Từ ngày 4-8/11/2019, Trung tâm Đào tạo hạt nhân phối hợp với Ban Hợp tác Quốc tế tổ chức Hội thảo vùng về phân tích nguy cơ động đất đối với địa điểm công trình hạt nhân tại Hà Nội trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) và Mạng An toàn hạt nhân Châu Á (ANSN). Hội thảo diễn ra trong 5 ngày với sự tham dự của 15 đại biểu trong đó có 3 chuyên gia Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), 9 đại biểu chính thức từ năm quốc gia In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Phi-líp-pin, Hàn Quốc và Việt Nam và 03 đại biểu trong nước đến từ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Viện NLNTVN tham gia dự thính.
Ông Bùi Đăng Hạnh – Phó trưởng ban phụ trách Ban Hợp tác quốc tế, Đại diện Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu chào mừng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Đăng Hạnh – Phó trưởng ban phụ trách Ban Hợp tác quốc tế, Đại diện Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam chào mừng các chuyên gia IAEA và đại biểu tham dự Hội thảo vùng trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Viện NLNTVN và ANSN. Trong phát biểu chia sẻ, ông Bùi Đăng Hạnh cho biết, việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đã có ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng phát triển và nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng hạt nhân của các đơn vị nghiên cứu như Viện NLNTVN. Tuy nhiên, nghiên cứu cơ bản và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như ứng dụng trong y tế, công nghiệp, nông nghiệp cũng như một số lĩnh vực khác của Viện NLNTVN vẫn được nhà nước quan tâm và đầu tư phát triển. Một trong những nhiệm vụ trước mắt của Viện NLNTVN đó là tập trung nghiên cứu khả thi Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ năng lượng hạt nhân (RCNEST) với lò phản ứng nghiên cứu mới có công suất 15 MW theo hướng vừa nghiên cứu cơ bản vừa ứng dụng sản xuất đồng vị phóng xạ, chế tạo chất bán dẫn … phục vụ đời sống kinh tế, xã hội. Mặc dù có một số địa điểm xây dựng lò nghiên cứu mới cũng đã được khảo sát tuy nhiên việc lựa chọn địa điểm và xây dựng vẫn cần phải chờ quyết định từ chính phủ và cấp địa phương. Thay mặt Viện NLNTVN, ông Bùi Đăng Hạnh cảm ơn các chuyên gia IAEA, chào mừng các đại biểu tham dự và chúc hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.
Ông Ayhan ALTINYOLLAR, trưởng nhóm An toàn hạt nhân, thuộc bộ phận An toàn và An ninh hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế phát biểu
Đại diện phía Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế phát biểu tại hội thảo, ông Ayhan ALTINYOLLAR, trưởng nhóm An toàn hạt nhân, thuộc bộ phận An toàn và An ninh hạt nhân xin cảm ơn Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đứng ra tổ chức sự kiện này. Hội thảo vùng diễn ra thường niên của Nhóm đánh giá địa điểm và năm nay tổ chức tại Việt Nam với chủ đề về phân tích nguy cơ động đất đối với địa điểm công trình hạt nhân. Hội thảo vùng được tổ chức với mục đích tạo ra một diễn đàn trao đổi thông tinh, kinh nghiệm cũng như hiểu biết về tất cả các vấn đề liên quan đến an toàn hạt nhân trong việc lựa chọn và đánh giá địa điểm đối với các cơ sở hạt nhân tập trung vào nhà máy điện hạt nhân và các lò phản ứng nghiên cứu của các nước thành viên Mạng An toàn hạt nhân Châu Á. Đồng thời hội thảo này cũng mong muốn và khuyến khích các đại biểu tham dự cập nhật các thông tin liên quan đến các hướng dẫn, tiêu chuẩn mới của IAEA cũng như các bài học kinh nghiệm từ một số nước tiêu biểu như Italia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chuyên gia và đại biểu tham gia buổi khai mạc Hội thảo
Mục tiêu cụ thể của hội thảo là chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về phân tích nguy cơ động đất trong đánh giá địa điểm đối với công trình hạt nhân dựa trên các hướng dẫn, tiêu chuẩn của IAEA cũng như các phương pháp phân tích, tài liệu hỗ trợ và đưa ra các ví dụ tiêu biểu trong thực tiễn. Đánh giá nguy cơ động đất đối với địa điểm công trình hạt nhân, các đặc trưng về địa chất, địa vật lý khu vực công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đánh giá địa điểm. Trong mọi trường hợp cụ thể phải thu thập được thông tin chi tiết để có thể điều tra, đánh giá được một cách đầy đủ về dịch chuyển dao động nền và nguy cơ dịch chuyển đứt gẫy. Các đánh giá về nguy cơ động đất sẽ cung cấp các thông tin quan trọng trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hỗ trợ ra quyết định đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Nội dung các bài trình bày trong Hội thảo như sau:
- Các tiêu chuẩn an toàn và tài liệu hỗ trợ của IAEA liên quan đến việc đánh giá địa điểm công trình hạt nhân.
