Hội thảo về “Lập kế hoạch và phát triển Chương trình tiếp cận hiệu quả thông qua Internet của Vạn vật” diễn ra trong 5 ngày từ ngày 25 đến ngày 29/9/2017 tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan trong khuôn khổ dự án TC RAS/0/075 thuộc Mạng lưới giáo dục và đào tạo công nghệ hạt nhân châu Á (ANENT).
Mở đầu Hội thảo là bài trình bày của Giáo sư Supicha Chanyotha, Chủ tịch ANENT, giới thiệu sơ lược về tổ chức và những thành quả đã đạt được của ANENT cùng dự án TC RAS 0075 để hướng tới mục tiêu xây dựng cổng thông tin điện tử và nền tảng học tập trên máy tính cũng như thực hiện các khoá đào tạo, phát triển và phổ biến các tài liệu tiếp cận công chúng, triển khai phòng thí nghiệm lò phản ứng nghiên cứu internet và hỗ trợ các thành viên của ANENT. Trong những năm vừa qua ANENT đã thiết lập được cơ sở hạ tầng về giáo dục và đào tạo trên nền web đối với khu vực châu Á và có thể kết nối với các tổ chức quốc tế khác. Dự án RAS0075 được thực hiện nhằm hỗ trợ các hoạt động của ANENT đó là các công việc điều phối trong phạm vi quốc gia và khu vực, chia sẻ và phổ biến các tài liệu cũng như nguồn tài nguyên thông qua các hoạt động đào tạo và tổ chức hội thảo cho các đối tượng từ học sinh trung học cơ sở đến sinh viên, giáo viên và công chúng.
Đại diện các quốc gia và chuyên gia IAEA tham gia hội thảo
Hội thảo có các bài trình bày của các báo cáo viên từ 15 nước thành viên của ANENT là Bangladesh, Hàn Quốc, Indonesia, Iraq, Jordan, Lebanon, Malaysia, Nhật Bản, Pakistan, Philippines, Syria, Sri Lanka, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra có đại diện của Iran tuy không là thành viên của ANENT nhưng cũng được mời tham dự. Tham gia trình bày tại Hội thảo, TS. Phạm Ngọc Đồng đại diện của Việt Nam đã trình bày tóm tắt các hoạt động tiếp cận công chúng trước đây của Việt Nam và các hoạt động nổi bật trong năm 2017 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam với vai trò là cơ quan nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam.
Thông qua bài trình bày của đại diện đến từ các quốc gia có nền khoa học và công nghiệp hạt nhân phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia về các kết quả của chương trình hoạt động phổ biến khoa học và công nghệ hạt nhân đối với công chúng, là những ví dụ điển hình trong phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ hạt nhân để các nước khác trong khu vực tham khảo học hỏi. Các bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia rút ra là áp dụng hiệu quả các bài giảng góp phần cung cấp thông tin một cách khoa học cho các em học sinh và cung cấp thông tin cho công chúng về khoa học bức xạ nói chung và ứng dụng của công nghệ hạt nhân vào đời sống. Việc tăng cường số tiết học trong chương trình giảng dạy đồng thời đẩy mạnh các biện pháp từ phương tiện thông tin đại chúng đến các kênh mạng xã hội cũng là những chủ đề để Hội thảo bàn luận. Đặc biệt hiện nay nguồn tài nguyên đã được xây dựng tốt ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Malaysia có thể sử dụng cho các nước thành viên khác. Ngoài ra các khoá đào tạo cũng như nguồn tư liệu sẵn có và các hoạt động của các nước thành viên cũng sẽ được tập hợp lại để xây dựng thành nguồn tư liệu chung cho ANENT.
Ba nhóm làm việc cùng chuyên gia thảo luận kế hoạch hành động cũng như định hướng của ANENT đến năm 2020.
Tham dự hội thảo có sự hiện diện của một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ thông tin, hợp tác quốc tế và đào tạo đến từ Đại học Chulalongkorn trình bày về các ứng dụng nền tảng website và công nghệ điện toán đám mây sử dụng internet kết nối vạn vật như giới thiệu về Thai MOOC, Chula MOOC, các ứng dụng cho ngôi nhà thông minh, trợ giúp người bệnh và dự án không rác thải. Hội thảo cũng thảo luận đến việc đưa môn khoa học và công nghệ hạt nhân vào trong chương trình giảng dạy từ trung học cơ sở đến phổ thông trung học, không chỉ có ý nghĩa giúp các em học sinh có cơ hội được tiếp cận và hiểu sâu hơn về vai trò của khoa học và công nghệ hạt nhân, mà còn góp phần xây dựng được một nguồn nhân lực bền vững có một nền tảng cơ bản tốt, đồng thời góp phần cung cấp thông tin và nhận thức đúng hơn cho công chúng. Đại diện các nước là thành viên ANENT và chuyên gia IAEA cùng thảo luận và đi đến thống nhất về chương trình phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực để thúc đẩy mạng lưới bền vững trong giáo dục và đào tạo hạt nhân. Với các mục tiêu cụ thể là có khoảng 20 trường đại học/cơ sở nghiên cứu trong khu vực được điều phối và phát triển nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông đồng thời sử dụng nguồn tư liệu về giáo dục và đào tạo cùng một số hoạt động kết nối với công chúng. Và có ít nhất 5 trường đại học hoặc trung tâm đào tạo trong khu vực được sử dụng hoặc hưởng lợi từ các thực nghiệm của Phòng thí nghiệm lò phản ứng nghiên cứu ảo (internet). Hai buổi cuối cùng của hội thảo, các thành viên tham gia được chia thành 3 nhóm làm việc để xây dựng chương hoạt động và phát triển chương trình cũng như đưa ra phương thức tiếp cận hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, tầm ảnh hưởng cũng như giáo dục và đào tạo về khoa học và công nghệ hạt nhân trong những năm tiếp theo.
Sau một tuần làm việc tích cực và hiệu quả, hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp với kế hoạch trong năm 2018 ANENT sẽ tiến hành thu thập và phân tích tài liệu của các nước thành viên, tiếp theo là phát triển và chỉnh sửa thành tài liệu chuẩn và sau đó sẽ đưa vào sử dụng và phân phối cho các quốc gia thành viên. Năm 2019 ANENT sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động phát triển e-learning và tiếp cận công chúng. ANENT khuyến khích tất cả các nước thành viên cung cấp các tài liệu cho kho dữ liệu, và cho phép các nước khác sử dụng tài liệu đó đáp ứng yêu cầu hướng dẫn và tiêu chuẩn của IAEA ví dụ như không có hình ảnh của trẻ em, bạo lực hay vi phạm bản quyền …. và các bộ tài liệu sẽ được phân loại theo nguyên tắc phân loại của IAEA. Theo chương trình kế hoạch đã được bàn thảo và thống nhất về định hướng đến 2020 đó là việc nâng cấp nền tảng web của hệ thống quản lý học tập (LMS), thúc đẩy việc sử dụng nguồn tài nguyên về giáo dục và đào tạo e-learning, hợp tác và chia sẻ thông tin về các hoạt động tiếp cận với công chúng và đưa vào áp dụng dự án phòng thí nghiệm lò phản ứng nghiên cứu ảo.
Phạm Ngọc Đồng – Trung tâm Đào tạo hạt nhân