Hội thảo này được tổ chức tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân trong vòng 3 ngày, từ 11 đến 13 tháng 3 năm 2025 tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân với chủ đề “Đo đạc dòng chảy sử dụng Kỹ thuật đo sử dụng sóng siêu âm và Hệ thống đo biểu đồ vận tốc siêu âm“. Hội thảo được tổ chức với sự hợp tác giữa Viện Công nghệ Khoa học Tokyo và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Tham dự Hội thảo có 6 Giáo sư đến từ Nhật Bản, Thái Lan và 5 sinh viên người Nhật Bản và 01 sinh viên Trung Quốc tham gia hội thảo. Về phía Việt Nam, có sự tham gia của các đồng nghiệp từ các đơn vị trong Viện Năng lượng nguyên từ Việt Nam và các sinh viên của Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội. Hội thảo gồm 10 báo cáo của sinh viên và 02 Bài giảng chính. Cùng với đó là các chuyến tham quan phòng thí nghiệm tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân.

Ảnh chụp lưu niệm các đại biểu tham dự Hội thảo.
Đại diện cho đơn vị đăng cai tổ chức và thay mặt Lãnh đạo Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Tiến sĩ Dương Thanh Tùng, Trưởng Phòng, Phòng Đào tạo, Nghiên cứu và Triển khai đã phát biểu khai mạc Hội thảo. Ông rất vinh dự và vui mừng được đón chào tất cả các diễn giả và khách mời tham dự “Hội thảo Châu Á lần thứ nhất về Kỹ thuật đo vận tốc sử dụng Sóng siêu âm và Hệ thống đo Biểu đồ vận tốc siêu âm (UVP)”. Ông tin rằng đây là cơ hội các chuyên gia, nhà nghiên cứu và chuyên gia Châu Á thảo luận về những tiến bộ và ứng dụng mới nhất của các kỹ thuật đo vận tốc dòng chảy dựa trên kỹ thuật sóng siêu âm. Tiến sĩ Tùng cũng mong muốn rằng Hội thảo này đóng vai trò là nền tảng để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy sự hợp tác sẽ thúc đẩy sự đổi mới hơn nữa trong lĩnh vực này. Cuối cùng ông cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các diễn giả, tất cả những người tham gia, tới Giáo sư Kikura cũng như các nhân viên và các cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã hỗ trợ hết mình để Hội thảo này có thể diễn ra.

Ảnh Tiến sĩ Dương Thanh Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Đại diện cho các chuyên gia phía Nhật, Giáo sư Kikura, Viện Công nghệ Khoa học Tokyo, đã có bài phát biểu khai mạc hội thảo. Trước hết ông nêu về lịch sử phát triển của của kỹ thuật đo bằng sóng siêu âm cũng như lý do thành lập Hội thảo UVP này. Ông rất kỳ vọng các sinh viên, các bạn trẻ, sẽ có nhiều thảo luận quý báu, trao đổi nhiều thông tin, thông qua Hội thảo này. Và cuối cùng ông cũng gửi lời cảm ơn các đồng nghiệp Việt Nam và đơn vị tổ chức đã tích cực chuẩn bị để tổ chức hội thảo này có thể diễn ra đúng theo dự kiến.

