Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành Năng lượng nguyên tử (Hội nghị KH&CNHN) là sự kiện khoa học được tổ chức 2 năm một lần, do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) phối hợp với Đoàn Thanh niên Viện NLNTVN. Hội nghị lần thứ 5 được tổ chức trong hai ngày từ ngày 03-04 tháng 10 năm 2018 tại Hội trường Trung tâm Đào tạo hạt nhân – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) – 140 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Hội nghị là nơi gặp gỡ, trình bày, trao đổi và thảo luận các ý tưởng, các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử của các cán bộ trẻ.
Tham dự phiên khai mạc Hội nghị KH&CNHN cán bộ trẻ ngành NLNT lần thứ 5 có Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN, đại diện Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); đại diện Vụ Kế hoạch – Tổng hợp, Bộ KH&CN; cùng các cán bộ nghiên cứu khoa học trẻ đến từ các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. HCM, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa TW Thái Nguyên, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Ảnh lưu niệm chụp các đại biểu của Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Trần Ngọc Toàn cho biết: Hội nghị KH&CNHN cán bộ trẻ ngành NLNT được tổ chức hai năm một lần, là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng của ngành NLNTVN. Viện NLNTVN đã 4 lần tổ chức thành công Hội nghị KH&CNHN cán bộ trẻ ngành NLNT, Hội nghị lần thứ 5 này nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng, đồng thời, cũng nhằm xác định phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ nghiên cứu cần thiết cho giai đoạn tiếp theo để góp phần xây dựng đội ngũ nghiên cứu trẻ trong ngành NLNT ngày càng vững mạnh.
Phó Viện trưởng Trần Ngọc Toàn phát biểu khai mạc Hội nghị
Qua việc tiến hành phản biện một cách nghiêm túc của Hội đồng khoa học, Hội nghị đã chọn được 61 báo cáo, trong đó có 40 báo cáo được trình bày Oral (Oral presentation) và 21 báo cáo dán bảng (Posters).Chương trình Hội nghị bao gồm 01 phiên toàn thể vào sáng ngày 03/10 và 02 phiên tiểu ban ứng với các tiểu ban từ chiều ngày 03 – sáng ngày 04/10; chiều ngày 04/10 Hội nghị đi tham quan kỹ thuật tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân và Trung tâm Đánh giá không phá hủy, và tổng kết Hội nghị
Bắt đầu Phiên toàn thể, Hội nghị đã nghe 02 bài tham luận với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp trong thời đại 4.0” và “Tổng quan về quyền sở hữu trí tuệ” lần lượt của đại biểu khách mời Lê Vũ Toàn – Học Viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và đại biểu Hoàng Anh, Cục sở hữu trí tuệ.
Tiếp đó là 02 bài báo cáo có kết quả nghiên cứu xuất sắc được lựa chọn từ hai tiểu ban A và tiểu ban B. Bắt đầu là bài trình bày của ThS. Dương Đức Thắng, Nghiên cứu viên Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân trình bày báo cáo với chủ đề “Nồng độ 210Pb trong sol khí ở Hà Nội”. Trong nghiên cứu này, mẫu sol khí tại Hà Nội từ tháng 2 năm 2017 đến tháng 1 năm 2018 thu được trên phin lọc sợi thủy tinh để phân tích 210Pb bằng hệ phổ kế HPGe. Nồng độ 210Pb hàng tuần nằm trong khoảng từ 0,12 mBq.m-3 đến 2,89 mBq.m-3 với giá trị trung bình 0,92Bq.m-3 và nồng độ 210Pb hàng tháng nằm trong khoảng 0,99 mBq.m-3 đến 9,24 mBq.m-3 với giá trị trung bình 4.01 mBq.m-3. Kết quả cho thấy nồng độ 210Pb trung bình hàng tháng phụ thuộc theo mùa: cao vào mùa đông và thấp vào mùa hè. Mối tương quan giữa nồng độ 210Pb trong sol khí và các thông số khí tượng (nhiệt độ trung bình, lượng mưa và độ ẩm tương đối) đã được khảo sát và hệ số tương quan tương ứng là -0,95, -0,58 và -0,71.
Đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, ThS. Nguyễn Thành Được trình bày chủ đề “Nghiên cứu chế tạo hydrogel từ gelatin cá bằng phương pháp chiếu xạ EB ứng dụng làm vật liệu y sinh”. Trong nghiên cứu này, các vật liệu hydrogel được chế tạo từ gelatin cá bằng cách chiếu xạ các dung dịch gelatin nồng độ khác nhau trên máy gia tốc chùm tia điện tử (EB) tại Viện TARRI, QST, Nhật Bản. Các loại gelatin được chiết xuất từ cá rô Tilapia với khối lượng phân tử khác nhau được hòa tan trong nước cất và dung dịch đệm Photphat (PBS) 1M ở nhiệt độ 30 °C trong khoảng nồng độ cao từ 10 – 50 wt.%, sau đó được chiếu xạ EB trong khoảng liều xạ 10 – 160 kGy. Khả năng chịu nhiệt của gelatin hydrogel được xác định bằng phương pháp phân tích nhiệt vi sai DTA và kết quả cho thấy tính bền nhiệt của nó được cải thiện đáng kể. Hàm lượng gel của gelatin chiết xuất từ cá tại nồng độ tối ưu 30 % wt tăng theo liều xạ và đạt giá trị 80 % tại liều xạ 100 kGy. Modul đàn hồi của gel gelatin đạt giá trị từ 100 đến 500 KPa trong khoảng liều 20 – 100 kGy tại nồng độ 30 % wt, điều kiện phù hợp sử dụng làm vật liệu y sinh.
Tại Phiên họp ở các tiểu ban. Tiểu ban A bao gồm các lĩnh vực: Năng lượng và An toàn hạt nhân; Vật lý hạt nhân; Ghi đo bức xạ; Kỹ thuật gia tốc và Vật liệu hạt nhân đã nghe 19 báo cáo trình bày Oral và 07 báo cáo trình bày Poster. Tiểu ban B với lĩnh vực: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế xã hội có tổng số 33 báo cáo, trong đó có 19 báo cáo oral và 14 báo cáo Poster.
Báo cáo viên trình bày báo cáo tại Tiểu ban A
Báo cáo viên trình bày báo cáo tại Tiểu ban B
Tại Phiên bế mạc Hội nghị, Trưởng Tiểu ban A, PGS. TS. Phạm Đức Khuê, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân và Trưởng Tiểu ban B, TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã tổng kết các phiên làm việc tại các tiểu ban và nhận xét: Hội nghị năm nay, phần lớn các báo cáo đều đạt chất lượng khá, nhiều báo cáo đã tập trung vào các nội dung góp phần thúc đẩy ứng dụng trong phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định về vai trò quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trong ngành NLNT, như: So sánh và đánh giá kế hoạch xạ phẫu khối u trong não trên máy cyberknife và truebeam STX; Thiết kế kênh chiếu xạ phục vụ nghiên cứu pha tạp đơn tính thể silic trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; Tính toán các hiệu ứng tự che chắn, tán xạ nhiều lần và bắt bức xạ lên tiết diện neutron bằng chương trình mô phỏng MCNP; Dự đoán trạng thái nhiên liệu trong điều kiện vận hành ổn định của lò phản ứng hạt nhân AP-1000 bằng phần mềm mô phỏng FRAPCON…
Sau 02 ngày làm việc nghiêm túc và khoa khọc, Hội nghị KH&CNHN cán bộ trẻ ngành NLNT lần thứ 5 đã thành công tốt đẹp, 17 báo cáo viên xuất sắc đã được lựa chọn và trao giải, trong đó có 04 giải A, 05 giải B và 08 giải C.
Nguồn: http://vinatom.gov.vn/