VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 66

     Ngày 17/7, tạp chí Tia Sáng đã phối hợp với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu Hạt nhân (Đà Lạt) tổ chức tọa đàm về “Đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân” tại Đà Lạt với sự tham gia của gần 60 nhà khoa học tại hai viện nghiên cứu nói trên và Đại học Đà Lạt.

     Nội dung của buổi tọa đàm đưa ra thực trạng chung, yêu cầu và đề xuất các giải pháp trong việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân ở Việt Nam.
Hiện nay, nước ta có sáu cơ sở tham gia đào tạo về lĩnh vực điện hạt nhân và mỗi năm có khoảng 250 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này. Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo (Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Đà Lạt), nhân lực ĐHN “quý mà không hiếm” vì số lượng tuy đông nhưng vẫn thiếu những người thực sự đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

     PGS.TS. Lê Ngọc Chung, trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Quốc tế Đại học Đà Lạt, đưa ra bốn nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là: 1) Chưa triệt để trong vấn đề đào tạo (mặc dù đã có quyết định 1558 về “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” và chỉ định năm trường tham gia đào tạo nhưng chưa có kinh phí đầu tư trang thiết bị và hoạch định nội dung đào tạo cụ thể cho từng trường); 2) Chưa có một người “nhạc trưởng” về lĩnh vực điện hạt nhân đủ am hiểu về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, tập hợp được các bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện và được nhà nước tin tưởng giao trọng trách; 3) Nhà nước còn lấn cấn trong việc xác định lĩnh vực nào sẽ đào tạo trong và ngoài nước; 4) Chính sách ưu đãi dành cho các cán bộ nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực này còn hẹp hòi dẫn đến việc đào tạo nhân lực nhưng rồi không sử dụng họ.

     Bên cạnh những giải pháp mà các chuyên gia tham dự hội thảo nêu ra, đã được đề cập nhiều lần trên T/c Tia Sáng, như đào tạo theo nhóm, cần có chính sách sử dụng và ưu đãi tương xứng với năng lực những cán bộ, kỹ sư về điện hạt nhân, TS. Hồ Mạnh Dũng (Giám đốc Trung tâm Phân tích Vật lý Hạt nhân, Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Đà Lạt) nêu một khía cạnh khác, đó là, việc phát triển nguồn nhân lực phải đi liền với việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng năng lực hỗ trợ kỹ thuật cho nhà máy điện hạt nhân. Ông khẳng định: “Nghiên cứu là cơ sở để phát triển đào tạo”. TS. Dũng đề xuất bốn hướng nghiên cứu cần tập trung để phục vụ chương trình điện hạt nhân bao gồm: 1) An toàn điện hạt nhân, 2) Thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, 3) vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân; 4) Nhiên liệu hạt nhân và chu trình nhiên liệu. Trong đó, an toàn điện hạt nhân là hướng mấu chốt, nhất là trong bối cảnh trên thế giới, các quy phạm an toàn ngày càng được xem trọng và người xây dựng chúng phải xuất phát từ các nhà nghiên cứu.

     Để nghiên cứu những nội dung trên, xuất phát từ kinh nghiệm nghiên cứu gần 10 năm tại Trung tâm lò phản ứng hạt nhân, Đại học Alberta, Canada, TS. Hồ Mạnh Dũng đưa ra ba giải pháp: Tập hợp đội ngũ làm nghiên cứu về vật lý hạt nhân; Tách nhóm nghiên cứu vật lý lò ra khỏi công việc vận hành thường xuyên (Trên thế giới, những người nghiên cứu chỉ đóng vai trò giám sát hoặc cố vấn cho công việc vận hành chứ không trực tiếp tham gia, để giữ tính khách quan trong việc nghiên cứu); Lập nhóm nghiên cứu neutron (sản phẩm của phản ứng phân hạch) và chuẩn bị cho các kỹ thuật neutron mới. Trong đó, giải pháp thứ ba mang tính nền tảng cho bốn hướng nghiên cứu nói trên.