VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Nguyễn Thúy Hằng
  • Lượt xem: 194

     Ngày 26/01/2022, Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã long trọng tổ chức Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Nguyễn Hữu Quyết, chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân (mã số 9.44.01.06), đề tài luận án “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để nghiên cứu ô nhiễm kim loại nặng trong không khí tại Hà Nội dùng chỉ thị rêu sinh học” với sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Lê Hồng Khiêm và PGS.TS. Phạm Đức Khuê.

     Đến tham dự buổi Lễ TS. Trần Ngọc Toàn – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, TS. Trịnh Văn Giáp – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, TS. Trịnh Anh Đức – Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cùng bạn bè và người thân của nghiên cứu sinh Nguyễn Hữu Quyết.

     Dưới sự chủ trì của GS.TS. Trần Đức Thiệp, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Nguyễn Hữu Quyết trong những năm thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và những nỗ lực của NCS trong thời gian qua.

 NCS Nguyễn Hữu Quyết trình bày tóm tắt luận án

     Hiện nay, ô nhiễm không khí đặc biệt là ô nhiễm các kim loại nặng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người và môi trường sồng. Đây là vấn đề toàn cầu được Tổ chức Y tế Thế giới đặc biệt quan tâm và nhiều nước trên thế giới xem đây là nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách kinh tế xã hội. Nếu nhìn lên bản đồ ô nhiễm không khí online của Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng ta sẽ thấy được mức độ ô nhiễm ô nhiêm ở nước ta rất lớn đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Để nghiên cứu về ô nhiễm kim loại nặng trong không khí cần phải có các phương pháp hấp thu mẫu khí trực tiếp bằng phin lọc hoặc bằng các sinh vật chỉ thị có khả năng hấp thụ các nguyên tố kim loại nặng trong không khí và sử dụng các kỹ thuật phân tích thích hợp (INAA và PIXE). Trong luận án này, nghiên cứu sinh đã sử dụng chỉ thị cây rêu và các kỹ thuật phân tích hạt nhân để đánh giá ô nhiễm kim loại nặng trong không khí tại Hà Nội. Rêu là một trong những loại thực vật có khả năng hấp thụ và tích lũy trực tiếp các chất ô nhiễm trong không khí nhờ có một số tính chất rất đặc thù (có bộ rễ giả, có khả năng trao đổi dinh dưỡng trực tiếp qua không khí, tý số diện tích hấp thụ bề mặt lớn và hầu như rất dễ mọc ở nhiều nơi nên rất dễ thu thập làm mẫu vật nghiên cứu,…) do đó rêu thường được sử dụng làm mẫu vật chỉ thị sinh học trong nghiên cứu ô nhiễm không khí. Trong 30 phút trình bày tóm tắt luận án, NCS Nguyễn Hữu Quyết đã trình bày một cách hệ thống, logic và khoa học và làm nổi bật những kết quả nghiên cứu của mình. Theo đánh giá của các phản biện: PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, TS. Nguyễn Thế Nghĩa, GS.TS. Trần Đại Lâm và các thành viên trong Hội đồng thì luận án là một công trình khoa học nghiêm túc, các kết quả thu được là mới, mang giá trị khoa học và có ý nghĩa thực tiễn. Một số giá trị khoa học của luận án tiến sĩ như sau:

     – Xây dựng quy trình nghiên cứu ô nhiễm kim loại năng trong không khí tại Hà Nội sử dụng rêu làm chất chỉ thị sinh học;

     – Áp dụng thành công hai phương pháp phân tích hiện đại INAA và PIXE;

     – Kết quả mới của luận án đã góp phần luận giải việc sử dụng chỉ thị rêu sinh học bằng cây rêu có thể giúp đánh giá ô nhiễm các kim loại nặng trong không khí với độ tin cậy cao, giúp cho việc triển khai hiệu quả nghiên cứu ô nhiễm không khí với chi phí thấp, có thể làm trên diện rộng và đồng thời ở các địa điểm khác nhau;

     – Bộ số liệu về phân bố hàm lượng trung bình của 33 nguyên tố kim loại nặng bằng kỹ thuật INAA trong 27 mẫu rêu Barbula indica trong khu vực Hà Nội. Hầu hết các kim loại nặng được khảo sát trong khu vực đều có sự biến đổi hàm lượng mạnh với hệ số biến thiên nằm trong khoảng từ 16,3-94% cho thấy ảnh hưởng từ nguồn gốc phức tạp của các nguyên tố trong mẫu rêu;

