VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Trần Trầm
  • Lượt xem: 10

Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản về Nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân (Diễn đàn Việt – Nhật) đã trở thành một hoạt động giao lưu, trao đổi và hợp tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân thường niên giữa Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu từ năm 2010 đến nay, với sự phối hợp tổ chức bởi Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) và Công ty Phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản (JINED) và Trung tâm Thông tin và Văn hóa quốc tế Nhật Bản (JICC).

Tính đến nay đã có mười ba kỳ Diễn đàn được tổ chức thành công với các chủ đề khác nhau. Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 14 (Forum Việt-Nhật 14), với chủ đề “Vai trò của điện hạt nhân trong biến đổi khí hậu và kinh tế điện hạt nhân” (Role of nuclear power in climate change and economics of nuclear power) tổ chức trong hai ngày từ 03 – 04/12/2024, tại Hội trường Trung tâm Đào tạo hạt nhân (140 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội). Tham gia Diễn đàn có hơn 70 đại biểu và khách mời tham dự. Trong số các đại biểu tham dự, có 10 báo cáo viên và gần 10 đại biểu từ phía Nhật Bản trong đó có Viện Công nghệ Tokyo, Đại học kỹ thuật Naogaoka, Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, Công ty Tập đoàn Giải pháp và Hệ thống Năng lượng Toshiba, Công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng hạt nhân Hitachi-GE, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệm nặng Mitshubishi, cùng các thành viên của các đơn vị hỗ trợ JINED và JICC. Về phía Việt Nam, có 07 báo cáo viên và trên 40 đại biểu tham dự đến từ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (TS. Trần Chí Thành, Viện Trưởng, TS. Phạm Kim Long, Phó Trưởng Ban Kế hoạch và Quản lý khoa học, Nguyễn An Trung, quyền Trưởng Ban Hợp tác quốc tế) và các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN là Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (PSG.TS. Phạm Đức Khuê, Viện Trưởng, TS. Phạm Ngọc Đồng, Viện phó, TS. Phạm Như Việt Hà, Giám đốc Trung tâm Năng lượng, TS. Lê Xuân Chung, Giám đốc Trung tâm Vật lý hạt nhân, TS. Lê Ngọc Thiệm, Giám đốc Trung tâm An toàn bức xạ), Viện Công nghệ xạ hiếm, Trung tâm Đánh giá không phá hủy (Ông Nguyễn Thế Mẫn, Phó Giám đốc Trung tâm, bà Lương Thị Hồng), Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (TS. Nguyễn Văn Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm), Trung tâm Đào tạo hạt nhân (PGS.TS. Trịnh Anh Đức, Giám đốc Trung tâm, TS. Dương Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu và Triển khai). Ngoài ra, Hội nghị đã thu hút được sự tham gia của các khách mời từ các đơn vị ngoài Viện như một số đơn vị có liên quan như Cục An toàn Và Bức xạ Hạt nhân, Vụ Năng lượng nguyên tử (Trần Quang Tuấn, Phó vụ trưởng), Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2) (Ông Trương Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển, Phạm Quốc Việt, Phó trưởng phòng Điện hạt nhân và Công nghệ, Nguyễn Đỗ Yến Nhi, Phó phòng Nghiên cứu Kế hoạch và Ứng dụng), Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (Đào Nhật Đình, báo cáo viên), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) (Ông Hồ Quang Trung và ông Cung Văn Duy), các trường đại học như: Đại học Bách khoa Hà Nội (PGS.TS. Nguyễn Văn Thái, Phó Trưởng Khoa Vật lý kỹ thuật, TS. Nguyễn Tất Thắng), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (TS. Nguyễn Thị Dung, Bộ môn Vật lý hạt nhân, Trường Đại học Điện Lực (TS. Trần Thị Nhàn), Trường Đại học Phenikaa (PGS.TS.BS. Vũ Hồng Thăng, Phó Hiệu trưởng, GS.TS. Trần Hòa Nam, Khoa cơ bản)  và một số sinh viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ảnh lưu niệm của các đại biểu tham dự Diễn đàn Việt-Nhật lần thứ 14.

