VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Trần Trầm
  • Lượt xem: 249

Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản về Nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân (Diễn đàn Việt – Nhật) đã trở thành một hoạt động giao lưu, trao đổi và hợp tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân thường niên giữa Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu từ năm 2010 đến nay, với sự phối hợp tổ chức bởi Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) và Công ty Phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản (JINED) và Trung tâm Thông tin và Văn hóa quốc tế Nhật Bản (JICC). Tính đến nay đã có mười ba kỳ Diễn đàn được tổ chức thành công với các chủ đề khác nhau. Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 13 được tổ chức trong hai ngày 14-15/12/2023 tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân với chủ đề “Máy gia tốc, Trí tuệ nhân tạo và Học máy” gồm 19 báo cáo. Trong đó, phía Nhật bản trình bày 11 báo cáo, phía Việt Nam có 8 báo cáo. Diễn đàn lần này đề cập đến những vấn đề mới về ứng dụng máy gia tốc, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy vào ngành hạt nhân nói riêng cũng như vào thực tiễn cuộc sống tại Nhật Bản và Việt Nam nói chung. Thành công của Diễn đàn lần này khẳng định hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược, bền vững lâu dài và ổn định trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân giữa Việt Nam và Nhật Bản và mới đây đã được chính phủ hai bên được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Tới tham dự Diễn đàn về phía Việt Nam có Lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN; các báo cáo viên của cá đơn vị trực thuộc Viện và khách mời đến từ Viện  Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Đại học Bách Khoa, Đại học Phenikaa, cùng với các khách mời đến từ các trường đại học như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Điện lực; Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân; Cục Năng lượng nguyên tử; và các cán bộ nghiên cứu của Viện NLNTVN. Chủ đề của Diễn đàn liên quan đến Máy gia tốc, Trí tuệ nhân tạo và Học máy với tổng số khoảng 50 chuyên gia Việt Nam và 20 chuyên gia Nhật Bản, ngoài ra còn có sự tham gia của các khách mời là sinh viên theo học ngành công nghệ, kỹ thuật hạt nhân của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội.  Phía Nhật Bản có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Nhật Bản; đại diện của JINED; các đại biểu và báo cáo viên tới từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, Học viện Công nghệ Tokyo, Trung tâm hợp tác quốc tế (JICC), Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Nhật Bản, các tập đoàn như Toshiba, Hitachi, và Mitsubishi.

Ảnh lưu niệm của các đại biểu tham dự Diễn đàn Việt-Nhật lần thứ 13

Phát biểu tại Phiên Khai mạc, Ông Nobuta – Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam – phụ trách về vấn đề hợp tác hạt nhân giữa Nhật Bản và Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam. Năm 2023 là năm đặc biệt đối với Việt Nam và Nhật Bản, năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ Việt Nam và Nhật Bản với 50 năm lịch sử đang ở giai đoạn tốt nhất trên tất cả mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá…..Tháng 9 vừa qua, Hoàng Thái Tử Akishinomiya và Công nương đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng trước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Chủ tịch nước đã có buổi hội kiến với Nhà vua và Hoàng hậu, hội đàm với Thủ tướng Kishida. Tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước và Thủ tướng Nhật Bản, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hiện nay lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Năm 2016, Việt Nam đã quyết định dừng Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, Ông nhấn mạnh rằng để tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn, cũng như đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, mặc dù trong Quy hoạch điện 8 không đề cập chi tiết nhưng điện hạt nhân như một nguồn điện ổn định ngày càng được quan tâm hơn.

Có thể nói rằng, kỳ vọng đối với điện hạt nhân trên thế giới ngày càng gia tăng. Nhật Bản mong muốn được hỗ trợ Việt nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng trên cơ sở Sáng kiến về Cộng đồng phát thải bằng 0 Châu Á (AZEC). Ông hy vọng thông qua Hội thảo ngày hôm nay, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực điện hạt nhân sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Cuối cùng, ông gửi lời chúc sức khỏe tới các đại biểu tham dự và chúc cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển.

Ông Nobuta, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, phát biểu tại Phiên Khai mạc.

