Ngày 8/4/2015, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có buổi tiếp và làm việc với ông Mamoru Muramatsu, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC).
Đoàn công tác của Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản do ông Muramatsu dẫn đầu đến Việt Nam lần này để làm việc với Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với mục tiêu thống nhất một số vấn đề, từ đó hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và dự án đầu tư (FS), làm cơ sở xúc tiến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Tại buổi làm việc, ông Muramatsu đã trình bày tổng quát về kế hoạch thực hiện khảo sát địa chất bổ sung phục vụ dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 mà JAPC, với tư cách là công ty tư vấn cho dự án, sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Quân và ông Mamoru Muramatsu, Phó tổng giám đốc JAPC (thứ ba từ trái sang) tại buổi tiếp.
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng phía Nhật Bản cần làm rõ nguy cơ động đất tại địa điểm xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, khẳng định quan điểm chưa an toàn thì chưa xây dựng. “Vấn đề chúng tôi cần làm rõ chủ yếu là cách đánh giá của Nga và Nhật Bản về động đất ở khu vực xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 có kết quả khác xa nhau”.
Nhật Bản là đối tác giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, còn Nga hỗ trợ xây dựng nhà máy Ninh Thuận 1. Hai nhà máy này có tổng công suất 4.000 MW. Vị trí hai nhà máy chỉ cách nhau 30km, nhưng báo cáo của Nga đánh giá dao động nền ở mức độ an toàn, còn Nhật Bản cho rằng mức độ không an toàn. Bên cạnh đó, Nhật Bản nêu yêu cầu thời gian tuổi của thềm biển là 120.000 năm, Nga lại không đặt yêu cầu cao như vậy. Theo Bộ trưởng, các chuyên gia địa chất Việt Nam cũng băn khoăn về đứt gãy ở Đông Hòn Gió, cần có khảo sát đầy đủ hơn để có kết luận chính xác vì mức độ an toàn và công nghệ của nhà máy sau này phụ thuộc rất lớn vào các con số này
Trả lời các vấn đề Bộ trưởng Bộ KH&CN nêu ra, ông Muramatsu cho hay JAPC sẽ tìm hiểu thêm sự khác biệt trong đánh giá của cả Nhật Bản và Nga với hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo ông Muramatsu, sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị ảnh hưởng bởi sóng thần và động đất hồi năm 2011, hiện Nhật Bản đã thực hiện các khảo sát về địa chất liên quan đến động đất và đứt gãy với tất cả 48 nhà máy điện hạt nhân của nước này. Do đó, ông Muramatsu tin rằng Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm để thực hiện khảo sát ở Ninh Thuận.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng lưu ý tiến độ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đều chậm so với dự kiến. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là ưu tiên cao nhất đảm bảo an toàn, “chừng nào chưa an toàn thì chưa làm”. Việc sớm hoàn thành báo cáo FS cũng giúp đẩy nhanh thỏa thuận về phương án tài chính cho dự án Ninh Thuận 2 giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Nhật Bản. Sau báo cáo FS, Bộ KH&CN sẽ hoàn thành báo cáo thẩm định để trình Chính phủ phê duyệt triển khai Dự án.
Phòng Thông tin Năng lượng nguyên tử, Cục NLNT