Mở đầu cho ngày thứ nhất của Diễn đàn là Phần khai mạc với sự phát biểu Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Teppei Fukuhara. Ông chia sẻ rằng dù mới đến nhận công tác từ tháng 7 năm 2024, nhưng trước đó bản thân ông cũng làm việc trong lĩnh vực năng lượng nên ông hiễu rất rõ vai trò của điện hạt nhân. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam và Nhật Bản đã có trên 50 năm trong quan hệ ngoại giao, và mối quan hệ này đã được nâng lên vị trí cao nhất là “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình thịnh vượng của Châu á và toàn thế giới”, có quan hệ rất tốt trong lĩnh vực năng lượng. Ông cho rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Tô Lâm với các dự án hạ tầng mang tính chiến lược, một trong những hạng mục có vị trí quan trọng đó chính là năng lượng. Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ trong kỹ nguyên mới với nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Năm nay, chính phủ hai nước đang xem xét lại chính sách năng lượng hạt nhân. Đây có thể nói là bước tiến đột phá và có thể nâng tầm mối quan hệ sẵn có. Ông cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của hội thảo ngày hôm nay và mong muốn mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực điện hạt nhân sẽ được tăng cường hơn nữa trong tương lai.

Ông Teppei Kukuhara, Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, phát biểu tại Phiên Khai mạc.

Tiếp theo đó là bài phát biểu của đại diện phía Việt Nam, Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ông bày tỏ lòng cảm ơn với tất cả các báo cáo viên, khách mời từ phía Nhật Bản và Việt Nam đã đến tham dự Diễn đàn này. Ông chia sẽ rằng mọi người có thể thấy chính sách của Việt Nam thay đổi rất nhanh. Chính phủ Việt Nam vừa mới quyết định việc tái khởi động chương trình Điện hạt nhân Ninh Thuận. Ông cũng cảm ơn ngài Tham tán Nhật Bản tại Việt Nam đã có tổng hợp về sự hợp tác ngày càng chặt chẽ và bền vững giữa Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến điện hạt nhân. Nhật Bản vẫn tiếp tục hợp tác với Việt Nam ngay cả khi dự án điện hạt nhân bị hoãn (2016). Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản năm nay là Diễn đàn lần thứ 14, chính là minh chứng cho mối hợp tác bền chặt đó. Diễn đàn này với chủ đề với chủ đề “Vai trò của điện hạt nhân trong biến đổi khí hậu và liên quan đến kinh tế điện hạt nhân” là một chủ đề quan trọng để các chuyên gia hai bên chia sẽ, thảo luận về các vấn đề liên quan đến điện hạt nhân và khía cạnh kinh tế điện hạt nhân trong bối cảnh chính phủ Việt Nam đã quyết định tái khởi động lại dự án Điện hạt nhân. Ông cũng gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Giáo sư Saito, các nhà tài trợ JINED, JICC đã luôn ủng hộ và tài trợ để hai phía có được 14 diễn đàn cho đến nay. Ông cũng mong muốn rằng các tổ chức JINED và JICC sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo chuyên gia cho các dự án Điện hạt nhân. Cuối cùng ông gửi lời cảm ơn tới toàn thể các vị khách quý, các báo cáo viên và đơn vị tổ chức đã nỗ lực hết mình để tổ chức diễn đàn hôm nay và kính chúc toàn thể hội nghị sức khỏe, có những cuộc thảo luận bổ ích và chúc Diễn đàn thành công tốt đẹp.

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN, phát biểu tại Phiên Khai mạc.

Đại diện cho phía Nhật Bản, Giáo sư Saito, Viện Công nghệ Tokyo, có bài phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ông rất vui mừng được gặp và thảo luận trực tiếp với mọi người trong Diễn đàn lần thứ 14 này và hy vọng với chủ đề năm nay liên quan đến “Vai trò của điện hạt nhân trong biến đổi khí hậu và liên quan đến kinh tế điện hạt nhân” sẽ là một Hội thảo hiệu quả và bổ ích. Ông cũng đưa ra thông tin về xu thế điện hạt nhân trên toàn thế giới sẽ tăng cao do nhu cầu điện ngày càng cao của các tập đoàn lớn trên thế giới như Mircrosoft, Google, Amazon, v.v… cũng như nhiều hoạt động liên quan đến năng lượng hạt nhân đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Cuối cùng, ông xin chúc diễn đàn lần này sẽ thành công tốt đẹp. Cùng với các đại diện hai nước cũng có các phát biểu từ các đơn vị phối hợp tổ chức của JINED, JICC. Hai đại diện đều tóm tắt qua quá trình hình thành của JINED và JICC và nhấn mạnh nỗ lực của họ trong việc tham gia tài trợ cho các hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử không chỉ trong khuôn khổ diễn đàn này mà còn có các hoạt động tổ chức các khóa đào tạo với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, với Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân. Họ nhấn mạnh chủ đề Diễn đàn này là vấn đề đang được hai nước đặc biệt quan tâm và cũng bày tỏ mong muốn được tiếp tục hợp tác với phía Việt Nam.

