VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Dương Thanh Tùng
  • Lượt xem: 275

Việc nghiên cứu và đo đạc các vết nứt gãy, khuyết tật của vật liệu dưới điều kiện công suất cao (nhiệt độ và áp suất) trong các nhà máy nhiệt điện nói chung và các thiết bị hạt nhân nói riêng là hết sức cần thiết trong các ngành công nghiệp. Trong đó, bài toán kiểm tra thiết bị năng lượng cao như lò hơi là một chủ đề quan trọng trong việc duy tu, bảo dưỡng và kéo dài tuổi thọ của thiết bị. Kiểm tra rò rỉ và chiều dày của thành ống là các nội dung quan trọng. Sóng siêu âm (ultrasound) là một phương pháp đo đạc không phá hủy được áp dụng rộng rãi tại một số nước với các ưu điểm như: sóng siêu âm ứng dụng trong môi trường khắc nghiệt cao như áp suất và nhiệt độ cao, không bị ảnh hưởng bởi môi trường phóng xạ. Bên cạnh những phương pháp thực nghiệm thì mô phỏng là một công cụ hết sức hữu dụng trong việc dự đoán quá trình phát triển của khuyết tật trong các thiết bị của nhà máy dưới sự ảnh hưởng của nhiệt độ và áp suất cao trong quá trình vận hành. ANSYS/Mechanical APDL là một chương trình mô phỏng thương mại có thể cung cấp các kết quả tính toán mô phỏng 3 chiều (3D) về phân bố độ mỏi, sự phát triển của khuyết tật.

Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã tổ chức Khóa học này từ ngày 19/11/2021-3/12/2021 nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản và ứng dụng thực tế cho các cán bộ nghiên cứu trẻ cả hai mảng thực nghiệm đo đạc và mô phỏng 3D nhằm phục vụ các nhiệm vụ được giao trong tương lai của Viện NLNTVN nói chung và đặc biệt đối với mảng công việc Đánh giá không phá hủy và An toàn hạt nhân nói riêng.

TS. Trịnh Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân phát biểu khai giảng khóa đào tạo.

TS. Dương Thanh Tùng giới thiệu mục tiêu và nội dung chính của khóa đào tạo.

Do tình hình dịch bệnh Covid 19 khóa học đã được thực hiện bằng 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự khóa học có 19 học viên đến từ các đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam như: Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Công nghệ Xạ hiếm, Trung tâm hạt nhân Tp.HCM, Trung tâm ứng dụng hạt nhân nhân trong công nghiệp, Trung tâm Đào tạo hạt nhân. Giảng viên tham gia giảng dạy khóa học là các cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Khóa học triển khai theo hình thức trực tiếp và trực tuyến (online)

Khóa học đã cung cấp các bài giảng trên cả 2 khía cạnh thực nghệm và mô phỏng với 2 hình thức lý thuyết cùng với thực hành.  Khóa học đã trang bị cho học viên các kiến thức cơ bản về việc ứng dụng của sóng siêu âm trong đo đạc dòng chảy, nghiên cứu vật liệu. Ứng dụng sóng siêu âm đo đạc dòng chảy 2 pha, đo đạc độ ngưng tụ bọt trong dòng chảy dưới tới hạn, đo đạc rò rỉ (small leakage) và đo đạc xây dựng lại hình ảnh 3 chiều nhiên liệu hóa cứng trong bể. Khóa học cũng giới thiêu cách xây dựng hệ đo đạc (phần cứng và phần mềm) khi sử dụng sóng siêu âm với các kiến thức liên quan về chọn tần số cho đầu dò và xử lý tín hiệu phản hồi của sóng siêu âm như: tính toán độ lệch của tần số Doppler, độ lệch pha giữa 2 sóng phản hồi.

Về phần mềm mô phỏng 3 chiều (3D) của ANSYS, khóa bồi dưỡng cung cấp cho học viên nắm được cơ bản về cấu tạo và chức năng phổ biến của phần mềm Ansys/Mechanical APDL và hiểu được trình tự thực hiện một bài toán trong phần mềm này (mô hình hóa, tạo lưới và chọn giải thuật để giải quyết bài toán đặt ra). Đây là lần đầu tiên ban tổ chức triển khai việc hướng dẫn sử dụng chương trình mô phỏng trực tuyến. Tuy gặp một số khó khăn trong việc tưowng tác giữa học viên và giảng viên nhưng khóa học vẫn nhận được sự cộng tác cùng với sự trao đổi tích cực của học viên khi sử dụng chương trình ANSYS/Mechanical APDL giải quyết một số bài toán cơ học vật liệu.

Sự phát triển của vết nứt của vật liệu khi vẫn tiếp tục chịu sự tác động của lực kéo bên ngoài

Mô phỏng vật liệu bị biến dạng khi chịu lực tác động từ bên ngoài

Khóa học đã kết thúc thành công, học viên tham dự khóa học đã có những phản hồi tích cực về kiến thức được cung cập trong khóa học. Đồng thời, Ban tổ chức cũng nhận được những chia sẻ và đóng góp ý kiến của các học viên tham dự để có thể tổ chức các khóa học tương tự trong thời gian tới khi mà hình thức tô chức đào tạo trực tuyến sẽ đươc xem xét trong điều kiện diễn biến của tình hình covid-19 vẫn phức tạp.

Dương Thanh Tùng, Trung tâm Đào tạo hạt nhân