- Các yêu cầu về đánh giá địa điểm công trình hạt nhân theo IAEA SSR-1.
- Nguy cơ động đất trong đánh giá địa điểm công trình hạt nhân IAEA SSG-9.
- Các điều tra nghiên cứu và thông tin cần thiết đối với cơ sở dữ liệu địa chất, địa vật lý và thu thập và giải đoán dữ liệu địa chất, địa vật lý và địa kỹ thuật.
- Thu thập dữ liệu địa chấn, xử lý/hoàn thiện danh mục động đất, liên quan đến yêu cầu trong tài liệu IAEA SSG-9.
- Các đặc trưng của các đứt gẫy tại địa điểm công trình hạt nhân.
- Ví dụ minh hoạ và thảo luận.
- Xây dựng mô hình kiến tạo mảng: các thông số đứt gẫy yêu cầu trong phát triển mô hình kiến tạo mảng.
- Xây dựng mô hình kiến tạo mảng: mô hình biên độ cực đại, thế biên độ cực đại, khu vực chính.
- Mô hình chuyển động mặt đất với các ví dụ dự án nhà máy điện hạt nhân hiện nay.
- Phân tích rủi ro xác suất động đất, các ví dụ minh hoạ.
- Ứng dụng hệ thống quản lý đối với đánh giá nguy cơ động đất.
- Đánh giá nhiệm vụ SEED.
- Chia nhóm: xây dựng mô hình đầu vào và đánh giá kết quả đầu ra đối với việc thực hiện PSHA trong phân mềm HAZ42; tính toán độ nhậy.
- Thảo luận các kết quả đầu ra của PSHA và DSHA.
Hình ảnh các đại biểu tham dự hội thảo
Sau 5 ngày làm việc rất tích cực và thảo luận sôi nổi với các chuyên gia của IAEA và các thành viên là đại biểu đến từ các nước như In-donexia, Thái Lan, Phi-líp-pin, Hàn Quốc và Việt Nam, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Nội dung của hội thảo các chuyên gia IAEA đã trình bày và thảo luận về mặt lý thuyết:
- – Các thông tin cần thiết và điều tra khảo sát đối với cơ sở dữ liệu địa chất, địa vật lý và địa chấn.
- – Đánh giá khả năng của sự dịch chuyển đứt gẫy tại địa điểm công trình
- – Phát triển các mô hình nguồn động đất
- – Các phương pháp đánh giá sự dịch chuyển dao động nền
- – Phân tích nguy cơ dịch chuyển dao động nền (Phân tích nguy cơ động đất xác suất và Phân tích nguy cơ động đất tất định), các thông số liên quan và ứng dụng trong hệ thống quản lý.
Các bài trình bày đều được thảo luận một cách kỹ lưỡng liên quan đến các vấn đề kỹ thuật chi tiết. Đồng thời các đại biểu tham dự cũng rất quan tâm đến nhiều khía cạnh trong việc đánh giá phân tích nguy cơ động đất đối với địa điểm công trình hạt nhân.
Về mặt thực hành có các bài tập về Phân tích nguy cơ động đất xác suất đối với các trường hợp là nguồn và khu vực đứt gẫy sử dụng chương trình phần mềm HAZ42:
- – Xây dựng các nguồn và khu vực đứt gẫy.
- – Xây dựng mô hình đầu vào.
- – Phân tích xác suất nguy cơ động đất.
- – Đánh giá độ nhạy.