Ảnh Giáo sư KIKURA, Viện Công nghệ Khoa học Tokyo phát biểu khai mạc Hội thảo.
Mở đầu Hội thảo, Tiến sĩ Wongsaroj đến từ Đại Học Kingmongkut Thái Lan, tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện Công nghệ Khoa học Tokyo, đã trình bày về bài giảng chính với tiêu đề “Sóng siêu âm và Học máy sử dụng trong đo vận tốc dòng chất lỏng”. Trong bài trình bày, ông đã giới thiệu về kỹ thuật UVP, và ứng dụng học máy trong kỹ thuật này đối với việc phân loại và xây dựng chế độ dòng chảy.
Tiếp theo bài giảng chính của TS. Wongsaroj, Hội thảo tập trung vào các nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đo vận tốc bằng sóng siêu âm (UVP) trong dòng chảy đơn pha và đa pha, với sự tham gia của nhiều sinh viên, nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam.
- Bài giảng chính (Keynote Lecture)
- Tiến sĩ Shoji (Viện Công nghệ Muroran) trình bày bài giảng chính với chủ đề “Phát triển hệ thống thu nhận phản hồi quang và ứng dụng ảnh độ phân giải cao/diện tích rộng”.
- Trình bày các cải tiến hệ thống UVP để tăng diện tích vùng đo, thông qua bố trí đầu đo theo dạng hình bán cầu thay vì song song truyền thống.
- Kết hợp ảnh quang học độ phân giải cao với kỹ thuật UVP, mở ra khả năng quan sát dòng chảy ở quy mô lớn và chi tiết hơn.
- Gợi mở các hướng phát triển thiết bị đo đa mục tiêu, phục vụ nghiên cứu và giám sát trong công nghiệp.
- Phát triển và tối ưu hóa kỹ thuật UVP
- Nghiên cứu góc đo tối ưu trong vật liệu thép, xác định góc tốt nhất khoảng 16°.
- Mở rộng khả năng đo đến 700 mm, hướng tới các ứng dụng thực tế có quy mô lớn.
- Phát triển hệ đo tích hợp UVP với công nghệ thực tế tăng cường (AR) để trực quan hóa phân bố vận tốc.
- Ứng dụng trong dòng chảy nhiều pha và điều kiện đặc biệt
- Đo vận tốc dòng ba pha rắn-khí-lỏng, tận dụng sự khác biệt tín hiệu để tách các pha.
- Đo mực nước bằng siêu âm gián tiếp trong điều kiện tai nạn hạt nhân nghiêm trọng, với nguyên lý phản xạ sóng tại ranh giới khí–nước.
- Khảo sát khả năng đo trong môi trường nhiệt độ cao (>1000°C), sử dụng ống dẫn sóng và vật liệu chịu nhiệt.
- Kết hợp UVP với mô phỏng và AI
- So sánh kết quả đo UVP với mô phỏng CFD, thể hiện sự phù hợp về cấu trúc dòng và dao động.
- Áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để xử lý dữ liệu đo vận tốc nâng của bọt khí, hỗ trợ phân tích nhanh và chính xác.
- Ứng dụng UVP trong nghiên cứu an toàn hạt nhân, an toàn thủy nhiệt tại Việt Nam
- Ứng dụng kỹ thuật UVP để đo đối lưu tự nhiên trong bó thanh gia nhiệt, kết hợp với mô phỏng CFD để phân tích dòng chảy.
- Kết hợp UVP và trí tuệ nhân tạo để xác định vận tốc nâng của bọt khí trong kênh dòng vuông.
- Triển khai hệ thực nghiệm mô phỏng dòng trộn trong lò phản ứng PWR với hai vòng tuần hoàn, sử dụng UVP để đánh giá đặc điểm dòng trong điều kiện hình học phức tạp.
Cuối cùng là phiên bế mạc hội thảo. Qua ba ngày hội thảo, có 03 báo cáo viên được trao giải báo cáo xuất sắc gồm 02 sinh viên Nhật Bản và 01 sinh viên Việt Nam.
![]() |
![]() |
![]() |
Ảnh chụp các sinh viên nhận giải Báo cáo xuất sắc.
Phát biểu tại phiên bế mạc, giáo sư Kikura nhận mạnh rằng Hội thảo đã thành công tốt đẹp với nhiều kiến thức được chia sẻ, nhiều ý kiến trao đổi và cả sự giao lưu rất ý nghĩa của sinh viên các nước. Ông cũng rất cảm ơn các đồng nghiệp Nhật Bản cũng như Việt Nam đã tích cực tham gia để có được thành công của Hội thảo hôm nay. Ông cũng nhấn mạnh rằng sẻ tổ chức hội thảo lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 3 năm 2026 với quy mô và số lượng báo cáo nhiều hơn.
Trần Thanh Trầm, Phòng ĐT,NC&TK