VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Đoàn Mạnh Long
  • Lượt xem: 186

     Sáng ngày 28 tháng 6 năm 2019 tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ Hóa học cho nghiên cứu sinh (NCS) Trần Thế Định, chuyên ngành Hóa vô cơ (mã số 62.44.01.13), với đề tài luận án: “Nghiên cứu quá trình Agglomerat hóa quặng Urani và ứng dụng vào việc xử lý quặng Urani vùng Pà Lừa – Pà Rồng bằng phương pháp hóa tách đống” với sự hướng dẫn của cố PGS.TS. Thân Văn Liên và GS.TS. Phạm Văn Thiêm.

     Đến tham dự Lễ bảo vệ có TS. Nguyễn Trọng Hùng – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ xạ Hiếm, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Dung, TS. Cao Đình Thanh và cùng đồng nghiệp, bạn bè và người thân của nghiên cứu sinh.

     Dưới sự chủ trì của GS.TSKH Nguyễn Minh Tuyển, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Trần Thế Định trong suốt quá trình thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá cao những kết quả nghiên cứu học tập và những nỗ lực của NCS trong thời gian qua.

NCS Trần Thế Định trình bày tóm tắt luận án

     Trong 30 phút trình bày tóm tắt luận án, NCS Trần Thế Định đã trình bày một cách hệ thống, logic và khoa học những kết quả nghiên cứu của mình. Theo đánh giá của các phản biện: GS.TS Nguyễn Trọng Uyển, GS.TS. Trần Đại Lâm, TS. Nguyễn Văn Xá và các thầy trong Hội đồng thì luận án là một công trình khoa học nghiêm túc, các kết quả thu được là mới, phong phú, mang giá trị khoa học và có ý nghĩa thực tiễn như:

           – Tác giả đã xác định đưuọc một số thông số vật lý ảnh hưởng đến tốc độ thấm của tác nhân hòa tách vào trong lòng hạt quặng và ảnh hưởng đến tốc độ quá trình hòa tách urani từ quặng cát kết vùng Pà Lừa – Pà Rồng;

          – Đã lựa chọn được các thông số ảnh hưởng đến quá trình agglomerat hóa quặng urani vùng Pà Lừa – Pà Rồng cho từng loại quặng (hiệu suất thu hồi urani, sự phân bố kích thước hạt, độ nén và độ bền của hạt) với tác nhân kết dính là acid sunfuric;

          – Đã lựa chọn được các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hòa tách quặng urani vùng Pà Lừa – Pà Rồng và agglomerat hóa bằng phương pháp hòa tách đống trên quy mô 10kg/mẻ, 500kg/mẻ và 3000kg/mẻ đối với quặng vùng Pà Lừa – Pà Rồng. Ngoài ra, tác giả đã nghiên cứu và tìm được các thông số công nghệ thích hợp cho quá trình hòa tách quặng với chi phí acid thấp, thời gian hòa tách ngắn hơn nhưng vẫn đạt được hiệu suất thu hồi quặng urani trên 85%. Các kết quả thử nghiệm cho thấy, nếu tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, hoàn toàn có triển vọng triển khai công nghệ này vào thực tế chế biến quặng urani vùng Pà Lừa – Pà Rồng.

     Các kết quả thu được trong luận án đã được công bố trong 04 bài báo tại các Tạp chí khoa học trong nước và 01 báo cáo tại Hội nghị khoa học chuyên ngành quốc tế.

GS.TSKH Nguyễn Minh Tuyển công bố kết quả bảo vệ luận án tiến sĩ

     GS.TS. Phạm Văn Thiêm, đại diện cho tập thể giáo viên hướng dẫn khoa học của NCS đã có nhận xét rất sâu sắc, mô tả những khó khăn và nỗ lực mà nghiên cứu sinh đã vượt qua. Ông cũng cho biết nghiên cứu sinh thường xuyên báo cáo, trao đổi với tập thể giáo viên hướng dẫn nhằm đề xuất các hướng nghiên cứu, cập nhật nhiều thông tin trong nước và thế giới, NCS đã vận dụng những phần mềm hiện đại để giải quyết một số vấn đề nghiên cứu và đã thu được những kết quả có tính thuyết phục cao.

     Sau hơn ba giờ làm việc nghiêm túc với những nhận xét và câu hỏi của Hội đồng, NCS Trần Thế Định đã trả lời thuyết phục từng vấn đề và đã hoàn thành xuất sắc buổi bảo vệ luận án của mình.

     Hội đồng đồng ý bỏ phiếu thông qua luận án với kết quả  đạt được 7/7 phiếu và đề nghị Viện NLNTVN cho phép NCS Trần Thế Định đạt học vị tiến sĩ.

Các thành viên Hội đồng chức mừng NCS Trần Thế Định

     Trong niềm vui và xúc động, NCS Trần Thế Định trân trọng cảm ơn các thành viên của Hội đồng chấm luận án đã góp ý, chỉ bảo để NCS có thể tiếp tục hoàn thiện hướng nghiên cứu của mình. NCS Trần Thế Định cũng gửi lời cảm ơn và tri ân sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của tập thể giáo viên hướng dẫn, Lãnh đạo Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, đồng nghiệp, bạn bè và đặc biệt là gia đình – nơi luôn là hậu phương, là nguồn động viên và cổ vũ lớn lao để NCS có thể bảo vệ thành công luận án và đạt được học vị tiến sĩ như ngày hôm nay.

Nguyễn Thúy Hằng – Phòng GV&ĐT