VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 31
Điện hạt nhân Việt Nam ra đời không phải dễ dàng

Việt Nam có thể hoãn việc bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân “Ninh Thuận-1” cho đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết. Giải pháp này có nhiều lý do. Một trong số lý do đó là cần phải chuẩn bị đầy đủ cho việc đào tạo các chuyên gia vận hành nhà máy điện hạt nhân. Theo kinh nghiệm của Đại học kỹ thuật Tomsk, đó là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Là đại học lâu đời của nước Nga, trường đại học kỹ thuật Tomsk có tiếng bởi trình độ đào tạo cán bộ. Chính tại đây Rosatom đã thành lập Trung tâm đào tạo cán bộ hạt nhân, do giáo sư tổ bộ môn thiết bị điện Igor Shimanin phụ trách. Trong năm học 2013-2014, Trung tâm nhận đào tạo 10 học viên Việt Nam. Mục đích đặt ra là đào tạo chuyên gia trình độ cao để vận hành nhà máy điện đầu tiên của Việt Nam. Một số sinh viên Nga cũng được chọn học chung với người Việt để sau này cùng sang Ninh Thuận giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Nhưng hiện tại đề án này chưa thực hiện được. Ông Igor Shimanin nói:

“Chúng tôi chờ đợi phía Việt Nam có trình độ tiếng Nga tốt hơn. Dự án được thảo ra bằng tiếng Anh. Một số giáo viên đã chuẩn bị tích cực để dạy sinh viên Việt Nam bằng tiếng Anh từ tháng Chín. Sinh viên Nga đã thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để học cao học cùng học viên Việt Nam. Nhưng chúng tôi thấy học viên Việt Nam không có đủ trình độ để nghe giảng chuyên môn bằng tiếng Anh, mặc dù họ biết yêu cầu của chúng tôi. Hiện nay 8 người Việt Nam có bằng đại học kỹ thuật đang học dự bị tiếng Nga để theo học chương trình cao học chung bằng tiếng Nga.”

Trường đại học kỹ thuật Tomsk không phải là trường duy nhất đào tạo cán bộ điện lực tương lai cho Việt nam. Hiện nay có khoảng 150 sinh viên Việt Nam đang học tại Trường đại học hạt nhân quốc gia MIFI. Nhưng hiện tại họ đang theo học chương trình cử nhân. Còn trường tổng hợp kỹ thuật Tomsk là trường cao học đào tạo thạc sỹ dành cho những người đã tốt nghiệp đại học. Kỹ thuật hạt nhân là ngành có những yêu cầu rất cao bởi vì chuyên gia ngành này phải chịu trách nhiệm về an toàn hạt nhân. Ông Igor Shimanin nói tiếp:

“Chúng tôi không có quyền hạ thấp yêu cầu. IAEA không cho phép chúng tôi làm điều đó. Do học viên Việt Nam có trình độ tiếng Anh không đạt yêu cầu, chúng tôi không thể cấp bằng cho họ sau hai năm. Nhưng chúng tôi không từ bỏ kế hoạch của mình, nên năm học tới chúng tôi chờ đón nhóm học viên Việt Nam mới với trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu. Việc học tập rất nghiêm túc. Có thể, trong nhóm này không phải ai cũng sẽ tốt nghiệp. Nhưng tôi đảm bảo họ sẽ nhận được trình độ chuyên môn cao.”

Sinh viên Việt Nam có thái độ học tập nghiêm túc để đạt mục tiêu đề ra. Các sinh viên Việt Nam học ở các khoa khác của trường đại học kỹ thuật Tomsk đã chứng tỏ điều đó. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng khiếm khuyết sẽ được sữa chữa, và đến tháng 9 năm 2014 chương trình cao học dành cho các thạc sỹ tương lai ngành hạt nhân Việt nam sẽ được thực hiện thành công.