VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Trần Trầm
  • Lượt xem: 177

Thực hiện công tác đánh giá kết quả học tập của nghiên cứu sinh (NCS) đang theo học chương trình tiến sĩ theo bốn chuyên ngành (Vật lý lý thuyết và Vật lý toán, Vật lý nguyên tử và hạt nhân, Hóa phân tích và Hóa vô cơ) tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN), Trung tâm Đào tạo hạt nhân (TTĐTHN) đã tổ chức hội thảo chuyên đề của các nghiên cứu sinh năm 2023 vào ngày 12 tháng 12 năm 2023. Hội thảo (seminar) năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến do các NCS, giảng viên trải dài từ Bắc vào Nam với sự tham dự 10 báo cáo của các nghiên cứu sinh, 04 Trưởng tiểu ban của bốn chuyên ngành và hơn 40 giảng viên, các NCS đang theo học tại Viện NLNTVN.

Mở đầu chương trình PGS.TS Trịnh Anh Đức, Giám đốc TTĐTHN, Trưởng tiểu ban Hóa phân tích đã phát biểu khai mạc. Ông nhấn mạnh rằng đây là hoạt động rất cần thiết và có ý nghĩa để không chỉ giúp NCS rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị cho bảo vệ luận án các cấp mà còn giúp các giảng viên, NCS cùng có cơ hội trao đổi sâu hơn về chuyên môn. Ngoài ra, đây cũng là hoạt động giúp giảng viên hướng dẫn và NCS có thể trao đổi, chia sẻ về vướng mắc, khó khăn trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu.

PGS.TS. Trịnh Anh Đức – Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tiếp theo chương trình Hội thảo chuyên đề năm 2023, các NCS tiến hành các báo cáo theo chương trình. Buổi sáng là năm báo cáo của các nghiên cứu sinh chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân. Buổi chiều gồm 02 báo cáo của các NCS chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán,  02 báo cáo của các NCS chuyên ngành Hóa vô cơ và 01 báo cáo của NCS chuyên ngành Hóa phân tích. Danh sách các NCS báo cáo được liệt kê như trong bảng dưới đây: 

Danh sách các nghiên cứu sinh báo cáo tại Hội thảo chuyên đề của NCS năm 2023.

Trong buổi sáng có ba báo cáo trực tiếp tại TTĐTHN và 02 báo cáo trực tuyến. Các báo cáo đều thuộc chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân, phần lớn có tính ứng dụng cao trong thực tế và được các thầy cô tham gia Hội thảo trao đổi và thảo luận rất sôi nổi.  

Trong buổi chiều có 05 báo cáo, trong đó có đến 04 báo cáo trực tuyến và 01 báo cáo trực tiếp.  Hai NCS chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán báo cáo theo hình thức trực tuyến. Cùng với đó là 02 báo cáo của các NCS chuyên ngành Hóa vô cơ và 01 báo cáo của NCS chuyên ngành Hóa phân tích. Các thầy cô tham gia hội thảo trực tiếp và trực tuyến đều trao đổi rất sôi nổi và có nhiều câu hỏi rất bổ ích cho các NCS trình bày.

NCS Trần Thị Nhàn báo cáo trực tiếp tại Hội thảo.

NCS Hồ Quang Tuấn báo cáo trực tiếp tại Hội thảo.

NCS Trần Quang Thiện báo cáo trực tuyến tại Hội thảo.

NCS Nguyễn Duy Khôi báo cáo trực tuyến tại Hội thảo.

Trên thực tế trong suốt ngày diễn ra Hội thảo, có thể thấy rằng các thầy cô hướng dẫn đều đánh giá cao tính nỗ lực, sáng tạo và tập trung của các NCS trong quá trình học tập, nghiên cứu và các kết quả đạt được, cũng như nêu lên một số thuận lợi và khó khăn của các NCS trong quá trình học tập nghiên cứu tại Viện NLNTVN. Ngoài nhiều câu hỏi liên quan đến chuyên môn sâu còn có một số câu hỏi, gợi ý nhằm đề xuất NCS về tính lô gic trong việc tiếp cận vấn đề, cách bố trí bố cục trình bày để người nghe dễ hiểu, dễ tiếp cận vấn đề nghiên cứu họ đang trình bày, vv…

Qua một ngày diễn ra Hội thảo, PGS.TS Trịnh Anh Đức tổng kết rằng Hội thảo thực sự là sân chơi bổ ích cho các NCS. Đây chính là nơi để các NCS và thầy cô giáo thảo luận, góp ý sâu chuyên môn, cải thiện khả năng trình bày vấn đề trước khi tiến hành bảo vệ luận án chính thức các cấp. Ngoài ra, ông tin rằng Hội thảo này còn là nơi để kết nối các thầy cô với NCS bởi Viện NLNTVN có nhiều cơ sở đào tạo ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam (một số NCS và thầy hướng dẫn ở rất xa nhau). Ông cũng gửi lời cảm ơn các thầy cô và NCS đã sắp xếp thời gian tham dự Hội thảo này và mong muốn rằng trong Hội thảo tiếp theo sẽ có nhiều hơn các NCS và thầy cô giáo cùng tham gia để Hội thảo này thêm phần ý nghĩa, hỗ trợ tốt hơn cho các NCS trong quá trình học tập tiếp theo.

Trần Thanh Trầm, Trung tâm Đào tạo hạt nhân