VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Nguyễn Thúy Hằng
  • Lượt xem: 116

     Sáng ngày 04 tháng 9 năm 2019 tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) đã tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ Vật lý cho nghiên cứu sinh Phạm Kim Long, chuyên ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân (mã số 9.44.01.06), với đề tài luận án: “Nghiên cứu và ứng dụng chương trình Flexpart trong đánh giá phát tán phóng xạ tầm xa”. Luận án được thực hiện với sự hướng dẫn của GS.TS. Phạm Duy Hiển và TS. Nguyễn Hào Quang

     Đến tham dự Lễ bảo vệ có bà Trần Thanh Hà, Chánh Văn phòng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; TS. Trinh Anh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân; TS. Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội; cùng cácđồng nghiệp, bạn bè và người thân của nghiên cứu sinh.

     Dưới sự chủ trì của GS.TS. Đào Tiến Khoa, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh (NCS) Phạm Kim Long trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và những nỗ lực của NCS Phạm Kim Long trong thời gian qua.

NCS Phạm Kim Long trình bày tóm tắt luận án

     Trong 30 phút trình bày tóm tắt luận án, NCS Phạm Kim Long đã trình bày một cách hệ thống, logic và khoa học những kết quả nghiên cứu của mình. Theo đánh giá của các thầy phản biện là GS.TS. Trần Đức Thiệp và GS.TS. Lê Hồng Khiêm, cùng các thầy trong Hội đồng thì luận án là một công trình khoa học nghiêm túc, các kết quả thu được là mới, phong phú, mang giá trị khoa học. Các thầy cũng cho biết ngày nay công nghệ nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đã có những tiến bộ vượt bậc trong an toàn vận hành, tuy nhiên không thể khẳng định là an toàn tuyệt đối. Ảnh hưởng của các tai nạn NMĐHN là rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của con người. Trong bối cảnh, Trung Quốc đã xây dựng  nhiều NMĐHN gần với lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp NMĐHN của Trung Quốc xảy ra tai nạn thì Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp. Vì vậy, chúng ta phải chủ động có các biện pháp và kịch bản để ứng phó khi xảy ra sự cố ở NMĐHN của Trung Quốc. Bài toán về đánh giá phát tán phóng xạ là bài toán phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học.  Các kết quả có tính khoa học và thực tiễn của đề tài bao gồm:

     – Đã xây dựng được phương pháp đánh giá phát tán phóng xạ tầm xa ứng dụng chương trình FLEXPART. Trong đó tập trung giải quyết bài toán về vận chuyển và phát tán hạt trên hệ máy tính hiệu năng cao PARAM-HUST của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong chương trình tính toán đã sử dụng các dữ liệu khí tượng CFSv2 làm dữ liệu đầu vào; đã sử dụng các phương pháp thống kê để đánh giá sự phù hợp giữa kết quả mô phỏng và quan trắc. Phương pháp tính toán sau khi xây dựng đã được kiểm chứng đối với trường hợp tai nạn Fukusima.

     – Đã nghiên cứu quá trình vận chuyển của các nhân phóng xạ trong khí quyển, cụ thể là 131I và 137Cs từ Fukushima đến Đông Nam Á bằng phương pháp đã được xây dựng. Trong đó đã thiết kế mô phỏng và nghiên cứu sự vận chuyển khí quyển của các chất phóng xạ phát tán từ Fukushima đến Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Các nghiên cứu đã dẫn đến những kết luận rất lý thú và đáng quan tâm về quá trình vận chuyển của các nhân phóng xạ trong điều kiện khí tượng của các khu vực nói trên. Đồng thời cũng cho thấy được việc nghiên cứu này là rất cần thiết. Mặt khác các kết quả thu được trong luận án đã được công bố trong 04 bài báo tại các Tạp chí khoa học trong nước và 01 báo cáo tại Hội nghị khoa học chuyên ngành quốc tế.

     – Ứng dụng chương trình FLEXPART vào việc đánh giá ảnh hưởng của phát tán phóng xạ từ NMĐHN Cảng Phòng Thành, Trung Quốc đến Việt Nam. Nhà máy này cách Việt Nam biên giới Việt Nam khoảng 50 km. Đây là một nghiên cứu giả định sự cố hạt nhân xảy ra với kịch bản là phát tán phóng xạ từ NMĐHN Cảng Phòng Thành đến Việt Nam vào thời điểm gió mùa Đông Bắc tháng 1 năm 2018 tràn về theo mô hình khí tượng CFSv2. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy các khả năng ảnh hưởng của phóng xạ là theo chu kỳ của các đợt gió mùa Đông Bắc tràn vào nước ta.

GS.TS. Phạm Duy Hiển phát biểu tại buổi lễ bảo vệ

     GS.TS. Phạm Duy Hiển, đại diện cho tập thể giáo viên hướng dẫn khoa học của NCS đã có nhận xét rất sâu sắc, mô tả những khó khăn và nỗ lực mà nghiên cứu sinh đã vượt qua. Ông cũng cho biết luận án đã chỉ ra các cơ chế dẫn dắt phóng xạ Fukushia đến vùng Đông Nam Á chính là gió mùa Đông Bắc thuộc hoàn lưu xoáy nghịch của cao áp Siberia-Mongolia hai lần dịch chuyển về phía Nhật Bản. Kết luận này có ý nghĩa rất quan trọng giúp nghiên cứu phát tán phóng xạ từ các NMĐHN của Trung Quốc đến Việt Nam, vì các nhà máy này nằm trong vùng thượng nguồn của gió mùa Đông Bắc thịnh hành về mùa đông. Những nghiên cứu này đã cho thấy các quỹ đạo phát tán phóng xạ đến Việt Nam, liều bức xạ đến mức nào, điều kiện khí tượng tương ứng, từ đó hỗ trợ công tác dự báo và giúp tổ chức hệ thống quan trắc hữu hiệu.

Tập thể GVHD chúc mừng nghiên cứu sinh

     Sau hơn ba giờ làm việc nghiêm túc với những nhận xét và câu hỏi của Hội đồng, NCS Phạm Kim Long đã trả lời thuyết phục từng vấn đề và đã hoàn thành xuất sắc buổi bảo vệ luận án của mình.Hội đồng đồng ý bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả đạt được 6/6 phiếu và đề nghị Viện NLNTVN cho phép NCS Phạm Kim Long đạt học vị tiến sĩ.

Các thành viên Hội đồng chức mừng NCS Phạm Kim Long

     Trong niềm vui và xúc động, NCS Phạm Kim Long trân trọng cảm ơn các thành viên của Hội đồng chấm luận án đã góp ý, chỉ bảo để NCS có thể tiếp tục hoàn thiện hướng nghiên cứu của mình. NCS gửi lời cảm ơn và tri ân sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của tập thể giáo viên hướng dẫn, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình – nơi luôn là hậu phương, là nguồn động viên và cổ vũ lớn lao để NCS có thể bảo vệ thành công luận án và đạt được học vị tiến sĩ như ngày hôm nay.

Nguyễn Thúy Hằng, Phòng Giáo vụ và Đào tạo