Phỏng dịch theo bài viết đăng trên tạp chí Thế giới khoa học số 1 năm 2014 (phiên bản tiếng Nga, tạp chí Scientific American của Mỹ)
Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga – ROSATOM đã đạt đến một giai đoạn phát triển mới đó là bắt đầu phổ biến công nghệ hạt nhân đến các quốc gia khác. Dự án thí điểm có tính mũi nhọn là xây dựng Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân hiện đại tại Việt Nam. Trong tập đoàn ROSATOM chúng tôi rất tin tưởng vào dự án này vì đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một chương trình lớn về hợp tác quốc tế.
Trên thực tế, Liên bang Nga có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, hiện đại hóa các trung tâm nghiên cứu hạt nhân và lò phản ứng nghiên cứu ở trong nước và ngoài nước. Một vài thập kỷ trước, các dự án đó đã được thực hiện thành công ở Đức, Ba Lan, Hungary, Séc, Rumania, Trung Quốc, Việt Nam, Ai Cập, Libya và một số nước khác. Tuy nhiên từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi trên cả thế giới và ở Liên bang Nga. Bấy lâu nay, điều gì khiến khoa học và công nghệ của chúng ta (nước Nga – ND) không được phát triển đúng tầm như vậy. Nhiều người đã cho rằng, Liên bang Nga sẽ không bao giờ trở thành “cường quốc tiên phong” hay thậm chí đuổi kịp với các nước phát triển về công nghệ. Nhưng ROSATOM đã quyết định phá vỡ định kiến này bằng những ví dụ của mình để chứng minh rằng, chúng ta không những có thể phát triển thành cường quốc hạt nhân mà còn có thể giúp các nước khác phát triển ngành năng lượng hạt nhân.
Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân hiện đại, theo kiểu mẫu chuẩn bao gồm một số phòng thí nghiệm và các thiết bị – Cố vấn Ban quản lý đổi mới sáng tạo của Tập đoàn ROSATOM Nikolay Vasilievich Arkhangelski (Arkhangelski N.V.) nói – Thiết bị quan trọng đầu tiên cần có trong Trung tâm là một lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu cùng với các phòng thí nghiệm có liên quan như: Khoa học vật liệu, hóa phóng xạ, phòng thí nghiệm phân tích kích hoạt nơtron, thiết bị pha tạp silic và các thiết bị khác, ví dụ như thiết bị sản xuất các đồng vị phóng xạ cho các mục đích y tế, thiết bị để khử trùng các sản phẩm nông nghiệp và các máy gia tốc. Chương trình xuất khẩu của ROSATOM bao gồm toàn bộ các trung tâm nghiên cứu hạt nhân và lò phản ứng nghiên cứu riêng biệt và các tổ hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu trên cơ sở lò phản ứng. Dự kiến sẽ có nhiều dự án như vậy, bởi vì ROSATOM có đủ khả năng để xây dựng các trung tâm nghiên cứu hạt nhân hiện đại, kiểu mẫu và chuẩn hóa, thành phần của nó có thể được điều chỉnh theo yêu cầu của khách hàng.
Rõ ràng là lò phản ứng hạt nhân hiện đại phải đáp ứng một số yêu cầu và điều quan trọng nhất là vận hành an toàn. “Công nghệ của chúng ta an toàn và hiệu quả, do đó Việt Nam sẵn sàng hợp tác với chúng ta, bởi vậy tôi hy vọng Việt Nam là một đối tác tiềm năng” – Ông Arkhangelski N.V. giải thích. Ngoài ra, lò phản ứng cần phải đa dụng với công suất 15 MWt và thông lượng nơtron đủ lớn để thực hiện các nghiên cứu có phạm vi rộng, thời gian vận hành lên đến 50 năm, đồng thời còn có một số lượng lớn các kênh thử nghiệm và quan trọng nhất là đào tạo các nhà khoa học và đội ngũ nhân viên có trình độ cao. Tất cả những công việc này được đặt lên vai của tập đoàn ROSATOM. Về phía Việt Nam, họ có yêu cầu được đào tạo những gì mà các chuyên gia của chúng ta có.
Hai trong một
Nói đến việc triển khai thực hiện, trên thực tế đó là hai dự án, một là xây dựng mới một lò phản ứng nghiên cứu và thứ hai là trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân sử dụng các nơtron được tạo ra trong lò phản ứng. Lò phản ứng nghiên cứu được thiết kế cho một loạt các nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi như vật liệu phóng xạ, vật lý lò phản ứng, vật lý hạt nhân và vật lý chất rắn, sản xuất đồng vị phóng xạ dùng trong y tế và công nghiệp, phân tích kích hoạt nơtron của một số vật liệu, chụp ảnh nơtron, pha tạp silic, điều trị bệnh bằng phương pháp bắt nơtron.
