VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Dương Thanh Tùng
  • Lượt xem: 108

     Sáng ngày 05/9/2018, tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã diễn ra hội thảo về công nghệ lò nước sôi thế hệ 10: BWRX-300 do ông Hoàng Xuân Hòa, chuyên gia đến từ công ty GE – Hitachi Nuclear Energy trình bày. Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN, đại diện Lãnh đạo Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học, Ban Hợp tác quốc tế, Văn phòng, các cán bộ nghiên cứu, chuyên gia đến từ các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN và  khách mời đến từ các cơ quan hữu quan.

Nội dung của buổi hội thảo tập trung vào 2 vấn đề:

– Thiết kế kỹ thuật của lò nước sôi thế hệ 10: BWRX-300;
– Tình hình điện hạt nhân Hoa Kỳ.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

 

     Lò nước sôi thế hệ 10: BWRX-300 được giới thiệu là một loại lò phản ứng kích cỡ nhỏ có công suất 300 MWe, được cải tiến từ các công nghệ  đã được kiểm chứng với thiết kế ngày càng đơn giản, loại trừ sự cố mất chất tải nhiệt (LOCA) vốn là nguyên nhân dẫn đến các tai nạn nghiêm trọng của lò phản ứng. Chi phí đầu tư cho lò BWRX-300 thấp, tổng chi phí xây dựng khoảng 1 tỉ USD, với giá thành khoảng 35 USD/MWh, phù hợp về tài chính đối với các quốc gia bắt đầu phát triển điện hạt nhân.

 

Sơ đồ thiết kế lò BWRX-300

     Công ty GE-Hitachi Hòa Kỳ hiện đang tiến hành các công việc liên quan đến nghiên cứu phát triển thiết kế lò phản ứng này và xin cơ quan pháp quy Hoa Kỳ cấp phép. Dự kiến tổ máy đầu tiên sử dụng lò BWRX-300 sẽ được xây dựng trước năm 2029.

 

Ông Hoàng Xuân Hòa, công ty GE – Hitachi Nuclear Energy trình bày tại hội thảo

 

     Giới thiệu tổng quan về ngành công nghệ hạt nhân của Hoa Kỳ, Ông Hòa cho biết: Hiện nay Hoa Kỳ có 99 nhà máy điện hạt nhân được vận hành (34 lò nước sôi, 65 lò áp lực), xây dựng từ năm 1967-1990,  nhưng 5 năm gần đây do một số lý do về kinh tế, chủ yếu là sự cạnh tranh với các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió do trợ giá của chính phủ), giá dầu mỏ giữ ở mức thấp và ảnh hưởng của tai nạn Fukushima ở Nhật Bản đã khiến cho ngành công nghệ hạt nhân của Hoa Kỳ gặp những khó khăn nhất định, dẫn đến 16 nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa chủ yếu về lý do kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại đã có những thông tin lạc quan đến với ngành công nghệ hạt nhân của Hoa Kỳ. Một số nhà máy mới đã được cấp phép xây dựng và một số nhà máy đang hoạt động thì được gia hạn thời gian vận hành từ 60 đến 80 năm. Hiện nay, các công ty vận hành đang đưa ra chiến lược Delivering the Nuclear Promise (DNP) để áp dụng những hình thức, chiến lược vận hành nhằm giảm giá thành điện hạt nhân và Tổng thống Donald Trump đang triển khai chủ trương nghiên cứu và áp dụng các luật hỗ trợ điện hạt nhân trong tương lai nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho nước Mỹ.

     Đại diện Công ty GE-Hitachi Hoa Kỳ đã giới thiệu tổng quan kỹ thuật về công nghệ lò nước sôi thế hệ 10 (BWRX-300) và cung cấp những thông  tin mới nhất về tình trạng ngành điện hạt nhân Hoa Kỳ hiện nay. Các vấn đề liên quan đến an toàn, thiết kế, chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, xử lý chất thải phóng xạ, những ưu thế và hạn chế của lò BWRX-300 so với các loại lò khác là những vấn đề được các cán bộ nghiên cứu, các chuyên gia quan tâm và sôi nổi thảo luận tại Hội thảo.

 

Nguyễn Thị Thu Hà