VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 67

Diễn đàn các nhà cung ứng trong ngành năng lượng hạt nhân do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) tổ chức đang diễn ra tại Việt Nam.

 Việt Nam muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận

Atomex Asia 2014 diễn ra trong hai ngày từ 20 cho đến 21 tháng 11 tại TP.HCM.

Tại đây, các nhà cung ứng sẽ có cơ hội chào mời sản phẩm và dịch vụ đến các khách hàng và tìm kiếm đối tác mới cho các dự án hợp tác năng lượng.

Phiên họp toàn thể năm nay sẽ thảo luận các chủ đề như phát triển năng lượng hạt nhân tại Đông Nam Á, xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, các yêu cầu về công nghệ, cơ sở hạ tầng hạt nhân và đào tạo nhân lực, v.v. theo Tân Hoa xã.

Trả lời BBC ngày 20/11, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, nói diễn đàn lần này có giá trị quan trọng trong việc “cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm” về ngành năng lượng nguyên tử.

“Việt Nam vẫn cần phải nâng cao năng lực để tham gia vào dự án điện hạt nhân và vấn đề này bao gồm con người, cơ sở hạ tầng”, ông Thành nhận định.

‘Sự lựa chọn tốt’

Ông cũng cho rằng việc theo đuổi dự án điện hạt nhân là một “sự lựa chon tốt”.

“Ngoài chuyện đảm bảo an ninh năng lượng, điện hạt nhân cũng mang một ý nghĩa rất quan trọng là thúc đẩy khoa học công nghệ của Việt Nam”, ông Thành nói.

Báo Tiền Phong hôm 17/11 dẫn thông tin từ Rosatom cho biết hơn 340 sinh viên Việt Nam sẽ sang Nga theo học ngành công nghệ hạt nhân trong giai đoạn từ 2014 – 2015.

Ông Thành cho biết phía đối tác Nga, với tư cách là nhà cung cấp cho dự án điện hạt nhân tại Việt Nam, chịu trách nhiệm đào tạo nhân lực cho phía Việt Nam.

Trong năm 2014, 150 chuyên gia Việt Nam đã hoàn thành các khóa huấn luyện tại hai lò phản ứng hạt nhân của một nhà máy tại Nga, báo này cho biết thêm.

Kể từ năm 2010, Việt Nam và Nga đã ký nhiều thỏa thuận và hợp đồng về việc xây dựng một nhà máy hạt nhân với hai lò phản ứng cũng như một trung tâm nghiên cứu công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, theo Tân Hoa xã.

Diễn đàn Atomex được Rosatom tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2011.

Hồi giữa tháng 10 năm nay, hiệp định hạt nhân dân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã chính thức có hiệu lực.

Hiệp định trên được Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh ký tắt bên lề Hội nghị cấp cao Asean lần thứ 23 tại Brunei hồi cuối năm ngoái và được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng Bảy năm nay.

Hiệp định, gọi tắt là Hiệp định 123, cho phép các công ty Mỹ vào thị trường Việt Nam thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ và nhiên liệu hạt nhân.

Tuy nhiên về lâu dài sau này, Việt Nam có thể tự sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở trong nước, như làm giàu uranium hay tái chế thanh nhiên liệu.