Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ KH&CN diễn ra vào ngày 7/7/2017, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN), cho biết, đối với dự án lớn như Trung tâm KH&CN hạt nhân quốc gia (CNEST), điều quan trọng là thiết kế lò phản ứng nghiên cứu như thế nào để có thể sử dụng nó một cách hiệu quả trong công tác nghiên cứu triển khai và đào tạo ở 50 năm sau.
Lễ ký bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác triển khai dự án CNEST giữa Bộ KH&CN và Tập đoàn Rosatom tại Nga. Ảnh: Bộ KH&CN
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của báo chí cuộc họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ KH&CN là lễ ký kết bản ghi nhớ giữa Bộ KH&CN và tập đoàn Rosatom về kế hoạch hợp tác triển khai dự án CNEST trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Liên bang Nga từ ngày 28/6 đến 1/7/2017 vừa qua. “Trước đây, CNEST hầu như là một dự án thành phần của Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc ký biên bản ghi nhớ tại Nga đã khẳng định CNEST là một dự án độc lập, được xây dựng nhằm đạt mục tiêu phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, KH&CN Việt Nam”, TS. Trần Chí Thành cho biết như vậy tại buổi họp báo.
Ba lựa chọn về địa điểm CNEST
Với ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, CNEST và công trình lò phản ứng nghiên cứu mới đa mục tiêu sẽ là phương án thay thế tốt nhất cho lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt khi lò hết thời gian vận hành vào 10 năm tới. Tuy Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng thực hiện nhưng việc mở rộng triển khai nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử vẫn hết sức cần thiết. Đây là lý do để Nga tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong việc tiến hành triển khai CNEST mà việc ký kết biên bản ghi nhớ là bước đi đầu tiên.
TS. Trần Chí Thành cho biết, hiện nay đã có hai tỉnh đồng ý với đề xuất của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam về việc lựa chọn địa điểm xây dựng CNEST, đó là tỉnh Lâm Đồng với xã Đạ Nhim và tỉnh Đồng Nai với xã Suối Tre, xã Hàng Gòn. Đây là những địa điểm đã được các chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử phối hợp với các đơn vị chức năng khác lựa chọn đề xuất trên cơ sở đánh giá các yếu tố kỹ thuật. Việc lựa chọn địa điểm của một lò phản ứng nghiên cứu “tuy không nặng nề như với các dự án điện hạt nhân nhưng cũng đóng vai trò khá quan trọng vì địa điểm cũng sẽ liên quan đến thiết kế lò phản ứng”, TS. Trần Chí Thành nhấn mạnh.
Trong hội thảo “CNEST: Các khía cạnh KT-XH và KH-KT” do Bộ KH&CN và Rosatom phối hợp tổ chức ngày 10/2/2017, các chuyên gia Rosatom đã lưu ý, Việt Nam cần cân nhắc việc lựa chọn địa điểm sao cho đạt được các tiêu chí thuận lợi giao thông, gần các trường đại học, viện nghiên cứu, gần các khu vực đô thị… để có thể vận chuyển sản phẩm hàng hóa an toàn, nhanh chóng đồng thời thu hút được các nhà nghiên cứu trẻ tới làm việc.
Để đi đến kết luận về việc chọn địa điểm tối ưu cho CNEST, một hội đồng liên ngành do Bộ Kế hoạch và đầu tư thành lập sẽ thẩm định báo cáo tiền khả thi của dự án này. Sau khi xem xét đề xuất, Hội đồng thẩm định sẽ gửi báo cáo lên Chính phủ để Thủ tướng chính phủ ra quyết định chính thức. Đây sẽ là chủ trương quan trọng để dự án CNEST được thực hiện theo lộ trình.
Cần sử dụng hiệu quả CNEST
Trước thắc mắc của báo giới về việc lựa chọn công nghệ nào cho CNEST để lò phản ứng nghiên cứu vừa đạt tiêu chí là công nghệ hiện đại, vừa an toàn, TS. Trần Chí Thành giải thích, vấn đề lựa chọn công nghệ giữa lò phản ứng nghiên cứu và lò phản ứng năng lượng có sự khác biệt rất lớn. “Nếu trong dự án nhà máy điện hạt nhân, công nghệ đã được chuẩn hóa để phục vụ mục tiêu sản xuất ra điện thì trong dự án xây dựng lò nghiên cứu như CNEST, công nghệ không phải là vấn đề đáng quan tâm bằng việc cái lò phản ứng chúng ta xây lên sẽ triển khai nghiên cứu, ứng dụng được gì và công nghệ của lò sử dụng trong mấy chục năm”.
Trên thế giới, có rất nhiều loại công nghệ của lò phản ứng, mỗi công nghệ đáp ứng một số mục tiêu cụ thể. “Quan trọng là chúng ta có bao nhiêu kênh dẫn neutron trong vùng hoạt của lò và việc thiết kế nó như thế nào để có thể triển khai ý tưởng nghiên cứu được tốt nhất mà vẫn tiết kiệm được nhiên liệu. Do đó, cái khó nhất với lò nghiên cứu này là chúng ta xây nó như thế nào ấy cho 50 năm sau, vẫn có thể sử dụng nó một cách hiệu quả”, TS. Trần Chí Thành giải thích thêm với các nhà báo.
Dự án xây dựng lò phản ứng nghiên cứu là tiếp nối công việc nghiên cứu và triển khai đã được “thực hiện một cách hiệu quả trên lò phản ứng Đà Lạt hơn 30 năm trước” như lời giới thiệu của Thứ trưởng Phạm Công Tạc tại buổi họp báo. Bên cạnh đó, do có công suất lớn hơn lò phản ứng Đà Lạt nên lò phản ứng mới sẽ có khả năng đáp ứng được nhu cầu về đồng vị phóng xạ phục vụ trong lĩnh vực y học hạt nhân, công nghiệp…, ngoài một số đồng vị phóng xạ như ở lò Đà Lạt còn có thêm một số sản phẩm mới. Hiện nay, do công suất nhỏ, phổ ứng dụng hẹp và trung bình hàng năm chỉ vận hành khoảng 1.300 giờ, nên lò phản ứng Đà Lạt mới đáp ứng được 30% nhu cầu trong nước.
Về tính an toàn của CNEST, TS. Trần Chí Thành nhận xét, trong lịch sử phát triển lò phản ứng nghiên cứu thế giới, đến nay không có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra và “rất nhiều quốc gia xây lò nghiên cứu ngay giữa thành phố”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết thêm.
Nếu mọi việc diễn ra một cách thuận lợi như Chính phủ Việt Nam phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về Trung tâm và tiến tới thực hiện các bước đàm phán về Hiệp định về tín dụng ưu đãi với Nga dựa trên cơ sở cấu hình mới nhất của Trung tâm thì theo TS. Trần Chí Thành, “hy vọng đến năm 2025, Trung tâm sẽ đi vào vận hành”.
Thanh Nhàn
Nguồn: Tia sáng