Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản đã trở thành một hoạt động giao lưu, trao đổi và hợp tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân thường niên giữa Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu từ năm 2013 đến nay, với sự phối hợp tổ chức bởi Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN), Công ty Phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản (JINED) và Trung tâm Thông tin và Văn hóa Nhật Bản (JICC). Trải qua 9 kỳ Diễn đàn thành công với 9 chủ đề khác nhau, diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản (Diễn đàn Việt – Nhật) lần thứ 10 được tổ chức trong hai ngày 28-29/3/2019 tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân với chủ đề “Y học bức xạ và thông tin phát triển nguồn nhân lực,” đã đánh dấu một giai đoạn hợp tác ổn định và thành công để mở ra một giai đoạn hợp tác phát triển mới với nhiều tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tới tham dự Diễn đàn về phía Việt Nam có Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN; các báo cáo viên và khách mời đến từ các bệnh viện như Bệnh Viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh Viện Quân y 103, Bệnh Viện U bướu quốc gia, Bệnh Viện Đa Khoa Bắc Ninh, Bệnh Viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh Viện U bướu thành phố Hồ Chí Minh; cùng với các khách mời đến từ Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Điện lực; Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân; Cục Năng lượng nguyên tử; và các cán bộ nghiên cứu của Viện NLNTVN.
Về phía Nhật Bản có sự tham dự của: đại diện Đại sứ quán Nhật Bản; đại diện của JINED và JICC; các đại biểu và báo cáo viên tới từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, Học viện Công nghệ Tokyo, Viện Khoa học bức xạ quốc gia Nhật Bản, Đại học Kyoto, Tập đoàn Toshiba, Tập đoàn Hitachi, Tập đoàn Mitsubishi.
Với chủ đề “Y học bức xạ và thông tin về phát triển nguồn nhân lực”, Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 10 đã thu hút tới hơn 90 đại biểu tham dự trong đó có 60 đại biểu đến từ Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại Phiên Khai mạc, ông Takehiro Tsuchiya – Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam – phụ trách về vấn đề hợp tác năng lượng giữa Nhật Bản và Việt Nam, đã bày tỏ hy vọng năm 2019 sẽ là năm khởi đầu cho 45 năm quan hệ hợp tác thành công tiếp theo khi mà năm 2018 vừa qua Việt Nam và Nhật Bản đã kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ý nghĩa. Ông cũng hy vọng, Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản tiếp tục là hoạt động thường niên để xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực trẻ, quan trọng trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân của cả hai nước.
Ông Takehiro Tsuchiya – Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại Phiên Khai mạc
Đại diện cho phía Việt Nam, TS.Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đã chào mừng toàn thể các đại biểu tới tham dự Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 10, và cho biết Diễn đàn là một trong các sự kiện lớn và quan trọng của Viện NLNTVN trong việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân; y học hạt nhân trong nhiều năm qua đã đạt được nhiều tiến bộ và đã trở thành một lĩnh vực quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, với chủ đề “Y học bức xạ và thông tin phát triển nguồn nhân lực” là cơ hội để mở ra cơ hội hợp tác và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Kết thúc bài phát biểu, TS.Trần Chí Thành gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đã tới tham dự Diễn đàn và chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp.
TS. Trần Chí Thành phát biểu tại Phiên Khai mạc
Đại diện cho phía Nhật Bản, GS. Masaki Saito bày tỏ sự vui mừng khi được tham dự Diễn đàn lần này và điểm lại 9 kỳ Diễn đàn đã diễn ra với các chủ đề tương ứng. Giáo sư Masaki Saito cho biết công nghệ hạt nhân đã được ứng rộng rãi và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người trong đó có lĩnh vực y học, không chỉ vậy trong tương lai công nghệ hạt nhân sẽ còn đưa con người tiến xa hơn vào trong vũ trụ. Cuối cùng, GS. Masaki Saito chúc Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 10 diễn ra thành công tốt đẹp.
