VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 16

     Điện hạt nhân ở Mỹ do các công ty tư nhân quản lý và họ từng chuyển giao công nghệ cho các nước…

Cách Việt Nam sẽ đi

     Quan hệ hợp tác Việt-Mỹ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ngày càng được tăng cường và mở rộng. Tháng 10/2014, Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân có hiệu lực, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hợp tác về hạt nhân không chỉ giữa Việt Nam và Mỹ mà còn giữa Việt Nam và các nước khác.

     Mới đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10 này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Thomas Countryman chuyên trách vấn đề hợp tác hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt khẳng định, Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam sử dụng công nghệ hạt nhân dân sự tiên tiến nhất dù có mua công nghệ và kỹ thuật của Mỹ hay không.

     “Việt Nam không cần phải chứng minh tình hữu nghị bằng cách mua lò phản ứng hạt nhân của Mỹ. Tình hữu nghị giữa hai nước đã vững chắc rồi. Việc Việt Nam mua công nghệ hạt nhân của đối tác nào là quyết định trong tương lai nhưng sẽ đặt trên tiêu chí kinh tế, an toàn và cần được thực hiện một cách minh bạch. Những công ty tư nhân của Mỹ có các đối tác quốc tế sẽ đến thảo luận với phía Việt Nam cụ thể về vấn đề mua bán sau”, ông Countryman nói.

My muon giup lam dien hat nhan: Viet Nam loi doi duong
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

     Đề cập đến sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong vấn đề hạt nhân dân sự, PGS.TS Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sau hơn 20 năm không xây thêm các nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) trong nước, đến nay Mỹ đã tái khởi động công việc này. Không giống như Việt Nam và một số nước khác, điện hạt nhân ở Mỹ do các công ty tư nhân quản lý và chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp này chứ không can thiệp sâu.

     Chính sách của các công ty tư nhân Mỹ, ví dụ như tập đoàn Westinghouse, là thường chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các nước. Ví dụ, họ từng giúp cho Hàn  Quốc nhập khẩu sau đó chuyển giao, giúp Hàn Quốc làm chủ được công nghệ ĐHN để rồi từ đó Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu được công nghệ ĐHN. Trường hợp với Pháp, Trung Quốc… cũng tương tự. Việt Nam đang hợp tác với Mỹ và cũng sẽ như vậy.

     “Tất nhiên, Việt Nam sẽ phải chủ trương nội địa hóa, làm chủ đến mức độ… Đó là cách Việt Nam sẽ đi. Việt Nam phải tự đặt ra cách thức của mình, sau đó hợp tác Mỹ. Còn các doanh nghiệp tư nhân Mỹ cũng có chính sách rất rõ ràng, tất nhiên có những bí quyết họ vẫn phải giữ nhưng về tổng thể, họ chủ trương chuyển giao công nghệ ĐHN như đã làm với một số nước”, PGS.TS Vương Hữu Tấn nói.

     Đồng quan điểm, GS.TSKH Trần Hữu Phát, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng cho rằng, nền công nghiệp ĐHN và đội ngũ chuyên gia của Mỹ hiện nay có đầy đủ khả năng để thiết kế và sản xuất những nhà máy ĐHN tiên tiến nhất một khi họ muốn. Và khi đó, hợp tác Việt-Mỹ trong việc xây dựng nhà máy ĐHN ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Cần có cơ quan giám sát an toàn độc lập

     Một điểm đáng lưu ý trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Thomas Countryman nhấn mạnh tới việc cần thiết phải thiết lập một ủy ban giám sát độc lập với chính phủ và các tổ chức khác nhằm giúp kiểm soát mức độ an toàn của các nhà máy hạt nhân tốt hơn, hiệu quả và minh bạch hơn.

     Theo GS.TSKH Trần Hữu Phát, IAEA và những quốc gia tiên tiến về ĐHN, trong đó có Mỹ, coi việc thành lập một ủy ban giám sát độc lập với chính phủ là một yêu cầu thiết yếu nhằm đảm bảo sử dụng an toàn ĐHN vì chỉ có tổ chức như vậy thì ủy ban này mới đủ quyền lực và năng lực kiểm soát minh bạch và hiệu quả toàn bộ quá trình từ xây dựng đến vận hành nhà máy điện hạt nhân theo đúng các quy định.

     “Dựa trên các hiệp định đã ký giữa Việt Nam và Mỹ và trên tinh thần hợp tác toàn diện giữa hai nước, tôi cho rằng phát biểu trên của ông Thomas đã thể hiện đầy đủ thiện chí của Mỹ trong việc hỗ trợ Việt Nam sử dụng công nghệ hạt nhân tiên tiến một cách an toàn nếu Việt Nam đi theo quỹ đạo chung của thế giới trong việc tổ chức thực hiện việc giám sát hạt nhân .

     Sớm hay muộn chắc chắn Việt Nam cũng phải làm theo khuyến cáo của IAEA với mục đích đầu tiên là đảm bảo an toàn hạt nhân cho chính mình. Vì vậy tôi kiến nghị Nhà nước Việt Nam cần làm theo khuyến cáo này càng sớm càng tốt”.