Trung tâm sẽ triển khai các nghiên cứu về vật lý lò hạt nhân, thủy nhiệt, các vấn đề an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ và đánh giá tác động môi trường của các nhà máy điện hạt nhân, công nghệ xử lý chất thải phóng xạ. Trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ sản xuất các chất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ, vật liệu bán dẫn, dịch vụ trong lĩnh vực bức xạ, công nghệ hóa học, y học hạt nhân, công nghệ thông tin và mô phỏng máy tính. Và đây chỉ là một phần của mục tiêu được đặt ra trong dự án nói trên.
Nhưng tại sao lại chính là Việt Nam?
“Đến với hợp tác cùng Việt Nam, tôi được khích lệ bằng câu chuyện cá nhân của mình – ông Arkhangelski N.V. kể – Thực tế là khoa học nguyên tử của Việt Nam đã bắt đầu từ tương đối lâu. Vào đầu những năm 1960 ở Miền Nam Việt Nam, lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân TRIGA của Mỹ đã được xây dựng tại thành phố Đà Lạt, nhưng vì nhiều lý do nó vận hành không hiệu quả, không có đủ tiềm lực khoa học, và cũng không được quan tâm. Sau đó khi chiến tranh mở rộng, lò phản ứng này nói chung nằm trong vùng hoạt động của du kích. Sau năm 1975 Việt Nam đã thống nhất, Chính phủ Việt Nam có ý tưởng không những chỉ khôi phục lại hoạt động của lò phản ứng này mà còn mở rộng khả năng nghiên cứu của nó. Liên Xô đã nhận nhiệm vụ trọng trách này. Chúng tôi đã đặt mục tiêu xây dựng lại toàn bộ Viện Năng lượng hạt nhân tại thành phố Đà Lạt. Khi đó tôi là một cộng tác viên khoa học trẻ của Viện Kurchatov, tôi đã đến thành phố Đà Lạt và làm việc tích cực ở đó. Đó là đầu những năm 1980, lò phản ứng hầu như đã được xây dựng lại, công suất của nó được tăng gấp đôi và xung quanh nó hình thành một đội ngũ các kỹ sư, nhà nghiên cứu làm việc cho đến nay. Một số người trong số họ mà tôi biết từ thời đó đều là những người bạn cũ thân thiết của tôi”.
Theo lời ông Arkhangelski N.V. đó là một ví dụ tương đối hiếm hoi về một lò phản ứng nghiên cứu không lớn nhưng hoạt động lâu dài và có hiệu quả đã làm ra nhiều sản phẩm hữu ích. Lò phản ứng nhỏ thường không có chương trình nghiên cứu dài hạn như vậy, nó sẽ nhanh chóng bị “kiệt sức”, lạc hậu và sẽ dừng hoạt động. Trên thực tế lò phản ứng của Việt Nam theo phiên bản gốc ban đầu được người Mỹ xây dựng là như vậy. Sự việc khác đi khi lò phản ứng khôi phục lại theo phiên bản của Nga cho đến nay vẫn đang hoạt động và năm 2014 Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày khôi phục lò phản ứng đó. “Thêm nữa, nó còn rất tốt – ông Arkhangelski N.V. nói – Đây là công lao đáng ghi nhận của các nhà khoa học của chúng ta và các chuyên gia Việt Nam, đã không cho phép nó già đi”.
Đồng vị thay thế phân tích
Trong các năm mới bắt đầu vận hành lại (từ 1984), lò phản ứng nghiên cứu của Việt Nam đã “bận rộn” như thế nào? Đầu tiên là những nghiên cứu cơ bản trên các kênh thử nghiệm ngang. “Họ có các thiết bị khoa học cho phép nghiên cứu cái gọi là trạng thái ngưng tụ của vật chất – ông Arkhangelski N.V. nói – Và đây là những ứng dụng, lợi ích thiết thực có thể chỉ sẽ xuất hiện trong tương lai xa, như trường hợp với nghiên cứu cơ bản. Đây là những gì họ đã làm trong vùng hoạt, trong “tim” lò phản ứng – sản xuất đồng vị phóng xạ, thứ rất cần thiết cho các bệnh viện ở Việt Nam vì chúng cho phép chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung thư”. Nói về chuẩn đoán, sử dụng các đồng vị phóng xạ, trong số đó chủ yếu là technetium- 99m có khả năng chuẩn đoán nhiều bệnh ở giai đoạn đầu, đặc biệt có ý nghĩa. Nhận biết bệnh tại thời điểm khi một người chưa cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào, và điều đó đã cải thiện đáng kể cơ hội điều trị bệnh một cách thành công.
