VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 67

     Việt Nam đang trong thời kỳ mở rộng, phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử và hạt nhân vào nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội nhằm xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao chất lượng sống của người dân.

     Mặc dù đây là lĩnh vực không còn quá mới đối với Việt Nam nhưng hiện tại các nguồn lực cần thiết vẫn còn yếu và thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực. Vấn đề nguồn nhân lực là khó khăn chung với nhiều nước đang phát triển giống Việt Nam, tuy vậy chúng ta còn gặp phải vấn đề lớn về khoảng trống thế hệ do có một khoảng thời gian trầm lắng trước đây. Do đó hoạt động đào tạo con người ở tất cả các cấp bậc trình độ trong các lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử và hạt nhân, nghiên cứu triển khai và kể cả quản lý nhà nước đang bước vào giai đoạn cực kỳ quan trọng, nhất là khi Việt Nam còn đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Việc bắt kịp với đòi hỏi của đất nước để phát triển và tiến bộ là nhiệm vụ cấp bách của tất cả các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN), một đơn vị nghiên cứu, triển khai và hỗ trợ kỹ thuật mạnh, phải lĩnh xướng, dẫn đầu về xây dựng nguồn lực và đào tạo nhân lực trình độ cao với việc chú trọng vào đào tạo những nhà khoa học, kỹ sư và kỹ thuật viên đáp ứng công tác quản lý một cách bền vững và có trách nhiệm đối với chương trình điện hạt nhân cũng như trong những ứng dụng khác trong y tế, công nghiệp.

HTDinhHuong20151[1]

Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân Lê Đại Diễn khai mạc hội thảo

     Với nhiệm vụ mà Lãnh đạo Viện NLNTVN đặt ra là đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nâng tầm nguồn nhân lực của Viện NLNTVN lên mức cao hơn, ngày 20/11/2015, Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Định hướng chương trình đào tạo và xây dựng quy chế quản lý hoạt động đào tạo” để góp ý xây dựng cho các khung chương trình đào tạo và dự thảo quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Viện NLNTVN với sự tham dự Lãnh đạo Viện NLNTVN cùng rất nhiều chuyên gia nghiên cứu, đào tạo, cán bộ quản lý lâu năm từ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Công nghệ xạ hiếm, Trung tâm Đánh giá không phá huỷ, Ban Hợp tác quốc tế, Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học và nhiều chuyên gia độc lập khác. Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến chuyên môn của các cán bộ từ Viện Nghiên cứu hạt nhân ở Đà Lạt.

     Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Trung tâm đào tạo hạt nhân Phó Giám đốc Lê Đại Diễn gửi lời chúc mừng, tri ân đến các đại biểu tham dự hội thảo là những cán bộ ít nhiều đều có tham gia vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như các cán bộ của Viện NLNTVN là những người thầy, giảng viên đang ngày ngày truyền thụ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn cho các thế hệ trẻ.

     Trong buổi Hội thảo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã góp ý xây dựng nội dung khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho 16 hướng nghiên cứu ưu tiên của Viện NLNTVN bao gồm: i) Vật lý hạt nhân; ii) Vật lý nơtron; iii) Nghiên cứu thiết kế, tính toán vật lý lò (lò nghiên cứu); iv) Vật lý, động học lò (lò năng lượng); v) Nghiên cứu, tính toán cơ – thuỷ nhiệt, phân tích an toàn; vi) Đo lường và điều khiển, thiết bị điều khiển lò phản ứng; vii) Điện tử hạt nhân và máy gia tốc; viii) An toàn bức xạ; ix) Quan trắc, đánh giá tác động phóng xạ môi trường; x) Công nghệ đất hiếm; xi) Công nghệ xử lý quặng uranium; xii) Nghiên cứu về nhiên liệu trong lò hạt nhân năng lượng; xiii) Quản lý và xử lý chất thải phóng xạ; xiv) Khoa học vật liệu (kiểm tra, đánh giá vật liệu sử dụng trong nhà máy điện hạt nhân, vật liệu chiếu xạ); xv) Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp; xvi) Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp. Các khung chương trình đào tạo này sẽ được Lãnh đạo Viện NLNTNVN phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện với trọng tâm là đào tạo nhân lực cho 16 nhóm nghiên cứu ưu tiên và bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ nghiên cứu của Viện NLNTVN.

