VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 21

      Trên thực tế điện hạt nhân ở nhiều nước đều rẻ hơn so với các loại điện khác nhưng nó chỉ rẻ hơn khi xây rất nhiều tổ máy.

      TS Lê Văn Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam đã cho biết như vậy trước băn khoăn của dư luận về giá của điện hạt nhân so với thủy điện và nhiệt điện trong bối cảnh người dân đang phải dùng giá điện cao và phấp phỏng từng ngày lo giá điện tăng thêm.

     Đặc biệt ngày 3/9 vừa qua Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đều kêu chênh lệch tỷ giá đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn này và xin Bộ Công thương được phân bổ khoản lỗ 1.200 tỷ đồng vào giá thành điện.

Giá điện hạt nhân sẽ rẻ hơn

     Phân tích về chi phí đầu tư để tính giá điện chung, Giáo sư Cao Chi, nghiên cứu viên cao cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết nếu tính chi phí đầu tư ban đầu thì điện hạt nhân sẽ cao hơn thủy điện và điện than.

     Hiện tại, chi phí đầu tư cho 1kW điện hạt nhân có cao hơn so với thủy điện và nhiệt điện than, song nếu xét ở thời điểm nhà máy điện hạt nhân được đưa vào vận hành giai đoạn 2020-2025, khi Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than cho phát điện thì chắc chắn điện hạt nhân sẽ có giá cạnh tranh tốt hơn.

     “Tuy đầu tư ban đầu cho điện hạt nhân tốn kém tiền xây dựng và phải chi phí cao hơn đối với một suất đầu tư nhưng khi đưa vào vận hành nhiên liệu lại rẻ hơn so với nhiệt điện nên thời gian bù lỗ nhanh hơn và vì thế về lâu dài giá của điện hạt nhân sẽ rẻ hơn, có thể cạnh tranh”, GS Cao Chi cho biết.

     Như vậy chi phí điện hạt nhân chủ yếu là chi phí vốn (xây dựng) tính kinh tế được nâng cao thông qua quá trình vận hành dài hạn.

     Đối với điện hạt nhân, nhiên liệu sử dụng có khối lượng rất nhỏ. So với nhà máy nhiệt điện chạy than, một nhà máy nhiệt điện hạt nhân có cùng công suất sẽ đòi hỏi nhiên liệu hạt nhân về khối lượng chỉ bằng 1/100.000 lần.

     Thêm nữa với điện hạt nhân diện tích xây dựng nhà máy cũng nhỏ hơn. Điện hạt nhân có thể xây dựng gần với các phụ tải lớn; cho phép giảm thiểu tổn thất điện năng trong khâu truyền tải, tiết kiệm 5-10% điện năng.

 Gia dien hat nhan: Chi re khi lam nhieu to may
Công nhân khoan khảo sát địa hình tại địa điểm sẽ xây nhà máy điện hạt nhân 1 ở Ninh Thuận.

Chỉ rẻ khi xây nhiều tổ máy

     Cũng chung quan điểm như giáo sư Cao Chi về giá điện hạt nhân trên nguyên tắc là sẽ rẻ hơn so với nhiệt điện vì chi phí nhiên liệu, vận hành bảo dưỡng rẻ nên chiếm ít trong giá thành, song TS Lê Văn Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam cho biết điều đó không phải với tổ máy đầu tiên của Việt Nam.

     Trong báo cáo dự án tiền khả thi nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận giá điện được tính như sau: Với suất đầu tư 1676 USD/kwe thì giá của điện hạt nhân là 3,52 cent/kwh, điện than nhập 4,28 cent/kwh, điện khí hoá lỏng nhập 5,0 cent/kwh, điện khí nhập 4,23 cent/kwh và điện khí nội địa 4,0 cent/kwh. Do vậy, giá điện hạt nhân rẻ và càng rẻ hơn khi chúng ta xây dựng nhiều tổ máy trên cùng một địa điểm (Từ 4- 6 tổ máy).

      “Hiện tại rất khó xác định giá của điện hạt nhân khi tổ máy đi vào vận hành nhất là với nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

     Thường thì với tổ máy đầu tiên sẽ rất đắt vì  phải tốn nhiều chi phí. Những chi phí này có thể sử dụng cho nhiều tổ máy nên dự án đầu tiên chỉ đạt được tính kinh tế ở mức độ nhất định nào đó thôi.

      Trên thực tế điện hạt nhân ở nhiều nước đều rẻ hơn so với các loại điện khác nhưng nó chỉ rẻ hơn khi xây rất nhiều tổ máy”, TS Lê Văn Hồng cho biết.

     Lý giải thêm về điều này TS Hồng cho rằng càng với các dự án sau thì sẽ có tính cạnh tranh tốt. Tức là phải làm nhiều tổ máy mới mong có giá điện rẻ. Vì với tổ máy đầu tiên vận hành ngoài chi phí xây dựng còn phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng nhất định (văn bản pháp quy, nguồn nhân lực…).

     “Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã khuyến cáo nước nào làm điện hạt nhân thì ít nhất phải làm 5-6 tổ máy. Tức là nhu cầu điện của quốc gia đó phải tương ứng như vậy thì mới nên nghĩ đến chuyện làm điện hạt nhân. Còn nếu chỉ cần 1-2 tổ máy thì sẽ không kinh tế”, TS Hồng nói.

Bích Ngọc