VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 29

Tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom (Nga) và Bộ Khoa học-Công nghệ của Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để năm 2015 khởi công xây dựng Trung tâm công nghệ và nghiên cứu hạt nhân, tiền đề cho việc khởi công Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I do phía Nga xây dựng.

 Nhân dịp kỷ niệm 30 năm lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt ông Vyacheslav. Pershukov, Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Rosatom cho biết, trong thỏa thuận chính phủ giữa Nga và Việt Nam, Rosatom đang cùng với phía Việt Nam xác định địa điểm và phương án khả thi xây dựng trung tâm công nghệ hạt nhân với số vốn đầu tư hơn 500 triệu đô la Mỹ do phía Nga hỗ trợ tín dụng. Chuyên gia về năng lượng nguyên tử của hai bên đã xây dựng chương trình nghiên cứu tại các trung tâm này, với hai cơ sở tại Đà Lạt và Hà Nội.

Cụ thể, tại cơ sở ở Đà Lạt, Rosatom đề xuất xây dựng một lò phản ứng hạt nhân bao gồm lò phản ứng nghiên cứu, các trang thiết bị và cơ sở hạ tầng đảm bảo vận hành an toàn. Dự kiến lò này có công suất 15 MW, nếu so sánh thì có công suất lớn gấp 30 lần lò phản ứng hạt nhân hiện có ở Đà Lạt.

“Có nghiên cứu phải mất 30 năm mới hoàn thành nếu dùng lò phản ứng cũ, nhưng lò phản ứng mới chỉ cần 1 năm là xong”, ông Pershukov nói.

Lý giải về việc chọn vị trí xây trung tâm ngay tại trung tâm Đà Lạt, TS Nicolas Arkhangelsky, cố vấn quản lý sáng chế của Rosatom, cho biết, nền địa chất ở Hà Nội dễ xảy ra động đất hơn, nên nếu xây ở Hà Nội sẽ tốn chi phí nhiều hơn. Ở Đà Lạt đã có một đội ngũ biết vận hành. Việt Nam cũng có chủ trương xây dựng các nhà máy điện hạt nhân gần phía Nam hơn.

Như vậy việc khởi công xây dựng cơ sở tại Đà Lạt sẽ sớm được triển khai khi các công tác liên quan như giải phóng mặt bằng,… hoàn thành. Nếu được khởi công vào năm 2015 và hoàn thành việc xây dựng vào năm 2020 thì tại hai trung tâm sẽ có 400-500 người Việt Nam và chuyên gia nước ngoài làm việc. Nó được tiến hành song song với việc đào tạo hơn 240 sinh viên Việt Nam tại các trường đại học và cơ sở điện hạt nhân đang thi công tại Nga.

Ông Pershukov nói: “Chúng tôi hy vọng năm nay sẽ bắt đầu thực hiện dự án (Trung tâm Khoa học Công nghệ Hạt nhân) và hoàn thành vào năm 2020 và dự án này sẽ thu hút khoảng 400-500 người làm việc.”

Trong khi đó một thông tin được phía Rosatom xác nhận chắc chắn là nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ đi vào hoạt động kể từ năm 2023-2024 như kế hoạch đã thỏa thuận giữa hai bên hồi tháng 2/2013.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, Tập đoàn ROSATOM đã trao giải thưởng ngành công nghiệp hạt nhân cho 6 nhà khoa học Việt Nam có nhiều cống hiến cho sự hiện đại hóa và phát triển của lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân, cùng việc khôi phục hoạt động của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cách đây 30 năm (20/3/1984 – 20/3/2014)

Các cá nhân gồm: giáo sư Phạm Duy Hiển (nguyên Phó chủ tịch Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam), giáo sư Nguyễn Văn Đạt (nguyên Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh), tiến sỹ Trần Hà Anh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt) và ba vị nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt là giáo sư Ngô Quang Huy, phó giáo sư Nguyễn Mộng Sinh và tiến sỹ Phạm Quốc Trinh.

 

Nguồn: Vietnamnet