VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 69

     5 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Đào tạo Hạt nhân đã đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ, thực sự hoàn thiện chức năng của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam là: Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào kinh tế quốc dân trong lĩnh vực năng lượng, phi năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực.

     Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao, suốt 5 năm qua (2010-2015), Trung tâm Đào tạo Hạt nhân thuộc Viện Năng lượng Hạt nhân Việt Nam (VINATOM) đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam.

     TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hạt nhân, cho biết: Trong 5 năm qua, Trung tâm đã hoàn thiện bản Quy chế đào tạo tiến sĩ theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với 4 mã ngành đào tạo tiến sĩ: Vật lý lý thuyết và tính toán, Vật lý nguyên tử, Hóa phân tích và Hóa vô cơ.

TS. Quang cho biết, hiện có hơn 40 nghiên cứu sinh theo học tại Trung tâm. Ảnh: Song Anh

     Tham gia giảng dạy, ngoài các cán bộ của Trung tâm, còn có các giảng viên cơ hữu, với 48 tiến sĩ và 9 giáo sư, phó giáo sư các ngành liên quan đến năng lượng nguyên tử.

     Giai đoạn 2011-2015 đã có 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án và được cấp bằng tiến sĩ. Hiện nay, hơn 40 nghiên cứu sinh đang theo học tại Trung tâm.

     Số tiến sĩ này bổ sung vào đội ngũ nhân viên của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và giảng viên các trường đại học. Chất lượng nghiên cứu sinh được bảo đảm, với gần 100 công trình được nghiên cứu của các nghiên cứu sinh được đăng tải trên các tạp chí quốc tế và trong nước.

     Cùng với công tác đào tạo, Trung tâm đã tổ chức biên soạn nhiều tài liệu học tập về các lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, hóa phóng xạ, vật lý y học.

     Trung tâm đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Đà Lạt, Viện Khoa học Kỹ thuật hạt nhân, Viện công nghệ xạ hiếm, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội biên soạn hơn 30 bài thực tập về các lĩnh vực: Ghi đo bức xạ, vật lý lò phản ứng, kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, an toàn bức xạ, công nghệ máy gia tốc, xử lý thải xạ để hướng dẫn sinh viên các trường đại học.

     Theo TS. Quang, Chương trình thực tập này đã triển khai được 3 năm, mỗi năm hàng trăm lượt sinh viên đến thực tập và được các trường đại học đánh giá cao.

     Triển khai Dự án đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, Trung tâm đã hợp tác với Tập đoàn Toshiba, Đại học Bách khoa Hà Nội, đào tạo khoảng 400 học viên từ các cơ quan: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Năng lượng Nguyên tử, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội và các cơ sở có hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

      Đặc biệt, trong năm 2015, Trung tâm đã hợp tác với Cục Năng lượng Nguyên tử tiếp nhận và triển khai khai thác Hệ thống máy PC-Based VVER – 1.200 thuộc Dự án IAEA – TC-Project VIE 2010 cho mục đích đào tạo.

     Trong 5 năm qua, Trung tâm đã soạn thảo 5 bộ giáo trình đào tạo cho các cán bộ ngành năng lượng nguyên tử: Đánh giá công nghệ nhà máy điện hạt nhân thế giới; Phân tích an toàn lò phản ứng hạt nhân; Chu trình nhiên liệu hạt nhân; Công nghệ quản lý sử dụng chất thải phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân và Năng lượng hạt nhân.

     Nhìn lại 5 năm qua, Trung tâm đã đạt được một số thành tích bước đầu song còn nhiều hạn chế về đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, số lượng đề tài khoa học đăng ký; trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo và chưa gắn kết được các hoạt động đào tạo với các tổ chức đào tạo của Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Cục Năng lượng Nguyên tử và các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân.

     Theo TS Quang, trong giai đoạn 2016-2020, Trung tâm tiếp tục chủ động, tích cực hơn trong công tác đào tạo để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển Ứng dụng Năng lượng Nguyên tử cho các ngành kinh tế và đặc biệt là phát triển điện hạt nhân.

     Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định trong đào tạo nghiên cứu sinh và đào tạo phù hợp với chiến lược phát triển của Viện và toàn ngành; tăng cường công tác tổ chức, quản lý đào tạo, cũng như tham gia vào việc nghiên cứu, xây dựng các định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhóm chuyên môn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

     Các hoạt động đào tạo gắn với các hướng nghiên cứu sẽ là ưu tiên của Trung tâm trong năm 2016, nhằm khai thác hiệu quả Hệ thống mô phỏng nhà máy điện hạt nhân lò VVER-1200, từng bước nâng cao công tác nghiên cứu khoa học của bộ chuyên môn cũng như chất lượng các chương trình đào tạo…

     Một nội dung nữa cũng được Trung tâm chú trọng trong năm tới, đó là xây dựng và bảo đảm nguồn lực cơ sở vật chất và con người để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghiên cứu sinh đang dần tăng lên; mở mã ngành đào tạo tạo tiến sĩ tại Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

     Nhân dịp này, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam đã trao Quyết định Bằng Tiến sỹ cho 3 tân Tiến sĩ: Đặng Lành, Chu mạnh Lương và Trương Minh Trí.

     GS Trần Hữu Phát – Hội đồng khoa học Viện năng lượng nguyên tử nhận định: Nghiên cứu khoa học là con đường dài, cần mở rộng kiến thức ra ngoài lĩnh vực được đào tạo.

     Với ngành năng lượng nguyên tử, số tiến sỹ hiện nay còn ít nên cần có thêm nhiều tiến sỹ, nhất là những người sẽ đảm nhận chức vụ trưởng nhóm nghiên cứu.

     Trở lại với các tân tiến sĩ, GS Trần Hữu Phát tham vấn: Các tân tiến sĩ tiếp tục tham gia đào tạo sau tiến sỹ postdoc để thực sự phát huy được khả năng của mình, góp phần vào phát triển ngành năng lượng nguyên tử của nước nhà.

Song Anh