Nhằm đảm bảo vấn đề quản lý an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân đối với tất cả các hoạt động liên quan đến tất cả các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cần phải có một cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia tập trung và độc lập, đó là một trong những nội dung được đặt ra trong phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi) ngày 24/9.
Tại phiên họp lần thứ nhất, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH&CN) đã báo cáo sơ bộ về tình hình thi hành Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT), luật được Quốc hội thông qua vào ngày 3/6/2008 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009, và những bất cập của Luật NLNT sau thời gian áp dụng. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là hướng dẫn của Cơ quan nguyên tử năng quốc tế (IAEA) và thực tế Việt Nam, quốc gia bắt đầu bước vào phát triển chương trình hạt nhân, Luật NLNT của Việt Nam được xây dựng bao gồm hai phần là thúc đẩy phát triển ứng dụng NLNT và đảm bảo an toàn an ninh và không phổ biến hạt nhân.
Việc thi hành luật NLNT đã được thúc đẩy ở cả hai khía cạnh trên, đặc biệt là việc chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể, năm quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng NLNT trong các ngành kinh tế xã hội, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như hệ thống các văn bản quy phạm dưới luật phục vụ quản lý các hoạt động trong lĩnh vực NLNT. Tuy nhiên, trong số các văn bản này vẫn còn thiếu những văn bản hướng dẫn quy phạm pháp luật cho lò phản ứng nghiên cứu cũng như chưa nội luật hóa đầy đủ các quy định của điều ước quốc tế về an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Đánh giá tổng quan về việc việc thực hiện Luật NLNT, ông Vương Hữu Tấn cho rằng, có nhiều bất cập gặp phải, chủ yếu ở các điểm: phạm vi điều chỉnh của luật; thiết lập cơ quan pháp quy hạt nhân; cấp phép cho cơ sở hạt nhân; thanh tra, thanh sát quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân; xử lý vi phạm trong lĩnh vực NLNT; an toàn bức xạ; an toàn hạt nhân; ứng phó sự cố với tình trạng khẩn cấp về bức xạ và hạt nhân; khai thác và chế biến quặng phóng xạ; vận chuyển vật liệu phóng xạ; quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; tháo dỡ các cơ sở hạt nhân; bồi thường thiệt hại hạt nhân; không phổ biến vũ khí hạt nhân và bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; kiểm soát nhập khẩu và xuất khẩu vật liệu phóng xạ.
Vì vậy, Ban soạn thảo đề án đã đề xuất những nội dung mới trong Luật NLNT (sửa đổi), bao gồm 17 chương, giữ nguyên hai chương 2, 3 và vẫn giữ nguyên tên “Luật NLNT”. Khi bắt tay vào thực hiện, các thành viên của Ban soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến về NLNT như Anh, Hàn Quốc cũng như Sổ tay hạt nhân của IAEA và tư vấn, góp ý của chuyên gia IAEA. Ban soạn thảo đã đề xuất tập trung ý kiến đóng góp vào các nội dung như về Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia, Cấp phép cơ sở hạt nhân, thanh tra, quản lý chất thải, nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng và tháo dỡ/chấm dứt hoạt động của các cơ sở hạt nhân, ứng phó sự cố, an ninh hạt nhân…, đồng thời đề nghị thảo luận về sự bổ sung cần thiết thêm một chương quy định về quản lý an toàn bức xạ hạt nhân không ion hóa.
Hầu hết các ý kiến đều đồng thuận về sự cần thiết phải có một cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia
Ảnh: Cục An toàn bức xạ hạt nhân
Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công An, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng… đều đưa ra nhiều ý kiến đóng góp với mong muốn luật NLTN mới cần được xây dựng trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam. Hầu hết các ý kiến đều đồng thuận về sự cần thiết phải có một cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia đủ năng lực pháp lý, đủ khả năng vận hành và đảm bảo được vấn đề an toàn tại các cơ sở hạt nhân tại Việt Nam, nhất là trong trường hợp có sự cố xảy ra. Mô hình của cơ quan pháp quy này cần được xây dựng theo mô hình chuẩn của quốc tế và khuyến cáo của IAEA. Các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan pháp quy cũng cần được xác định một cách rõ ràng, tránh trùng lặp, chồng chéo với chức năng của các cơ quan quản lý khác. Cơ quan pháo quy này phải có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức khác của Chính phủ và bộ ngành liên quan nhằm xử lý những vấn đề về quản lý an toàn, an ninh và không phổ biến hoạt động hạt nhân. Vì vậy vấn đề về cơ chế phối hợp của cơ quan pháp quy này với các bộ ngành cần phải được làm rõ trong Luật NLNT (sửa đổi).
Một vấn đề khác được các đại biểu tập trung thảo luận là cơ sở hạt nhân. Trong Luật NLNT đã dành hẳn một chương (Chương V) về các cơ sở hạt nhân (bao gồm lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; nhà máy điện hạt nhân, cơ sở làm giàu urani, chế tạo nhiên liệu hạt nhân, cơ sở lưu giữ, xử lý, chôn cất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng), tuy nhiên trong bản dự thảo Luật NLTN (sửa đổi) không đề cập đến vấn đề này. Đại diện Bộ Công thương cho rằng, cần phải đưa trở lại luật chương này với những quy định rõ ràng về địa điểm xây dựng, thi công, vận hành, kiểm tra an toàn…
Dự kiến, dự thảo Luật NLNT (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khoá XIV xem xét, cho ý kiến vào tháng 10/2016.