đất hiếm, sa khoáng. Cụ thể tại mỏ đất hiếm Mường Hum, môi trường nước và đất đều thuận lợi cho việc hòa tan và vận chuyển của U 6+ và tại mỏ monazite Bản Gié, môi trường nước và đất đều thuận lợi cho việc hòa tan và vận chuyển của U và Ra.

       – Đã xây dựng được mô hình phát tán bức xạ gamma, khí phóng xạ theo mô hình thân quặng chứa nhân phóng xạ: mô hình cho thấy với thân quăng U3O 8, hàm lượng 0,01% suất liều gamma tại khoảng cách 30m không đáng kể và nồng độ khí phóng xạ Radon suy giảm chậm theo độ cao.

       – Đã xây dựng được cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường tại các mỏ khoáng sản cho phép tính liều hiệu dụng, liều chiếu trong (qua hô hấp và tiêu hóa), liều chiếu ngoài, cập nhật kết quả và tra cứu thông tin tại khu vực khảo sát.

       – Đã xác định được đặc trưng phóng xạ môi trường tại mỏ đất hiếm Mường Hum và mỏ sa khoáng monazite Bản Gié. Các đặc trung này xác định được rằng tại mỏ đất hiếm Mường Hum giá trị liều bức xạ tăng do hoạt động thăm dò quặng đất hiếm lớn hơn 4 lần so với mức liều giới hạn đối với dân chúng. Còn đối với mỏ sa khoáng monazite Bản Gié thì các chỉ số nguy cơ phóng xạ trong khu vực thân quặng cao hơn 1,6 lần so với các chỉ số tương ứng ở khu vực gần thân quặng. Đồng thời các chỉ số này cũng lớn hơn mức trung bình thế giới là 3,7 và 2,3 lần tương ứng với trong và gần khu vực thân quặng.

       – Đối với các khu vực nghiên cứu đã xây dựng được phương pháp đánh giá trạng thái cân bằng giữa 226 Ra và 238 U trong đất, bản đồ phân vùng phóng xạ môi trường và phương pháp, quy trình đánh giá ảnh hưởng của phóng xạ đến môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

       Các kết quả trên đây thu được trên cơ sở phương pháp nghiên cứu hiện đại và hợp lý. Đồng thời đã được công bố trên các tạp chí quốc tế và quốc gia có uy tín khẳng định độ tin cậy của chúng. Các kết quả này có thể phục vụ cho hoạt động khoáng sản đối với các khu vực đã nghiên cứu, cũng như mở rộng khả năng nghiên cứu và khai thác các vùng mỏ khác có ô nhiễm phóng xạ môi trường.

       Ngoài ra các kết quả chính của luận án đã được công bố trên 9 tạp chí, trong đó có 4 bài trên các tạp chí quốc tế có chỉ số ISI/Scopus và 5 tạp chí trong nước có uy tín:

       – Nguyen Văn Dung,  Dao Dinh Thuan ,  Dang Duc Nhan ,  Fernando P Carvalho ,  Duong Van Thang ,  Nguyen Hao Quang , Radiation exposure in a region with natural high background radiation originated from REE deposits at Bat Xat district, Vietnam, J. Radiation and Environmental Biophysics (Published on line),  OI: https://doi.org/10.1007/s00411-022-00971-9 . (ISI) 2022, May; 61(2): 309 – 324. IF = 1.955, H = 55, Q2 (2021)

       – Van Dung Nguyen, Dinh Huan Trinh, Natural radioactivity and radiological hazard evaluation in surface soils at the residential area within Ban Giemonazite placer, Nghe An, Journal of Radioanalytical and Nuclear Chemistry,(Published online), https://doi.org/10.1007/s10967-021-08171-3 , IF = 1.504, H= 70, Q3 (ISI)

       – Dung Nguyen Van, Studying the Process of Dispersing Gamma Radiation, Radioactive Gas (Radon, Thoron) in Rare Earth Mines, Modern Environmental Science and Engineering, Volume 6, No. 2, pp. 294-301. (Published online), DOI:10.15341/mese(2333-2581)02.06.2020/014.