Đó là các nguyên tắc phòng chống bệnh mà ngành y tế hiện đại cần xây dựng. Lý tưởng nhất, nó sẽ tương tự như thế này: Mỗi năm một lần, con người đến phòng khám, hoặc trung tâm chuẩn đoán, đồng vị phóng xạ này được đưa vào cơ thể (được coi là hoàn toàn vô hại và không đau) và sau đó theo sự lan truyền của đồng vị này trong cơ thể, từ đó xác định được cơ quan nào bị ảnh hưởng cần kiểm tra kỹ, và cơ quan nào khỏe mạnh. Và đó chỉ là một trong những xu hướng đang phát triển thành công ở Việt Nam.
Như vậy, lò phản ứng đang hoạt động và hoạt động tốt. Nhưng nó có công suất không lớn, chỉ có 500 kW là quá nhỏ để đáp ứng nghiên cứu cơ bản và sản xuất đồng vị (một số đồng vị khác), cũng như phạm vi các nghiên cứu ứng dụng mà khoa học ngày nay có thể mở rộng ra. Ngoài ra, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hầu như chưa có cơ sở nghiên cứu về vật liệu lò phản ứng hạt nhân. Vì vậy trong những năm qua, các chuyên gia Việt Nam thông qua lò phản ứng đã trưởng thành rất nhiều về chuyên môn và họ nhận thấy rằng lò phản ứng hiện tại của Việt Nam đã trở thành quá nhỏ bé đối với đất nước – họ đặt vấn đề về sự cần thiết một lò phản ứng lớn hơn cùng một trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân liên ngành.
“Các cuộc gặp gỡ, thảo luận về việc nối lại hợp tác vẫn đang diễn ra – ông Arkhangelski N.V. cho biết – Chúng tôi đang xích lại gần nhau, và ở đây hai năm trước đã ký một Hiệp định liên Chính phủ giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân. Trong Trung tâm đó sẽ có một lò phản ứng nghiên cứu có công suất khoảng 15 MWt, gấp 30 lần so với công suất của lò phản ứng nghiên cứu hiện nay. Sẽ có các phòng thí nghiệm vật liệu và phòng thí nghiệm hóa phóng xạ, không những chúng sẽ cho phép tiến hành những nghiên cứu hiện tại mà còn để sản xuất ra các chất đồng vị phóng xạ đang rất thiếu ở Việt Nam. Có lẽ tôi không nhầm, nếu tôi nói rằng nó là Trung tâm có tầm cỡ quốc tế”.
Việt Nam rất lạc quan tin tưởng vào dự án này, bởi vì trong khuôn khổ của nó các sinh viên Việt Nam sẽ được đào tạo tại những trường đại học tiên tiến đang hợp tác chặt chẽ với ROSATOM. Đại học Nghiên cứu hạt nhân Quốc gia MIFI là đại học đầu ngành thường xuyên cung cấp các chuyên gia trẻ về chuyên ngành hạt nhân. “Chúng tôi tiến hành lựa chọn khắt khe các sinh viên để cử đi du học tại Liên bang Nga – ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nói – Khi họ học ở cuối cấp trung học, một vài lần trong năm chúng tôi sẽ kiểm tra họ đối với các môn vật lý, hóa học, toán học, sau đó trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học nếu ai trong số những học sinh này đạt được điểm cao (ví dụ từ 23 điểm trở lên trên tổng số 30 điểm), chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra kỹ trình độ của họ, chỉ những người xứng đáng mới được cử đi du học”.
Thêm nữa, hiện tại sinh viên Việt Nam đang học tập rất thành công trong các trường đại học của Nga. Họ đã tham gia diễn đàn Tuổi trẻ sáng tạo “Fast and Furious” – “Nguyên tử Seliger”. Vì vậy, chúng tôi đang nói về việc mở rộng hợp tác của loại hình này. Theo ông Thành, Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học vật liệu, vật lý nhiệt, thủy nhiệt, cơ khí và một số lĩnh vực khác. Các chuyên môn này sẽ được đào tạo tại Liên bang Nga. Đây chưa phải là mục tiêu cuối cùng của dự án đối với Việt Nam – mục tiêu cuối cùng là họ hy vọng sẽ tạo ra một mạng lưới các cơ sở đào tạo để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trẻ của Việt Nam mà không cần sự giúp đỡ của các nước khác. “Chúng tôi muốn trở thành một quốc gia có thể phát triển ngành năng lượng hạt nhân của mình, đảm bảo tất cả các yêu cầu về năng lực khoa học và công nghệ để phát triển ngành hạt nhân, điện hạt nhân một cách bền vững. Tuy nhiên, tham vọng trở thành một cường quốc hạt nhân thì chúng tôi không có” – ông Thành cho biết -.