     – Bộ số liệu về hàm lượng 27 nguyên tố kim loại nặng bằng kỹ thuật PIXE trong 45 mẫu rêu Sphagnum girgensohnii tại các địa điểm xung quanh khu vực Hà Nội. Kết quả thu được cho thấy hàm lượng trung bình của hầu hết các nguyên tố trong mẫu rêu ở Hà Nội luôn cao hơn so với các thành phố khác ở Châu Âu;

     – Xây dựng được bản đồ thể hiện sụ phân bố của 1 số kim loại nặng, độc trong không khí trên địa bàn Hà Nội.

     Ngoài ra các kết quả chính của luận án đã được công bố trong 09 công trình trong đó có 04 thuộc tạp chí quốc tế uy tín (ISI) và 05 công trình tại các tạp chí chuyên ngành trong nước. Điều này thể hiện tính cấp thiết, tầm quan trọng và ý nghĩa của các kết quả nghiên cứu của luận án đã đạt được.

GS.TS. Lê Hồng Khiêm phát biểu tại buổi Lễ

     GS.TS. Lê Hồng Khiêm và PGS.TS. Phạm Đức Khuê – tập thể người hướng dẫn khoa học đã có nhận xét rất sâu sắc, mô tả những khó khăn và nỗ lực mà nghiên cứu sinh đã vượt qua. Ngoài ra, các ông cũng cho biết trên thế giới rêu đã được sử dụng để quan trắc ô nhiễm không khí ngay từ những năm 70, phương pháp phân tích rất thích hợp với các nước không đủ tiềm lực cả về công nghệ lẫn kinh tế. Tuy nhiên, phương pháp này gần như chưa được triển khai tại Việt Nam. Vì vậy, luận án có ý nghĩ thực tế do ô nhiễm không khí của Việt Nam đang ngày càng tăng cùng với sự phát triển của kinh tế.

     Sau khi nghe NCS trình bày tóm tắt luận án và trả lời các câu hỏi của các thành viên Hội đồng và các khách mời tham dự, Hội đồng chấm luận án đã họp kín và bỏ phiếu. Với kết quả bỏ phiếu 100% phiếu tán thành trong đó có 3/7 phiếu xuất sắc, GS.TS. Trần Đức Thiệp thay mặt Hội đồng chúc mừng NCS Nguyễn Hữu Quyết bảo vệ thành công luận án và chức mừng tập thể cán bộ hướng dẫn cùng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã có thêm một học trò/cán bộ có trình độ tiến sĩ.

TS. Trịnh Anh Đức chúc mừng NCS Nguyễn Hữu Quyết

     TS. Trịnh Anh Đức – Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã gửi lời chúc mừng NCS Nguyễn Hữu Quyết đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp Viện và chúc mừng tập thể cán bộ hướng dẫn đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ đóng góp vào nguồn nhân lực của ngành. Ngoài ra, ông cũng cảm ơn tập thể cán bộ hướng dẫn và gia đình cũng như Lãnh đạo Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã luôn hỗ trợ tích cực cho các nghiên cứu sinh.

NCS Nguyễn Hữu Quyết cùng các thành viên Hội đồng

     Trong niềm vui và xúc động, NCS Nguyễn Hữu Quyết trân trọng cảm ơn các thành viên của Hội đồng đánh giá luận án đã góp ý, chỉ bảo để NCS có thể tiếp tục hoàn thiện luận án của mình. Nghiên cứu sinh gửi lời cảm ơn và tri ân sự dìu dắt và dạy bảo của tập thể cán bộ hướng dẫn. Tập thể cán bộ hướng dẫn là người thầy cho dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn đồng hành và tiếp thêm động lực cho NCS, nếu không có sự hỗ trợ của các thầy thì NCS không thể hoàn thành luận án tiến sĩ. Ngoài ra, NCS cũng gửi lời cảm ơn tới Lãnh đạo Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình – nơi luôn là hậu phương, là nguồn động viên, là những người đã luôn sát cánh, luôn ủng hộ NCS trong học tập cũng như trong cuộc sống để NCS có thể bảo vệ thành công luận án và đạt được học vị tiến sĩ như ngày hôm nay.

Nguyễn Thúy Hằng – Phòng Đào tạo, Nghiên cứu và Triển khai