Tại buổi lễ công bố Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam là tổ chức KH&CN đặc biệt, giáo sư Phạm Duy Hiển cho rằng, để đưa Viện lên tầm khu vực và thế giới trong tương lai, cần phải tạo ra đột phá từ nhân tố con người vì “cần có thế hệ kế thừa trong vòng 5, 10 năm nữa với khoảng 20 chuyên gia khẳng định được vị trí trên mặt tiền thế giới bằng các công bố quốc tế có nhiều trích dẫn”.
Buổi lễ công bố diễn ra chiều ngày 1/2 tại Hà Nội với sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Quân và Thứ trưởng Chu Ngọc Anh.
Với vị trí là tổ chức sự nghiệp KH&CN hạng đặc biệt, Viện NLNTVN đặt mục tiêu trở thành cơ quan nghiên cứu và triển khai về năng lượng nguyên tử đạt trình độ tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế, Viện trưởng Viện NLNTVN Trần Chí Thành phát biểu tại buổi lễ.
Để đạt được mục tiêu này, theo nhận định của giáo sư Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cần phải có những đột phá vì nếu cứ đi theo con đường cũ và tư duy cũ thì không thể tạo ra đột phá. Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, có 5 bước tạo ra đột phá.
Thứ nhất, phải xây dựng được Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân mới 15 MW, có đội ngũ cán bộ có thể vận hành được lò phản ứng này. Tuy nhiên “phải đến 5, 7 năm nữa kế hoạch này mới có thể trở thành hiện thực. Chúng ta đã mất 6 năm từ ngày đoàn Nga sang Việt Nam thuyết trình về Trung tâm nhưng từ đó đến nay vẫn loay hoay về việc chọn địa điểm”.
Thứ hai, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu thực nghiệm về điện hạt nhân. “Trong 1, 2 năm gần đây, chúng ta đã có công trình mô phỏng về nhà máy điện hạt nhân Simulator trên máy tính nhưng đây chỉ là công trình trong không gian ảo. Chúng ta cần tiếp cận điện hạt nhân trong không gian thực, tuy không phải là nhà máy điện hạt nhân nhưng vẫn là những mô hình nhiệt độ, áp suất, dòng chảy… gần thực tế. Vì vậy để có thành tựu cần phải có máy móc làm thực nghiệm về điện hạt nhân”, giáo sư Phạm Duy Hiển chia sẻ.
Thứ ba, cần phải nghiên cứu nhiều về phóng xạ bằng phương pháp mới, “không tiếp tục dùng phương pháp cũ dù nó đã đem lại cho chúng ta nhiều thành tựu trong quá khứ. Bây giờ cần phải có thiết bị quan trắc đặc biệt để quan sát được khí trơ phóng xạ, yếu tố đầu tiên thoát ra ngoài khi lò phản ứng bị hở và gây ra những chiếu xạ trực tiếp lên con người ở vùng xung quanh nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy cần phải có thiết bị quan sát khí trơ phóng xạ”. Giá thành một chiếc máy như vậy, theo giáo sư Phạm Duy Hiển, khoảng một triệu đô la, tuy cao nhưng cần thiết được Bộ KH&CN đầu tư.
Thứ tư, xác định những hướng nghiên cứu cần thiết với Việt Nam về vật liệu hạt nhân. Hiện Việt Nam chưa tổ chức nghiên cứu về vấn đề này.
Thứ năm, chú trọng việc đẩy mạnh nghiên cứu về hạt nhân với việc sản xuất ra thiết bị ứng dụng trên quy mô công nghiệp để có thể sử dụng rộng rãi trong nước ở nhiều lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp…
Muốn thực hiện được năm bước đột phá này, giáo sư Phạm Duy Hiển cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là con người. “Bằng mọi cách cần tuyển người về Viện, đó là những người có trình độ cao để trong vòng 10 năm nữa có được 20 chuyên gia về năng lượng nguyên tử có chỗ đứng trên mặt tiền khoa học thế giới thông qua các công bố quốc tế được trích dẫn”.
Nhân vấn đề tạo nguồn nhân lực, giáo sư Phạm Duy Hiển đề cập đến việc tham gia thẩm định chương trình đào tạo về điện hạt nhân của Bộ GD&ĐT. “Ngoài các môn chung, nhiều môn về lò phản ứng và chuyên ngành, đội ngũ giáo viên tại các trường đại học được giao đào tạo không đủ trình độ”. Vì vậy, giáo sư đề nghị lãnh đạo Bộ KH&CN làm việc với Bộ GD&ĐT để Viện NLNTVN có thể hợp tác với các trường này trong quá trình đào tạo. Qua việc hợp tác này, mỗi năm Viện có thể chọn được 10 sinh viên xuất sắc, sau 10 năm có thể là 100 người. Đây là cơ sở để Viện tìm ra được những cán bộ bổ sung vào đội ngũ nghiên cứu của mình.