Đại diện cho phía Việt Nam, TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện NLNTVN, đã chào mừng toàn thể các đại biểu tới tham dự Diễn đàn Việt – Nhật lần thứ 13. Ông nhấn mạnh rằng Diễn đàn là một trong các sự kiện lớn và quan trọng của Viện NLNTVN trong việc duy trì và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân trong nhiều năm qua, đã đạt được nhiều thành tựu và trở thành một lĩnh vực quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Qua Diễn đàn lần này với chủ đề “Máy gia tốc, Trí tuệ nhân tạo và Học máy”, ông hy vọng rằng các diễn giả và các khách mời sẽ có nhiều thảo luận sôi nổi, bổ ích và đề xuất được các hợp tác trong lĩnh vực liên quan đến chủ đề năm nay. Ngoài ra ông cũng muốn gửi lời cảm ơn các đồng nghiệp Nhật Bản đã thường xuyên hỗ trợ VINATOM và hy vọng sẽ hợp tác hiệu quả hơn nữa với Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân trong thời gian tới. Kết thúc bài phát biểu, TS. Trần Chí Thành gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đã tới tham dự Diễn đàn và chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp.

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN, phát biểu tại Phiên Khai mạc.

Đại diện cho phía Nhật Bản, Giáo sư Masaki Saito bày tỏ sự vui mừng khi được tham dự trực tiếp Diễn đàn lần này cũng như được gặp lại các đồng nghiệp Việt Nam sau nhiều lần diễn đàn trước phải họp trực tuyến. Trước hết, ông hy vọng Diễn đàn Nghiên cứu & Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 13 sẽ là một Diễn đàn hiệu quả và bổ ích. Ông Saito đã đề cập đến xu thế thay đổi của công nghệ và kỹ thuật hạt nhân, từ các lò phản ứng thương mại cho đến các loại lò vừa và nhỏ trên thế giới nhằm đáng ứng các nhu cầu giảm thiểu khí thải nhà kính “không phát thải khí carbon”. Với các cam kết đưa thải ròng bằng 0, các quốc gia cùng chí hướng, trong đó có Nhật Bản đã tuyên bố “mở rộng gấp ba nhà máy điện hạt nhân vào năm 2050” tại COP28. Ông cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động nghiên cứu về các loại lò hạt nhân vừa và nhỏ cũng đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Ông cũng chia sẽ thêm một số về Mạng lưới đào tạo trực tuyến ở Nhật Bản (TV-Network) và Châu Á (ANEN) và hy vọng rằng VINATOM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tham gia vào hệ thống này. Cuối cùng, ông gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả mọi người tại VINATOM, JICC và JINED vì đã làm việc chăm chỉ trong việc chuẩn bị cho diễn đàn này và chúc diễn đàn lần này thành công tốt đẹp.

GS. Masaki Saito phát biểu tại Phiên Khai mạc.

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn được chia làm ba phiên với tổng số 19 bài báo cáo, trong đó 8 bài của đại biểu Việt Nam và 11 bài của đại biểu Nhật Bản với hai chủ đề chính là “Các vấn đề nóng ở Việt Nam và Nhật Bản”, “Trí tuệ nhân tạo và Học máy”, và “Máy gia tốc”.

Phiên họp buổi sáng ngày 14/12/2023 có 07 báo cáo của các báo cáo viên đến từ Nhật Bản và Việt Nam theo chủ đề “Các vấn đề nóng ở Việt Nam và Nhật Bản”.

Mở đầu phiên họp đầu tiên, TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng Viện NLNTVN, đã trình bày về “Tình hình nghiên cứu triển khai tại VINATOM và tình hình hợp tác với Nhật Bản”. Ông nhấn mạnh rằng VINATOM có một bề dày lịch sử phát triển gần 50 năm với 9 chi nhánh và khoảng 800 nhân viên. Tỉ lệ công bố quốc tế tăng lên rõ rệt theo từng năm. Hiện tại, VINATOM đang tập trung vào dự án trọng điểm Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân (CNST) mà trung tâm là lò nghiên cứu mới đa mục tiêu. Việt Nam đã có nhiều mối quan hệ đào tạo hợp tác quốc tế với các cơ quan tổ chức quốc tế (IAEA, RCA, ROSATOM, JAEA, JINR, KAERI,…) và các nước trong khu vực và trên thế giới. Với Nhật Bản, Việt Nam đã có trên 30 năm hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Có thể kể đến hợp tác với Nhật Bản trong việc chuẩn bị cho nhà máy điện đầu tiên (1996-2016), phối kết hợp tổ chức Diễn đàn Việt-Nhật thường niên bắt đầu từ 2013 (đến nay là Diễn đàn lần thứ 13), các hợp tác khác liên quan đến Viện Công nghệ Tokyo (TIT), chương trình đào tạo chuyên sâu (ITP) và nhiều chương trình đào tạo khác với các trường đại học của Nhật Bản. Trong khuôn khổ diễn đàn này, VINATOM cũng đang mong muốn sẽ mở rộng hợp tác với các Viện RIKEN, JAEA. Liên quan đến việc xây dựng Đề án Máy gia tốc lớn ở Hà Nội hay Thiết kế và sản xuất chùm tia điện tử (EB) dùng cho chiếu xạ, chắc chắn Việt Nam cần nhiều hợp tác hơn với Nhật Bản trong các lĩnh vực này, ông nhấn mạnh. 

