Nasya Tomlekova, Giáo sư tại MCVRI và Iliya Valchanov, với một trong những giống cây đã được phát triển (Nguồn: MCVRI)
Bulgaria – một trong những quốc gia đa dạng sinh học nhất ở châu Âu và là nước xuất khẩu lớn các sản phẩm thực phẩm. Sự ấm lên toàn cầu trong những thập kỷ qua đã làm năng suất và chất lượng của các cây trồng chủ lực giảm đi đáng kể. Để thích ứng với sự thay đổi của môi trường và tiếp tục cung cấp các loại rau lành mạnh và bền vững, các kỹ thuật hạt nhân đang được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nasya Tomlekova – Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử tại Viện Nghiên cứu Cây trồng Maritsa (MVCRI) cho biết: “Hiện nay có nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến sản lượng và chất lượng giảm dần của các giống địa phương. Chúng tôi cần phát triển trong khu vực này và quảng bá những sản phẩm mà hiện đang được áp dụng kỹ thuật hạt nhân, để chứng minh rằng phương pháp này hoàn toàn khả thi”.
Các chương trình nhân giống cây trồng hiện nay do IAEA hợp tác với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) hỗ trợ đang tập trung phát triển các giống tiêu, cà chua và khoai tây mới.
Trong vòng ba năm tới, ba giống tiêu sẽ được cung cấp cho nông dân. Một trong số chúng, Zlatna shipka, cho năng suất cao hơn 7% so với giống truyền thống. Vào năm 2021, một giống tiêu Desislava với năng suất cao hơn và nồng độ beta-carotene cao hơn (tương đương với lượng beta-carotene trong cà rốt) sẽ được cung cấp. Vì lượng beta-carotene cao (cơ thể sẽ chuyển hóa chất này thành Vitamin A) rất quan trọng cho làn da, đôi mắt khỏe mạnh và một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ. Một giống tiêu Toniko sẽ được cung cấp vào năm 2022 cũng sẽ có nồng độ beta-carotene được tăng cường.
Đây chỉ là nỗ lực mới nhất của IAEA và FAO nhằm hỗ trợ nền nông nghiệp của Bulgaria. Trong 50 năm qua, 76 giống cây trồng đã được phát triển bởi các chuyên gia Bulgaria sau khi họ tham gia các khóa đào tạo và nghiên cứu của IAEA về việc sử dụng các kỹ thuật hạt nhân để sản xuất lương thực bền vững và đảm bảo an ninh lương thực.
Nhân giống đột biến hoạt động thông qua việc sử dụng các công nghệ hạt nhân như tia X hoặc tia gamma, để tạo ra những thay đổi trong thực vật nhằm cải thiện cây trồng. Hạt hoặc tế bào của cây được tiếp xúc với bức xạ và các nhà khoa học lấy những cây con hoặc hạt đột biến mới này và đặt chúng vào môi trường vô trùng để phát triển. Khi cây phát triển, chúng được theo dõi và lựa chọn tùy thuộc vào các đặc điểm như sinh trưởng, màu sắc, giá trị dinh dưỡng hoặc khả năng chịu nhiệt. Những sự chọn lọc này tiếp tục được theo dõi trong một vài thế hệ sau đó các dòng mới và giống cây mới được phát triển.
Kỹ thuật hạt nhân được sử dụng để đẩy nhanh quá trình tiến hóa tự nhiên và kết quả là thu được các giống cây trồng với các đặc tính cải tiến.
Hiện có 18 cơ sở chiếu xạ gamma ở Bulgaria, cho phép nước này tiếp tục hướng tới việc cung cấp thực phẩm bền vững cho tiêu dùng nội địa và duy trì xuất khẩu mạnh mẽ. Tại các cơ sở chiếu xạ quốc gia, các dòng và giống đột biến đã được phát triển và thể hiện các đặc tính mong muốn. Chúng được lưu trữ trong ngân hàng gen quốc gia, nơi chứa 60 000 mẫu hạt giống hoặc các cơ quan nghiên cứu trên toàn quốc để sử dụng trong tương lai.