     Ý kiến đóng góp của các chuyên gia bày tỏ mong muốn các khung chương trình này ngoài những nội dung cụ thể đang được triển khai xây dựng thì cần có thêm các nội dung chủ đề lớn hơn để góp phần vào việc định hướng chung của từng nhóm; có thêm thông tin về tài liệu tham khảo đễ hỗ trợ tốt hơn cho việc tư vấn chuyên gia đối với các chương trình khung này; khung chương trình cần nêu rõ yêu cầu đầu vào và đầu ra của từng nội dung đào tạo, yêu cầu về năng lực tối thiểu, phân biệt rõ phần kiến thức, kỹ năng cơ bản và phần nâng cao; và mở rộng, bổ sung đối tượng áp dụng gồm cả những người làm công việc ứng dụng bên cạnh đối tượng làm công việc nghiên cứu hiện tại đã được đề cập.

HTDinhHuong20152[1]

Các chuyên gia thảo luận và góp ý cho khung chương trình đào tạo mẫu và dự thảo Quy chế đào tạo, bồi dưỡng

     Nội dung thứ hai cũng không kém phần quan trọng và được các đại biểu tham dự hội thảo trao đổi, thảo luận sôi nổi là về dự thảo “Quy chế quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam”. Bản dự thảo quy chế được xây dựng để giúp Viện NLNTVN có cơ sở thống nhất, định hướng và chủ động trong vấn đề đào tạo con người ở tất cả các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN, hướng đến đáp ứng yêu cầu chuyên môn nhằm thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, vai trò lớn hơn trong bức tranh tổng thể về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và hạt nhân ở Việt Nam.

     Bản dự thảo quy chế có 6 chương, 24 điều được xây dựng trên cơ sở Quy chế quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo Quyết định số 352/QĐ-BKHCN ngày 06/3/2014. Các điều khoản chính của dự thảo quy chế bao gồm:

–       Các quy định chung;

–       Xây dựng kế hoạch, nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng;

–       Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và quản lý đào tạo, bồi dưỡng;

–       Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ;

–       Thủ tục cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng;

–       Xử lý vi phạm và các điều khoản thi hành.

     Ngoài những vấn đề chung về đào tạo, bồi dưỡng như từ trước đến nay vẫn được thực hiện thì một vấn đề mới rất được quan tâm trong bản dự thảo quy chế này là nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ. Dự thảo quy chế đào tạo, bồi dưỡng đã dành hẳn một chương để quy định rõ về vấn đề này.

     Do tầm quan trọng và phạm vi điều chỉnh rộng của quy chế đào tạo nên các khách mời chuyên gia tham dự hội thảo rất quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện văn bản quy chế này: xác định rõ mục tiêu của quy chế, phạm vi điều chỉnh; bổ sung thêm các văn bản pháp lý làm căn cứ cho việc ban hành quy chế như điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện NLNTVN, Quyết định 1558/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”; định nghĩa các thuật ngữ sử dụng trong dự thảo; quản lý chứng chỉ ngoại ngữ và đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ; đào tạo cấp chứng chỉ nghề; cơ sở dữ liệu về đào tạo, bồi dưỡng để hỗ trợ công tác quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; cơ sở để có được sự phê duyệt đối với các chương trình đào tạo; đánh giá chương trình đào tạo; cơ sở vật chất kỹ thuật hỗ trợ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu từ cán bộ của Viện NLNTVN và nhu cầu xã hội.

      Kết thúc hội thảo, Trung tâm Đào tạo hạt nhân cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp quý báu của đại biểu, nhóm soạn thảo các chương trình khung về đào tạo và dự thảo quy chế đào tạo, bồi dưỡng sẽ tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến và hoàn thiện văn bản để trình Lãnh đạo Viện NLNTVN xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, là cơ hội để các chuyên gia, đại biểu chia sẻ kiến thức chuyên môn để xây dựng chương trình đào tạo nhân lực cho Viện NLNTVN một cách chuyên sâu, có hệ thống, tiếp cận dần với trình độ khoa học và công nghệ của thế giới và đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ lớn của đất nước và xã hội trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Trung tâm Đào tạo hạt nhân