       – Nguyen Van Dung, Vu Thi Lan Anh, Radon, Thoron Gas Concentration and Level Living in Ban Gie Monazite Mineral Sand Mine Area, Quy Hop District, Nghe An Province, Vietnam, International Conference on Material, Machines and Methods for Sustainable Development; MMMS 2020: Proceedings of the 2nd Annual International Conference on Material, Machines and Methods for Sustainable Development (MMMS2020) pp 618-628. https://doi.org/10.1007/978-3-030-69610-8_83

       Trong số 9 công trình liên quan trực tiếp đến luận án trên đây thì 2 công trình đầu được công bố trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín và 2 công trình tiếp theo là trong các tạp chí quốc tế. Số công bố trong nước có 2 bài đăng trong tạp chí VJSTE và NST là những tạp chí quốc gia có uy tín thuộc Danh mục tạp chí tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành Vật lý – Hội đồng Giáo sư Nhà nước, 1 công bố trong tạp chí ngành Địa chất, 1 công bố trong Tạp chí Y dược Cần Thơ và 1 báo cáo hội nghị trong nước. Tất cả các công trình đều phản ánh nội dung luận án và có ý nghĩa khoa học trong nghiên cứu các vấn đề về môi trường phóng xạ tự nhiên trong khu vực mỏ.

TS. Nguyễn Hào Quang phát biểu tại buổi Lễ

       TS. Nguyễn Hào Quang – đại diện tập thể người hướng dẫn khoa học đã có nhận xét rất sâu sắc, mô tả những khó khăn và nỗ lực mà nghiên cứu sinh đã vượt qua để hoàn thành xuất sắc luận án. Luận án là một công trình tài liệu tham khảo có giá trị dành cho thế hệ nghiên cứu kế cận.

       Sau khi nghe NCS trình bày tóm tắt luận án và trả lời các câu hỏi phản biện của các thành viên Hội đồng và khách mời tham dự, Hội đồng đánh giá luận án đã họp kín và bỏ phiếu. Với kết quả bỏ phiếu 100% phiếu tán thành đồng ý cho nghiên cứu sinh nhận học vị tiến sĩ, GS.TS. Trần Đức Thiệp thay mặt Hội đồng chúc mừng NCS Nguyễn Văn Dũng đã bảo vệ thành công luận án và chúc mừng tập thể người hướng dẫn khoa học cùng Trường Đại học Mỏ địa chất đã có thêm một học trò/giảng viên có trình độ tiến sĩ.

TS. Trịnh Anh Đức chúc mừng NCS Nguyễn Văn Dũng

       TS. Trịnh Anh Đức đại diện cơ sở đào tạo gửi lời chúc mừng NCS Nguyễn Văn Dũng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện và chúc mừng TS. Nguyễn Hào Quang và TS. Đào Đình Thuần đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ đóng góp vào nguồn nhân lực trình độ cao, các thầy đóng vai trò rất quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự thành công và chất lượng chuyên môn luận án của NCS Nguyễn Văn Dũng. Ngoài ra, ông gửi lời cảm ơn đến Lãnh đạo Trường Đại học Mỏ Địa chất và Khoa Môi trường đã luôn hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu sinh.

NCS Nguyễn Văn Dũng cùng các thành viên Hội đồng

       Trong niềm vui và xúc động, NCS Nguyễn Văn Dũng trân trọng cảm ơn các thành viên của Hội đồng đã góp ý sâu sắc để NCS hoàn thiện luận án tiến sĩ. Nghiên cứu sinh gửi lời cảm ơn và tri ân tới TS. Nguyễn Hào Quang và TS. Đào Đình Thuần, các thầy là người truyền cảm hứng đam mê khoa học luôn bên cạnh hướng dẫn cho nghiên cứu sinh. Ngoài ra, nghiên cứu sinh cũng gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Trường Đại học Mỏ Địa chất và Khoa Môi trường, Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình – nơi luôn là hậu phương, là nguồn động viên, là những người đã luôn sát cánh, luôn ủng hộ NCS trong học tập cũng như trong cuộc sống để NCS có thể bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Nguyễn Thúy Hằng – Phòng ĐT, NC&TK