“Chiều Matxcơva” theo phong cách Việt
Kinh phí cho việc xây dựng Trung tâm sẽ được thực hiện theo các khoản vay tín dụng của Nga và nó được ghi trong Hiệp định liên Chính phủ. Điều này có nghĩa rằng việc xây dựng Trung tâm không mang lại lợi ích thương mại cho ROSATOM. Tuy nhiên các cộng tác viên của ROSATOM đặt rất nhiều hy vọng vào sự hợp tác này. Chúng ta đang nói đến việc thúc đẩy các công nghệ “nguồn” và khả năng phổ biến chúng đến các nước khác. “Tôi nghĩ rằng trong phiên bản gốc, chúng tôi không thể nói về sự hợp tác đầy đủ và các chuyên gia Việt Nam hiểu được điều đó” – ông Arkhangelski N.V. nói – “Nhưng họ học tập, trưởng thành và tiếp thu tất cả những gì họ thấy hữu ích và bây giờ chúng tôi thấy rằng mọi người đã bắt đầu nói chuyện với nhau bằng cùng một ngôn ngữ”. Đây không chỉ là ngôn ngữ chung về thuật ngữ khoa học mà còn là ngôn ngữ theo đúng nghĩa trực tiếp của nó mà các bạn Việt Nam trong những năm gián đoạn quan hệ vừa qua đã quên cách nói chuyện bằng tiếng Nga thì bây giờ họ đang tích cực khôi phục lại kỹ năng này. Theo ông Arkhangelski N.V., người Việt Nam nói chung rất có cảm tình với nước Nga và tiếng Nga. Họ thích hát những bài hát Nga, ngay cả những người không biết tiếng Nga cũng thích nghe bài hát “Chiều Mát-xcơ-va”, ở Việt Nam đó là một chuyện bình thường.
“Chúng tôi có một hướng nghiên cứu kết hợp với công nghệ lò phản ứng và hy vọng rằng sự hợp tác của chúng tôi ở đây sẽ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ – ông Arkhangelski N.V. tiếp tục nói – Chúng tôi thấy hướng nghiên cứu về khoa học vật liệu lò phản ứng đang “cháy hàng” về nhu cầu phòng thí nghiệm, và những phòng thí nghiệm đó sẽ được trang bị ở trung tâm và hơn nữa được trang bị rất tốt, tôi cảm thấy nhiều người sẽ ghen tị với chúng tôi. Ở đây sự hợp tác sẽ có lợi cho cả hai bên”.
Như trước kia, vấn đề quan trọng đối Việt Nam là các đồng vị phóng xạ không chỉ cho y học mà còn cho công nghiệp. Và giờ đây, phía Việt Nam đã gia tăng các chuyên gia “cao cấp” nên việc trao đổi khoa học với họ cũng sẽ rất thú vị và hữu ích. “Chúng tôi không hổ thẹn là trên thực tế họ có cái mà chúng tôi cần học tập và chúng tôi có cái mà họ cần học tập – ông Arkhangelski N.V. nở nụ cười – Chúng tôi sẽ hạnh phúc nếu các học sinh của mình có khả năng hơn chúng ta nghĩ”. Điều này cũng đúng đối với các ứng dụng thực tiễn như phân tích kích hoạt nơtron, sản xuất silic hay xạ trị bằng liệu pháp nơtron.
Tập đoàn ROSATOM đã có kế hoạch cụ thể để phổ biến công nghệ của mình sang các nước khác. Nó hoàn toàn hợp lý vì các chuyên gia của chúng tôi có kinh nghiệm sâu rộng và có nhiều phát minh công nghệ hiện đại. Chúng tôi muốn đẩy mạnh hoạt động này bởi vì đơn đặt hàng cho chúng tôi hiện nay đang rất nhiều. Các dự án thuộc loại này đang là “nguồn cảm hứng” ở châu Mỹ La tinh, Đông Nam Á, không những chỉ ở Việt Nam mà cả ở Trung Đông, châu Phi. “Dự án này đối với chúng tôi chỉ là bước khởi đầu – ông Arkhangelski N.V. nhấn mạnh – Chúng tôi muốn xem xét nó như là một ví dụ tốt cho các nước khác”.
