VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 82

Hòa cùng với không khí sôi động của các hoạt động kỷ niệm ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam lần thứ hai, 18 tháng 5 năm 2015. Ngày 15/5/2015 tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tổ chức buổi tọa đàm Giới thiệu sách “An toàn điện hạt nhân” của GS. Phạm Duy Hiển.

Tham dự buổi giới thiệu sách có GS. Phạm Duy Hiển, nguyên viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, hiện là chủ tịch hội đồng khoa học cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân Việt Nam đồng thời cũng là tác giả của cuốn sách; Lãnh đạo và cán bộ Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam; Lãnh đạo Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân; Lãnh đạo Cục Năng lượng nguyên tử; Đại diện Viện vật lý – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Khoa Vật lý Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội; cũng như sư có mặt của giới báo chí, truyền hình, các chuyên gia, nhà giáo dục, giới văn nghệ sỹ, bạn bè, đồng nghiệp của tác giả, cùng đông đảo sinh viên các Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Điện lực, đối tác và bạn đọc.

Tham gia tọa đàm giới thiệu cuốn sách “An toàn điện hạt nhân” có GS. Phạm Duy Hiển, tác giả cuốn sách cùng với sự góp mặt của TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đại diện cho giới chuyên gia nhận xét, đánh giá;  PGS. Vương Hữu Tấn, Cục Trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt đại diện cho Nhà Quản lý Khoa học; Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tham gia với tư cách MC cho buổi tọa đàm.

Thảo luận tại buổi giới thiệu sách các chuyên gia cho rằng điện hạt nhân là lĩnh vực khoa học đa ngành, một quốc gia muốn thực hiện chương trình hạt nhân thì cần phải thúc đẩy được khoa học công nghệ tiên tiến, trên thế giới không có nước nào thịnh vượng mà không thông qua con đường phát triển khoa học và công nghệ. Sự ra đời của cuốn sách An toàn điện hạt nhân là một đóng góp cho sự nghiệp đào tạo cán bộ ngành năng lượng nguyên tử, đây là một tài liệu vô cùng quý giá được đúc kết từ hơn 50 năm kinh nghiệm làm khoa học của GS. Phạm Duy Hiển. Nội dung cuốn sách được tác giả bắt đầu từ lịch sử phát triển vật lý hạt nhân bắt nguồn từ phát minh ra hiện tượng phóng xạ trong khoáng uranium từ đầu thế kỷ XX (chương 1), nguồn gốc phóng xạ trong tự nhiên (chương 2) và nền phông phóng xạ nhân tạo còn lưu tại từ các cuộc thử vũ khí hạt nhân ào ạt trong khí quyển hồi đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX (chương 3), cấu trúc lò phản ứng năng lượng và cơ chế vật lý dẫn đến tai nạn điện hạt nhân cũng như hậu quả thoát chất phóng xạ ra môi trường (chương 4, 5). Phân tích an toàn điện hạt nhân theo phương pháp tất định và xác xuất (chương 6) là hai phương pháp luận cơ bản trong an toàn điện hạt nhân. Tiếp theo, ba tai nạn Three Mile Island, Chernobyl và Fukushima (chương 7, 8, 9) được minh họa tương đối chi tiết. Cuối cùng là câu chuyện hậu Fukushima (chương 10) trình bày hiện trạng điện hạt nhân trên thế giới và triển vọng của các lò thế hệ mới có khả năng sử dụng phế thải hạt nhân ngay trong lò, và có thể được thương mại hóa trong vài thập kỷ tới.

Cuốn sách được GS. Hồ Ngọc Đại – một trong những người ngoài ngành đánh giá là có thể tin cậy được. Điều này cho thấy cuốn sách có thể được sử dụng làm tài liệu tham chiếu trong giảng dạy chuyên ngành hạt nhân, những người hoạt động trong ngành, kể cả giới quản lý và hoạch định chính sách cũng như giới báo chí tuyên truyền có thể tìm thấy ở cuốn sách này những kiến thức cơ bản, có hệ thống và hữu ích cho công việc của mình.

Cuốn sách “An toàn điện hạt nhân” của GS. Phạm Duy Hiển được xuất bản đầu tháng 5/2015, trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị các nguồn lực cho dự án Điện hạt nhân đầu tiên, trong đó đặc biệt là chuẩn bị nguồn nhân lực. Việt Nam không chỉ thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi có kinh nghiệm mà còn thiếu tài liệu tham khảo và giảng dạy bằng tiếng Việt liên quan đến chuyên ngành Điện hạt nhân, đặc biệt là an toàn cho nhà máy điện hạt nhân. Sự ra đời của cuốn sách trong bối cảnh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Đoạn kết của Lời tựa trong cuốn sách cũng là câu nói tâm đắc của GS. Phạm Duy Hiển có viết “Viết sách là đối thoại với người đọc. Đọc sách là đối thoại với tác giả. Từ những cuộc đối thoại này tri thức khoa học sẽ đến với công chúng”.

Với sự ra mắt của cuốn sách, cùng chuỗi hoạt động hướng về kỷ niệm Ngày Khoa học Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam mong muốn truyền bá các tri thức khoa học và công nghệ đến với đông đảo bạn đọc cũng như có được sự cộng tác chặt chẽ hơn nữa của các nhà khoa học, các nhà quản lý và đội ngũ cộng tác viên để cho ra đời những cuốn sách, bộ sách khoa học và công nghệ hạt nhân có chất lượng phục vụ chương trình phát triển điện hạt nhân trong những năm tới.

Người đưa tin: Lưu Thị Thu Hòa

Trung tâm Đào tạo hạt nhân