GS. Masaki Saito phát biểu tại Phiên Khai mạc
Được bắt đầu tổ chức từ năm 2013 đến nay, Diễn đàn Việt – Nhật về công nghệ hạt nhân đã trải qua 10 kỳ Diễn đàn trong 7 năm, Diễn đàn lần thứ 10 này như một dấu mốc đánh dấu một giai đoạn hợp tác ổn định và thành công, để ghi nhớ giai đoạn thành công này và mở ra một tương lai hợp tác mới, hai bên Việt Nam và Nhật Bản đã chuẩn bị các món quà kỷ niệm để trao tặng cho đại diện mỗi bên. Và để ghi nhận những đóng góp của ông Fumiaki Yamamoto – Giám đốc dự án của Tập đoàn Toshiba ở Việt Nam về nghỉ công tác theo chế độ, trong hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ hạt nhân, đại diện cho phía Việt Nam, TS.Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN, đã gửi lời cảm ơn chân thành cùng một món quà lưu niệm tới ông Fumiaki Yammamoto.
TS. Trần Chí Thành, ông Fumiaki Yamamoto, TS. Trần Ngọc Toàn và GS. Masaki Saito tại Lễ trao quà (từ trái qua phải)
Với tổng số 22 bài báo cáo được trình bày tại Diễn đàn, trong đó 12 bài của đại biểu Việt Nam và 10 bài của đại biểu Nhật Bản, được chia thành 3 phiên với 3 chủ đề lần lượt là: 1) các vấn đề đang được quan tâm từ hai bên; 2) liệu pháp xạ trị; và 3) sản xuất các dược chất và đồng vị phóng xạ dùng trong xạ trị.
Mở đầu phiên đầu tiên, các đại biểu đã được nghe ông Yuji Takahashi – thành viên Ban Giám đốc của JINED, trình bày về “Hiện trạng năng lượng hạt nhân ở Nhật Bản”, ông cho biết: kể từ sau sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, các quy định pháp quy hạt nhân mới của Nhật Bản đã được ban hành vào tháng 6/2013 và tính đến thời điểm này đã có 9 lò phản ứng đã được cấp phép hoạt động trở lại, 6 lò phản ứng đã vượt qua được kỳ kiểm tra của Cơ quan pháp quy, 12 lò phản ứng đang trong giai đoạn kiểm tra và 24 lò đã được quyết định/được dự đoán sẽ dừng hoạt động; kế hoạch tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân Fukushima được tiến hành theo 3 giai đoạn, hiện nay đã thực hiện xong giai đoạn 1 (2011-2013) với việc di dời toàn bộ các nhiên liệu đã sử dụng từ bể chứa và đang trong giai đoạn 2 (2013-2021) – bắt đầu việc thu hồi phần nhiên liệu đã bị phá hủy, giai đoạn 3 dự kiến tiến hành từ 30 tới 40 năm kể từ năm 2021 trở đi – sẽ kết thúc khi quá trình tháo dỡ được hoàn thành.
Tiếp đó là bài trình bày về “Hiện trạng của Dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân” của TS.Trần Chí Thành, đã cập nhật tiến trình và hiện trạng của Dự án Trung tâm từ năm 2009 đến nay; sự cần thiết trong việc duy trì nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân; các thách thức trong việc xây dựng Dự án; các định hướng nghiên cứu với lò phản ứng nghiên cứu mới có công suất khoảng 15 MW; và cuối cùng là các định hướng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ hạt nhân.
Phiên họp thứ 2 với 14 bài trình bày tập trung vào 2 nội dung chính đó là: các vấn đề về liệu pháp xạ trị và phát triển các chương trình mô phỏng tính toán liều trong liệu phá xạ trị. Trong đó, với 6 báo cáo, các đại biểu Nhật Bản đã trình bày về các vấn đề: liệu pháp xạ trị bằng proton; liệu pháp xạ trị bắt neutron bằng boron cho các khối u cao cấp thường xuất hiện ở đỉnh của phổi, có thể xâm chiếm các xương sườn số 2 và số 3 và các mạch máu phụ; phương pháp xạ trị đánh dấu khối u với thời gian thực áp dụng cho các bia di động sử dụng một máy gia tốc tuyến tính được gắn vào các khớp đa năng; chương trình mô phỏng tính toán vận chuyển các hạt và ion nặng (PHITS) và ứng dụng trong vật lý trị liệu.