Trong buổi tổng kết đánh giá về quá trình diễn ra Hội thảo, các đại biểu đại diện các nước đều có phát biểu nhận xét, hội thảo lần này được tổ chức rất chu đáo và nội dung chuyên sâu nhưng rất hấp dẫn với nhiều phương pháp tiếp cận và kỹ thuật mới cũng như tiêu chuẩn của IAEA đã sửa đổi bổ sung được khuyến cáo các nước thành viên áp dụng. Một trong những đại biểu phía Việt Nam là PGS. TS Nguyễn Hồng Phương thuộc Viện Vật lý địa cầu phát biểu đánh giá hội thảo rất hữu ích và hấp dẫn không chỉ là việc cập nhật các tiêu chuẩn mới của IAEA mà còn có ý nghĩa trong cách tiếp cận các phương pháp nghiên cứu mới và đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá địa điểm của cả cơ quan pháp quy và đơn vị hỗ trợ kỹ thuật.
Đánh giá nhận xét tổng kết khoá học ông Ayhan ALTINYOLLAR nhấn mạnh hội thảo lần này hướng tới mục tiêu thảo luận các vấn đề kỹ thuật chuyên môn sâu và chi tiết dựa trên các tiêu chuẩn an toàn và việc áp dụng của một số quốc gia hiện hay đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Việc tiếp cận các vấn đề liên quan đến phân tích nguy cơ động đất là phức tạp và thảo luận các vấn đề về kỹ thuật cần các chuyên gia kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm để thực hiện. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là cần thiết lập các quy trình phân tích đánh giá dựa trên việc áp dụng trên thực tế đã được cộng đồng quốc tế công nhận và tiêu chuẩn của IAEA. Về phía IAEA, ông Ayhan ALTINYOLLAR đánh giá cao sự đóng góp và tham gia thảo luận rất tích cực của các đại biểu liên quan đến các vấn đề kỹ thuật. Ông Ayhan ALTINYOLLAR gửi lời cảm ơn tới Ban điều hành ANSN và Nhóm đánh giá địa điểm đã hỗ trợ để tổ chức hội thảo này. Ông cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ trong việc đưa đón chuyên gia và tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để tổ chức thành công hội thảo lần này.
Phát biểu tại buổi lễ bế mạc, TS. Trịnh Anh Đức thay mặt Trung tâm Đào tạo hạt nhân và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam chân thành cảm ơn các chuyên gia đến từ IAEA đã có những bài trình bày chuyên sâu trong lĩnh vực đánh giá nguy hiểm rủi ro động đất và đồng thời cũng chia sẻ kinh nghiệm từ công việc nghiên cứu và tư vấn nhiều dự án khác nhau đặc biệt là của Italia và Thổ Nhĩ Kỳ nơi có các nhà máy điện hạt nhân đã và đang xây dựng để các nước như Indonesia, Philipine và Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng xây dựng mô hình đánh giá nguy cơ tại quốc gia của mình.
Trịnh Anh Đức, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo hạt nhân phát biểu tổng kết Hội thảo
Trịnh Anh Đức cũng cảm ơn các đại biểu tham dự đến từ các nước trong khu vực đã tích cực trao đổi, cùng các cán bộ của Trung tâm Đào tạo hạt nhân chuẩn bị chu đáo các công việc tổ chức. Cuối buổi lễ bế mạc, TS. Trịnh Anh Đức trao quà lưu niệm và cảm ơn các chuyên gia IAEA đã nhiệt tình tham gia giảng dạy và trao đổi để làm nên thành công của hội thảo lần này.
Ông Trịnh Anh Đức trao quà lưu niệm cho các chuyên gia IAEA báo cáo tại Hội thảo
Phạm Ngọc Đồng – Trung tâm Đào tạo hạt nhân
Một số hình ảnh của Hội thảo
Ông Ayhan ALTINYOLLAR, trưởng nhóm An toàn hạt nhân của IAEA trình bày các yêu cầu và tiêu chuẩn đánh giá về nguy hiểm động đất của IAEA
PGS. TS. Zeynep GULERCE, Đại học Kỹ thuật Trung đông, Thổ Nhĩ Kỳ trình bày báo cáo về Xây dựng mô hình kiến tạo mảng (đứt gẫy) tại Hội thảo.
TS. Leonello SERVA, nguyên Tổng giám đốc cơ quan nghiên cứu khảo sát địa chất Ý trình bày về các đặc trưng đứt gẫy tại địa điểm công trình hạt nhân.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Phương – Viện Vật lý địa cầu trình bày báo cáo các nghiên cứu đánh giá địa điểm công trình NMĐHN Ninh Thuận tại Hội thảo.