Chúng tôi có thể nói rằng cả Liên bang Nga và Việt Nam hiện đang trong thời kỳ đổi mới. Nga bắt đầu triển khai công nghệ hạt nhân của mình trên toàn thế giới và đây là một giai đoạn vô cùng quan trọng của sự nghiệp phát triển mà thực chất là một cơ hội để đất nước chúng ta một lần nữa có thể trở thành một nước phát triển công nghệ cao và trở thành nước đứng đầu về trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Đối với Việt Nam, hiện nay họ mới bắt tay vào con đường phát triển toàn diện về năng lượng hạt nhân. Sau 10 năm nữa ở Việt Nam sẽ có 2 tổ máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng với sự giúp đỡ của Nga. Theo các chuyên gia, tiếp theo Việt Nam sẽ tích cực phát triển điện hạt nhân. Chính họ nói rằng không muốn xây dựng điện hạt nhân với chỉ với 2 tổ máy, một ngành điện hạt nhân đầy đủ công năng thì cần ít nhất là 16 tổ máy và khi có càng nhiều tổ máy thì càng tốt hơn. Thực hiện được một kế hoạch đầy thách thức như vậy chỉ có thể khi Việt Nam xây dựng và phát triển một trung tâm nghiên cứu hiện đại để hỗ trợ chương trình đó. “Các kế hoạch mà Việt Nam đang cố gắng thực hiện là rất đúng bởi vì tất cả các nước có điện hạt nhân phát triển đều đã xây dựng các trung tâm như vậy – ông Arkhangelski N.V. cho biết – Ở đây chúng tôi khuyến khích họ một cách mạnh mẽ vì họ và chúng tôi đều hiểu rằng nếu không có các trung tâm nghiên cứu hạt nhân liên ngành thì họ sẽ chỉ là lao công đốt lò trong nhà máy điện hạt nhân”.
Ông Arkhangelski N.V. nghĩ rằng, nếu trước đây Liên Xô và Việt Nam không hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân thì ngành công nghiệp hạt nhân của Việt Nam có thể đã phát triển theo một kịch bản khác. Có thể người Mỹ một lần nữa quay trở lại Việt Nam để tiếp tục công việc của họ với lò phản ứng nghiên cứu. Và sau đó dự án nhà máy điện hạt nhân mới cũng sẽ không đến Việt Nam từ Liên bang Nga. Có lẽ đây là vấn đề duy nhất mà Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam không đồng ý với chuyên gia của chúng ta. Theo ông Trần Chí Thành, hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam là một vấn đề có tính lịch sử và số phận. “Tôi có thể nói như vậy, bởi vì tôi lớn lên trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, đối với tôi không thể nào khác được – ông Thành mỉm cười – Liên bang Nga và Việt Nam trong nhiều năm qua không những chỉ hợp tác mà còn là bạn bè thân thiết và điều này là số phận của chúng ta”.
Phải nói rằng, Việt Nam đang cố gắng thiết lập hợp tác về các vấn đề hạt nhân với các nước khác nhau, tuy nhiên theo ông Thành, tình hình chưa đạt đến mức những gì giống như Liên bang Nga đã và đang sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam. Để có được một chuyên gia đa ngành, chất lượng cao thì thời gian đào tạo phải kéo dài ít nhất 4-6 năm, còn như hiện nay một số nước giúp đỡ chủ yếu các khóa học 1-3 tuần cho Việt Nam thì khó mà đào tạo được chuyên gia đáp ứng công việc. Vì vậy bây giờ Việt Nam đi đến kết luận rằng, sẽ tiếp tục xây dựng đối thoại, hợp tác với Nga, điều đó nhằm củng cố hiểu biết và lợi ích cho cả hai quốc gia.
Natalia Leskova, www.sci-ru.org
Tóm tắt tiểu sử:
Ông Arkhanchelski.N.V
Cố vấn Ban quản lý đổi mới sáng tạo của ROSATOM
Tốt nghiệp Đại học vật lý kỹ thuật Matxcơva
Cộng tác viên Viện nghiên cứu hạt nhân Kurchatov
Tiến sỹ khoa học kỹ thuật
Lĩnh vực khoa học quan tâm: Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, từ vấn đề chọn địa điểm đến vấn đề tháo dỡ.
Ông Trần Chí Thành
Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM)
Tốt nghiệp Đại học Năng lượng Matxcơva
Bảo vệ luận án Tiến sỹ tại Khoa An toàn điện hạt nhân, Đại học Công nghệ Hoàng gia, Thụy Điển
Lĩnh vực khoa học quan tâm: Nghiên cứu các vấn đề an toàn điện hạt nhân.