Về phía đại biểu Việt Nam với 8 bài trình bày tập trung vào các nội dung: các tiến bộ gần đây trong liệu pháp xạ trị và điều trị ung thư ở Việt Nam; các tiến bộ trong kỹ thuật liệu pháp xạ trị chùm tia ngoài cho điều trị ung thư; các thách thức của việc áp dụng các kỹ thuật mới tiên tiến trong liệu pháp xạ trị ở các bệnh viện ở Việt Nam; phát triển các kỹ thuật chuẩn bị dược chất phóng xạ dựa vào các kháng thể đơn dòng để chuẩn đoán và xạ trị ung thư; sử dụng máy gia tốc 30 MeV sản xuất dược chất phóng xạ ở Việt Nam; liệu pháp hóa-xạ trị đồng thời đối với bệnh unh thư vòm họng; sử dụng chương trình GEANT4 để tính toán mô phỏng phân bố liều trên hình ảnh 3D; so sánh và đánh giá độ chính xác độ phân bố liều của các chùm tia photon trong các vùng mật độ không đồng nhất với hai thuật toán AAA và Acuros trong Eclipse với các tính toán mô phỏng Monte-Carlo của chương trình GEANT4/GATE.
Trong phiên họp thứ 3 với tổng số 6 bài trình bày về chủ đề “Sản xuất các dược chất và đồng vị phóng xạ dùng trong liệu pháp xạ trị”. Các đại biểu Việt Nam đã trình bày về 3 nội dung: hiện trạng sản xuất dược chất và đồng vị phóng xạ tại lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt; sử dụng máy gia tốc cyclotron 30 MeV để sản xuất dược chất phóng xạ và nghiên cứu; nghiên cứu và sản xuất dươc chất phóng xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. Với 3 bài trình bày, các đại biểu Nhật Bản đã trình bày các nội dung: phát triển các kỹ thuật chụp hình cắt lớp bức xạ positron thế hệ mới; phát triển và sản xuất các đồng vị phóng xạ đánh dấu cho kỹ thuật chụp hình cắt lớp bức xạ positron và liệu pháp xạ trị đúng mục tiêu; nghiên cứu và phát triển quá trình sản xuất Mo99/Tc99m bằng phản ứng (n,y).
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Bệnh Viện Trung ương Quân đội 108
Với chủ đề về “Y học bức xạ” lần này, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã có cơ hội tới thăm quan tại Bệnh Viện Trung ương Quân đội 108. Tại đây, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về quá trình thành và phát triển của Bệnh Viện từ năm 1951 đến nay. Tiếp đó, các đại biểu đã đi thăm quan hệ thống máy xạ trị – xạ phẫu TrueBeam STx và hệ thống máy CT tại Khoa Xạ trị và Xạ phẫu là khoa lâm sàng thuộc Viện Ung thư và khối nội, và tới thăm quan Trung tâm Máy gia tốc – nơi vận hành máy gia tốc Cyclotron 30MeV để sản xuất các loại dược chất phóng xạ dùng cho chụp hình cắt lớp bức xạ positron (PET) và chụp hình cắt lớp vi tính bức xạ photon đơn (SPECT).
TS. Trần Ngọc Toàn phát biểu tại Phiên Bế mạc Diễn đàn
Kết thúc hai ngày làm việc tập trung hiệu quả, tại Phiên Bế mạc Diễn đàn, đại diện phía Nhật Bản, GS. Masaki Saito đã chúc mừng Diễn đàn thành công tốt đẹp và gửi lời cảm ơn tới các báo cáo viên, các đại biểu và đặc biệt là nhóm tổ chức đã đóng góp vào thành công chung của Diễn đàn. Đại diện phía Việt Nam, TS. Trần Ngọc Toàn chúc mừng sự thành công của Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 10 và mong muốn sau Diễn đàn phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực Y học hạt nhân thông qua việc hình thành một mạng lưới liên kết trao đổi chuyên môn về ba vấn đề nghiên cứu: 1) liệu pháp xạ trị photon; 2) sử dụng các chương trình mô phỏng tính toán liều; 3) và nhóm kiểm định và kiểm tra chất lượng về các kỹ thuật tính toán, và gửi lời cảm ơn tới toàn thể các báo cáo viên, các đại biểu và nhóm hậu cần đã cùng đóng góp vào thành công Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 10.
Đoàn Mạnh Long, Phòng Giáo vụ và Đào tạo