VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 28

     30 cơ sở ứng dụng năng lượng nguyên tử giúp y học hạt nhân của Việt Nam phát triển nhanh nhất châu Á – Thái Bình Dương và nghiên cứu giống cây trồng đột biến đứng thứ 8 trên thế giới.

     Sáng 16/10, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006-2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình đến 2020.

     Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Năng lượng nguyên tử, việc xây dựng khung pháp lý và ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ ở Việt Nam trong 5 năm qua đã được đẩy mạnh và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội trên nhiều lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, điện hạt nhân…

y-hoc-hat-nhan-cua-viet-nam-phat-trien-nhanh-nhat-chau-a-thai-binh-duong

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: Hoàng Trường

     Trong lĩnh vực y tế, GS.TS Mai Trọng Khoa, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết trên cả nước hiện có 30 cơ sở y học hạt nhân hoạt động với tổng cộng 31 máy chẩn đoán dung đồng vị phóng xạ (SPECT), 4 máy SPECT/CT, 6 máy PET/CT và 5 Cyclotron, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển y học hạt nhân nhanh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo đánh giá của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

     Việc sử dụng đồng vị phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư hiệu quả và an toàn. Các đồng vị phóng xạ này hiện được sản xuất ở lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, tuy nhiên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của ngành y.

     Trong nông nghiệp, Việt Nam đã có trên 50 giống cây trồng được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, bao gồm các giống lúa, đậu tương, bưởi… Giống lúa đột biến VND-95-20 là giống chủ lực cho xuất khẩu, chiếm 30% diện tích canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long. Việt Nam được IAEA đánh giá là nước đứng thứ 8 thế giới về nghiên cứu đột biến tạo giống.

     Công nghệ bức xạ đã được ứng dụng thành công trong công nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao trong khử trùng các loại thủy hải sản, các loại dụng cụ y tế, trái cây tươi… phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

     Về lĩnh vực điện hạt nhân được dư luận quan tâm, trong giai đoạn 2009-2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với IAEA tổ chức 3 đoàn công tác đánh giá về xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam. Chính phủ cũng đã ký các hiệp định hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam với Liên bang Nga (năm 2010) và với Nhật Bản (năm 2011). Đặc biệt, Liên bang Nga cam kết cung cấp tín dụng ưu đãi khoảng 10 tỷ USD cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

y-hoc-hat-nhan-cua-viet-nam-phat-trien-nhanh-nhat-chau-a-thai-binh-duong-1

Nhân viên làm việc trong lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: Hoàng Trường

     Đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình Thủ tướng xem xét phê duyệt địa điểm, báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Ninh Thuận 1 và đang hoàn thiện hồ sơ cho dự án Ninh Thuận 2. Nhân lực cho dự án Ninh Thuận 1 cũng đã được chuẩn bị với 31 sinh viên được cử đi học các chuyên ngành điện hạt nhân ở Nga và Pháp trong giai đoạn 2006-2009; 236 sinh viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học ở Nga từ 2010 đến nay đã cam kết sẽ về làm việc cho dự án Ninh Thuận 1.

     Bên cạnh các kết quả ứng dụng ban đầu, các đại biểu cũng trình bày những vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới để thúc đẩy lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở Việt Nam, đặc biệt là việc hoàn thiện khung pháp lý cho dự án nhà máy điện hạt nhân, đẩy mạnh sản xuất các đồng vị phóng xạ và dược phẩm phóng xạ trong nước, xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực chuyên sâu về xạ trị (bác sĩ xạ trị, kỹ sư xạ trị…), nhân lực nghiên cứu tạo giống đột biến hiện nay chưa có…

     Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã trao tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho phát triển lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong giai đoạn 2006-2015 như  Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), Bộ môn Đột biến và Ưu thế lai (Viện Di truyền Nông nghiệp), Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp…

Minh Hiền