Tiếp đó, Giáo sư Masaki Saito đến từ Viện Công nghệ Tokyo trình bày về “Hiện trạng chu trình nhiên liệu hạt nhân ở Nhật Bản”. Báo cáo trình bày hiện trạng của các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, hiện trạng chu trình nhiên liệu, nhiên liệu đã qua sử dụng, cũng như tình trạng và việc sử dụng Uranium tái chế ở Nhật Bản. Có thể nhận thấy rằng với cam kết giảm thải ròng về 0 vào năm 2050, Nhật Bản đang quay lại với việc khai thác và sử dụng hiệu quả hơn các nhà máy điện hạt nhân hiện có, đề xuất và triển khai thêm nhiều tổ máy điện hạt nhân mới cũng như việc tái chế và cất giữ nhiên liệu đã sử dụng là những vấn đề được Nhật Bản rất quan tâm hiện nay.

Tiếp đó, ông Tomoaki Shirakawa đến từ JINED trình bày chi tiết hơn về “Tình hình Điện hạt nhân Nhật Bản hiện tại”. Báo cáo trình bày hiện trạng của các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, an ninh sau sự cố Fukushima, cũng như các hiện trạng của nhà máy điện hạt nhân Daiichi cũng như các yếu tố quan trọng để hồi sinh lại Fukushima như tẩy xạ, xử lý nước thải, tháo dỡ nhiên liệu hạt nhân và thu gom mảnh nhiên liệu vụn. Để đạt được mục tiêu cam kết giảm thải ròng về 0 vào năm 2050, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra định hướng chính sách năng lượng hạt nhân năm 2023 với các yếu tố: sử dụng hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân hiện có, tận dụng tối đa các nhà lò hạt nhân hiện có, phát triển và xây dựng các thế hệ lò cải tiến tiếp theo và tăng tốc các quy trình phụ trợ (back-end processes).

Cũng trong chủ đề này, Ông Keisuke Yamaguchi đã trình bày về “Chính sách cơ bản của Nhật Bản về chuyển đổi xanh” trong đó khẳng định một trong những chính sách đó là việc sử dụng và khai thác với hiệu quả tối đa các nhà máy điện hạt nhân hiện có. Đồng thời đề xuất các giải pháp để tăng cường tuổi thọ nhà máy điện hạt nhân từ 40 lên 60 năm (nếu các nhà máy này được Cục An toàn thông qua đánh giá an toàn).

Phiên họp thứ 2 vào buổi chiều cùng ngày tập trung vào chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và Học máy” với 07 báo cáo trong đó có tới 05 báo cáo từ các chuyên gia Việt Nam. Đây là các báo cáo về việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo và Học máy vào trong hạt nhân và y học. Đó là việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào trong việc nhận dạng và xác định các đồng vị, ứng dụng Học máy vào phương pháp bảo trì các thùng chứa thải cũ, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào y học hạt nhân để hỗ trợ việc chuẩn đoán và điều trị bệnh tại Bệnh viện quân đội trung ương 108, ứng dụng học máy vào tối ưu trong quản lý nhiên liệu hạt nhân, hay ứng dụng Học máy vào trong việc tính toán thủy nhiệt. Có thể thấy từ các báo cáo này rằng ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo và Học máy là rất đa dạng và có rất nhiều triễn vọng trong ngành hạt nhân nói riêng và trong thực tế cuộc sống nói chung.  

