NEW DELHI: Trong một bước chuyển tiếp mạnh mẽ, Ấn Độ và quốc gia Đông Á nhiều ảnh hưởng là Việt Nam đã ký kết hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự vào ngày thứ Sáu với lời khẳng định của Thủ tướng Narendra Modi rằng sự hợp tác này sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Phát ngôn viên Sumitra Mahajan của Quốc hội Ấn Độ và Chủ tịch quốc hội Việt Nam
Hai nước còn ký kết ba thoả thuận khác nhằm tăng cường kết nối hàng không, cùng hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và đẩy mạnh hợp tác nghị viện. Nhằmg tăng cường các mối quan hệ, bốn hiệp định đã được ký kết với sự chứng kiến của Phát ngôn viên Quốc hội Ấn Độ Sumitra Mahajan và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi gặp mặt trao đổi về tăng cường quan hệ. Bà Ngân, dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, cũng gặp gỡ với Thủ tướng Ấn Độ – là người khẳng định Thoả thuận về hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình “sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Ấn Độ và Việt Nam”.
Thủ tướng Modi nhắc lại lần gặp mặt với Bà Ngân mới đây ở Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng Chín vừa qua.
Ông nói rằng Bà Ngân, người phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, là tấm gương cổ vũ cho nữ quyền trên toàn thế giới.
Thủ tướng Modi hoan nghênh các hoạt động tăng cường trao đổi nghị viện giữa Ấn Độ và Việt Nam và đề xuất xây dựng chương trình trao đổi các nghị viên quốc hội trẻ tuổi giữa hai nước.
Thoả thuận hợp tác giữa Quốc hội nước Cộng hoà Ấn Độ và Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thoả thuận hạt nhân dân sự với Việt Nam – một quốc gia Đông Á có nhiều ảnh hưởng – đã đạt được ngay sau thoả thuận tương tự ký kết giữa Ấn Độ với Nhật Bản.
Việt Nam là quốc gia thứ 14 Ấn Độ ký kết thoả thuận hạt nhân dân sự. Về phía Ấn Độ, Bản ghi nhớ về hợp tác hạt nhân dân sự do Bộ trưởng Năng lượng nguyên tử Sekhar Basu ký và phía Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc ký.
Năm 1986 hai nước đã từng ký một hiệp định trong lĩnh vực hạt nhân dân sự giới hạn trong vấn đề đào tạo. Tuy nhiên, hiệp định mới có phạm vi rộng và bao gồm cả nghiên cứu về lò phản ứng hạt nhân, nhiều nguồn tin xác nhận.
Hợp tác về nghiên cứu lò phản ứng hạt nhân sẽ được khởi động khi Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm cung cấp hạt nhân (Nuclear Suppliers Group).
Bản ghi nhớ về ‘Tăng cường giao thương giữa Việt Nam và Ấn Độ và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động hàng không, thủ tục và điều hành mặt đất’ cũng được ký kết giữa Hãng hàng không Ấn Độ (Air India) và Công ty cổ phần hàng không Vietjet.
Công ty Dịch vụ hiệu quả năng lượng (EESL – Energy Efficiency Services Limited), một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Bộ Điện lực Ấn Độ, và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký Bản ghi nhớ về ‘Phát triển quan hệ đối tác cùng hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng’.
Biên bản ghi nhớ này được ông Satish C. Mehta – Chuyên gia tư vấn cao cấp của EESL – và ông Dương Quang Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam – ký kết.
Bà Mahajan khẳng định rằng Thoả thuận hợp tác năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình là “bước phát triển đáng chú ý” và là “minh chứng cho hai quốc gia” về quyết tâm đóng góp cho Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa mới được nâng cấp gần đây. Bà nêu bật việc tham gia tích cực của hai nước trong những lĩnh vực cụ thể như quốc phòng, an ninh, năng lượng, thăm dò, năng lượng phi truyền thống cũng như một số vấn đề quan trọng mà cả hai bên cùng quan tâm.
“Ấn Độ và Việt Nam có thể chia sẻ lợi ích từ thế mạnh của mỗi nước,” Bà nói. Đề cập đến vấn đề Biển Đông nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và thách thức Việt Nam cùng một số nước Đông Á khác, Bà Mahajan nhấn mạnh rằng Ấn Độ luôn khẳng định các đường giao thông hàng hải đi qua khu vực biển này có ý nghĩa trọng yếu đối với hoà bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển.
Bà Mahajan nhắc lại tuyên bố của Ấn Độ sau phán quyết mới đây của Toà trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông và khẳng định lập trường giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao không có đe doạ hay sử dụng vũ lực và kiềm chế tiến hành các hoạt động làm phức tạp hay leo thang tranh chấp gây ảnh hưởng tới hoà bình và ổn định. “Là nước thành viên của UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển), Ấn Độ kêu gọi các bên tôn trọng UNCLOS, lấy đó làm cơ sở pháp lý quốc tế cho các vấn đề về biển và đại dương,” – Bà Mahajan nói.
“Việt Nam đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong các vấn đề kinh tế toàn cầu” – Bà Mahajan nói – theo thông cáo báo chí mới đây của Thư ký Quốc hội Ấn Độ. Với chính sách ‘Hướng Đông’ của Ấn Độ dần trở thành chính sách ‘Hành động Đông Á’, khu vực này đã trở nên quan trọng hơn nhiều trong sự tham gia của Ấn Độ về kinh tế và tư duy chiến lược – Bà nói. Ấn Độ muốn hợp tác với Việt Nam để tăng cường khuynh hướng chia sẻ các giá trị về dân chủ, đa nguyên, cởi mở và rộng lượng để trở thành rường cột của các mối quan hệ quốc tế – Bà Mahajan bổ sung thêm.
Bà Mahajan chúc mừng “thành tựu phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam bởi sự sáng tạo và lao động cần cù cùng với con người nồng nhiệt và thân thiện” và rằng điều này thật đáng ngưỡng mộ và ấm lòng. Ghi nhận rằng Ấn Độ và Việt Nam có truyền thống tốt đẹp về các hoạt động trao đổi và hợp tác nghị viện, Bà khẳng định chuyến thăm này đã làm tăng thêm mối quan hệ bạn bè và sự tin tưởng giữa hai nước và hai dân tộc.
“Quốc hội Ấn Độ mong muốn duy trì đà phát triển này,” Bà nói với đoàn đại biểu Việt Nam khi làm việc với Thượng viện trước đó trong ngày.
Bà Mahajan nhắc lại chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Việt Nam vào tháng Chín và ghi nhận việc hai Thủ tướng đã quyết định nâng ‘Quan hệ chiến lược’ song phương được đề xuất từ năm 2007 lên ‘Quan hệ chiến lược toàn diện’.
Bà Ngân cảm ơn Bà Mahajan – phát ngôn viên của Quốc hội Ấn Độ – về sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho đoàn và hy vọng chuyến thăm sắp tới sẽ củng cố và tăng cường hơn nữa các mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Bài viết gốc: http://timesofindia.indiatimes.com/india/India-Vietnam-sign-nuclear-pact-three-other-agreements/articleshow/55905769.cms
Nguyễn Nam Giang, Trung tâm Đào tạo hạt nhân
Tổng hợp và biên dịch từ nguồn: Times of India