Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba đã chính thức khai mạc tối 24/3 (theo giờ Việt Nam), tại Trung tâm Hội nghị Diễn đàn Thế giới La Haye, Hà Lan, với sự tham dự của 53 quốc gia và 5 tổ chức quốc tế, trong đó có gần 40 lãnh đạo cấp cao, bao gồm nguyên thủ các cường quốc hạt nhân thế giới.
Hội nghị thu hút sự tham dự của 53 quốc gia và 5 tổ chức quốc tế, trong đó có gần 40 lãnh đạo cấp cao, bao gồm nguyên thủ các cường quốc hạt nhân thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đều hoan nghênh những tiến bộ đáng kể đạt được qua các Hội nghị Thượng đỉnh tại Washington năm 2010, Seoul năm 2012, trong đó hầu hết các cam kết do các thành viên đưa ra đều đã được thực hiện.
Bên cạnh trách nhiệm cơ bản thuộc về các quốc gia trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác và phối hợp quốc tế với vai trò trung tâm của IAEA.
Hội nghị sẽ tiếp tục các phiên thảo luận trong chiều ngày 24/3 và ngày 25/3 với 3 phiên toàn thể và 2 phiên thảo luận chuyên đề. Thông cáo chung của Hội nghị sẽ được thông qua tại phiên bế mạc vào chiều 25/3.
Trong khuôn khổ các hoạt động song phương của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hà Lan, ngày 24/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã đến thăm Quốc hội Hà Lan và có cuộc gặp làm việc với ông Ard Van Der Steur, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hạ viện Hà Lan.
Trước đó, ngày 21/3, các Quan chức cấp cao về an ninh hạt nhân đã họp tại La Haye, Hà Lan, nhằm hoàn tất công tác trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân.
Đoàn Việt Nam gồm đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham dự cuộc họp
Nội dung chính của cuộc họp là xem xét dự thảo Thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh.
Trong thảo luận, các nước bày tỏ sự ủng hộ và nhất trí cao đối với Dự thảo, cho rằng Dự thảo có nội dung tương đối toàn diện, cân bằng, có các mục tiêu rõ ràng và tập trung, đề ra được những biện pháp cụ thể, đáp ứng được quan tâm và mong đợi của các nước.
Dự thảo cũng đã thể hiện được quyết tâm của các nước trong việc tăng cường an ninh hạt nhân và ngăn ngừa khủng bố hạt nhân. Các Quan chức cấp cao đã nhất trí thông qua Dự thảo để trình lên Hội nghị Thượng đỉnh xem xét.
Tại cuộc họp, các Quan chức cấp cao cũng bàn thảo những vấn đề tổ chức, lễ tân và hậu cần của Hội nghị Thượng đỉnh nhằm bảo đảm chuẩn bị tốt nhất cho sự thành công của Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự toàn bộ các phiên họp cấp cao và đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể thứ nhất sáng 25/3 (theo giờ địa phương). Sau đây là nội dung bài phát biểu:
“Thưa Ngài Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte,
Thưa quý vị,
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Hà Lan, Ngài Thủ tướng Mắc Ru-tờ và các quốc gia, tổ chức quốc tế trong việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3.
Tôi tin tưởng rằng Hội nghị lần này sẽ đề ra phương hướng và các biện pháp mới, hiệu quả nhằm tăng cường hơn nữa an ninh hạt nhân và giảm thiểu nguy cơ khủng bố hạt nhân ở từng quốc gia và trên toàn thế giới.
Nhận thức trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an ninh hạt nhân là của từng quốc gia, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp về an ninh hạt nhân, bảo đảm kiểm soát an ninh hầu hết các nguồn phóng xạ cường độ cao, bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát xuất nhập khẩu nguồn phóng xạ tại một số sân bay và cảng biển, đào tạo đội ngũ cán bộ và xây dựng văn hóa an ninh cho các cơ quan có liên quan, đồng thời tích cực tham gia các công cụ pháp lý và các sáng kiến quốc tế có liên quan đến an ninh hạt nhân.
Từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Oa-sinh-tơn 2010 và Xơ-un 2012, Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư bổ sung (9/2012); gia nhập và phê chuẩn Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Phần Sửa đổi (10/2012); hợp tác với IAEA, Liên bang Nga và Hoa Kỳ hoàn thành việc chuyển trả toàn bộ số nhiên liệu uran có độ làm giàu cao đã qua sử dụng về Liên bang Nga, kết thúc thành công chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho Lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt (7/2013); gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ (10/2013). Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị tham gia Công ước quốc tế về ngăn chặn các hành động khủng bố hạt nhân (ICSANT).
Việt Nam đánh giá cao vai trò trung tâm của IAEA trong cấu trúc an ninh hạt nhân quốc tế. Chúng tôi đã đóng góp tích cực vào các hoạt động của IAEA cũng như đã sử dụng hiệu quả các trợ giúp của IAEA về an ninh hạt nhân. Trên cương vị thành viên và là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2013-2014, Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu.
Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân; đồng thời tăng cường hợp tác với IAEA và nhiều quốc gia khác trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết để thực hiện Chương trình điện hạt nhân quốc gia một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn, an ninh.
Thưa quý vị,
Sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân là mục tiêu chung của nhân loại mà chúng ta đang hướng tới. Cùng với việc khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp tự nguyện phù hợp với khả năng của mình, chúng ta cần có những chương trình, giải pháp cụ thể và phù hợp để hỗ trợ các nước đang phát triển trong lĩnh vực này và tiếp tục tăng cường vai trò của các thể chế đa phương, đặc biệt là IAEA, Liên hợp quốc.
Việt Nam ủng hộ những phương hướng và biện pháp tổng thể nêu trong Thông cáo của Hội nghị. Chúng tôi đã tham gia một số sáng kiến được đưa ra tại Hội nghị này và ủng hộ việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân năm 2016 tại Hoa Kỳ.
Trân trọng cảm ơn./.”
Nguồn: Tổng hợp