Phiên họp thứ 3 diễn ra vào sáng ngày 15 tháng 12 năm 2023 với chủ đề về “Máy gia tốc” với 06 báo cáo trong đó có 04 báo cáo từ các chuyên gia Nhật Bản. Đây là một chủ đề rất được quan tâm hiện nay ở trên thế giới và Việt Nam. Các báo cáo của các diễn giả Nhật Bản tập trung vào giới thiệu các máy gia tốc hiện có ở Nhật Bản như J-PACK, RIKEN, TAMDEM, vv. Có thể thấy rằng máy gia tốc ở Nhật Bản được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như vật lý hạt, khoa học vật liệu, khoa học đời sống, y học hạt nhân và ứng dụng công nghiệp với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Ở Việt Nam, trong báo cáo “Hiện trạng và tiềm năng của chiếu xạ tia X trên quy mô công nghiệp ở Việt Nam”, ông Cao Văn Chung đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ đề cập rằng chiếu xạ sử dụng máy gia tốc đã được sử dụng trong công nghiệp (7-8 cơ sở) với tổng sản lượng chiếu 60-70 % sản phẩm được chiếu xạ. Ứng dụng chính của chiếu xạ máy gia tốc là trong chiếu xạ thực phẩm, dược phẩm, gia vị và xử lý hoa quả, dược phẩm để xuất khẩu. Ông cũng đề cập rằng mặc dù nhu cầu chiếu xạ máy gia tốc đang ngày một tăng cao ở Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức trong việc sử dụng chiếu xạ máy gia tốc này ở Việt Nam như một số cơ sở chiếu xạ chưa đáp ứng được các chuẩn quốc tế (EU, USDA, vv.), các cơ sở đều chưa có nhiều kinh nghiệm, lại yêu cầu nhân lực với nhiều kỹ năng và kinh nghiệm trong chiếu xạ, vv. Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Xuân Chung, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, đã trình bày về “Đề xuất xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Máy gia tốc hạt (PACRA)” trong đó nêu tổng quan về một số máy gia tốc trên thế giới (như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ru-ma-ni), và một số máy gia tốc đang được sử dụng ở Việt Nam (Máy gia tốc Pelletron, (Đại học Tự nhiên Hà Nội, 3.4-5.1 MeV), máy gia tốc vòng (Bệnh viện 108, 34 MeV; Trung tâm chiếu xạ Hà Nôi, 13 MeV), trên 100 thiết bị chiếu xạ dùng trong y tế tại các bện viện lớn, 6 máy gia tốc vòng nhỏ dùng để sản xuất đồng vị phóng xạ. Với nhu cầu tăng cao và tính ứng dụng đa lĩnh vực của máy gia tốc, ông Chung cũng giờ thiệu về dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Máy gia tốc hạt (PACRA) đa ứng dụng trong vật lý hạt nhân, dữ liệu hạt nhân, vật lý bức xạ, sinh học phóng xạ, xạ trị proton và ion nặng, sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích nguyên tố, và trong phát triển nguồn nhân lực, vv. Ông tin rằng các chuyên gia Nhật Bản, với bề dày kinh nghiệm của mình, sẽ hỗ trợ giúp Việt Nam trong việc xây dựng Trung tâm này.

Kết thúc ba buổi làm việc tập trung hiệu quả, tại Phiên Bế mạc Diễn đàn TS. Trần Chí Thành, đại diện phía Việt Nam, tổng kết lại rằng Diễn đàn này diễn ra trong ba phiên với nhiều thông tin bổ ích, trao đổi tích cực về các chủ để đã được trình bày. Ông nhấn mạnh rằng Diễn đàn là một hoạt động ý nghĩa cho các đồng nghiệp Việt Nam để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm cũng như cập nhật các công nghệ mới ở Nhật Bản cũng như trên thế giới. Thay mặt VINATOM, các đồng nghiệp Việt Nam, ông xin chân thành cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản, tổ chức JINED, và các đồng nghiệp Nhật Bản, cũng như Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã tổ chức thành công Diễn đàn này. Cuối cùng, TS. Trần Chí Thành gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe tới toàn thể hội nghị, các đại biểu các chuyên gia từ Việt Nam và Nhật Bản.

Cũng tại Phiên Bế mạc Diễn đàn, GS. Masaki Saito đã xúc động kể lại quá trình và cơ duyên để thành lập Diễn đàn Việt-Nhật này từ những cuộc gặp đầu tiên với cựu Thứ trưởng Lê Đình Tiến, tìm các nhà tài trợ, vv. Ông rất hạnh phúc và xúc động khi đây đã là lần thứ 13 liên tiếp Diễn đàn này đã được tổ chức. Tổng kết lại, ông tin rằng Diễn đàn lần này đã diễn ra tốt đẹp trong ba phiên với 19 báo cáo, trong đó có 8 báo cáo từ phía Việt Nam và 11 bài báo cáo từ phía Nhật Bản. Diễn đàn đã diễn ra thành công, bổ ích và có nhiều thông tin đối với cả hai phía. Cuối cùng GS. Saito chúc mừng Diễn đàn thành công tốt đẹp và gửi lời cảm ơn tới TS. Trần Chí Thành, các báo cáo viên, các đại biểu và đặc biệt là nhóm tổ chức đã đóng góp vào thành công chung của Diễn đàn.

Trần Thanh Trầm, Trung tâm Đào tạo hạt nhân