GS. Masaki Saito phát biểu tại Phiên Khai mạc.

Tiếp theo chương trình của ngày thứ nhất là Phiên họp thứ nhất với 06 báo cáo về các chủ đề nóng (Hot topics) của các diễn giả cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản. Tiến sĩ Trần Chí Thành trình bày về “ Hiện trạng phát triển điện và triển vọng Chương trình điện hạt nhân Việt Nam”. Trong báo cáo ông có trình bày về Quy hoạch phát triển điện 8 và những thách thức đối với Việt Nam. Ngoài ra ông cũng đề cập đến việc phát triển nhân lực cho điện hạt nhân, cho Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân (CNST) cũng như các hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Ông kết luận rằng phát triển nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng và đề xuất cần phải có một kế hoạch toàn diện và lâu dài cho vấn đề này. Tiếp đó là các báo cáo của các chuyên gia phía Nhật Bản về “Hiện trạng chính sách năng lượng của Nhật Bản” của ông Takeshi Makigami, Giám đốc điều hành của JINED. Ông cũng đề cập đến các thảo luận về kế hoạch năng lượng chiến lược của Nhật Bản lần thứ bảy trong đó nhấn mạnh các yếu tố như tăng cường an ninh năng lượng, tập trung các giải pháp năng lượng đa dạng và thực tế nhằm hướng tới cung cấp năng lượng ổn định và trung hòa các bon. Ngoài ra trong báo cáo ông Takeshi Makigami cũng đề cập đến các kinh tế điện hạt nhân cũng như ảnh hưởng của điện hạt nhân đến kinh tế địa phương. Báo cáo tiếp theo về “Hiện trạng sản xuất điện hạt nhân” do ông Yuji Takahashi trình bày cũng bổ sung thêm nền năng lượng Nhật Bản được vận hành theo chính sách S +3E (An toàn + An ninh năng lượng, Hiệu quả kinh tế, Môi trường). Cũng trong báo cáo này, ông Takahashi trình bày về hiện trạng các nhà máy điện hạt nhân cũng như hiện trạng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1  ở Nhật Bản. Cuối phiên họp là báo cáo về nghiên cứu phân tích tai nạn sự cố nặng.

Trong buổi chiều cùng ngày, các diễn giả của cả hai nước báo cáo về “Vai trò của điện hạt nhân trong biến đổi khí hậu và kinh tế điện hạt nhân” trong Phiên họp thứ hai. Phiên hai mở đầu với báo cáo “Vai trò của Điện hạt nhân đối với biến đổi khí hậu và đến lộ trình hướng tới mức phát thải ròng bằng 0” do bà Nguyễn Thị Yến Nhi, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 trình bày. Báo cáo nhận mạnh rằng Việt Nam đã đưa ra cam kết đưa thải ròng về 0 vào năm 2050. Chính vì vậy năng lượng hạt nhân có vai trò tiềm năng to lớn trong giải quyết vấn đề giảm thải của Việt Nam: Vì năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng cao trong tổng công suất lắp đặt trong hai thập kỷ tới nên điện hạt nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc bổ sung nguồn phụ tải cơ sở, thay thế nhiên liệu hóa thạch, đảm bảo ổn định hệ thống điện và an ninh năng lượng. Ngoài ra bà cũng nói thêm ứng dụng của năng lượng hạt nhân là có thể sản xuất khí hidro, nhân tố thay thế than trong các ngành công nghiệp luyện kim, trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Cuối cùng bà đưa thêm thông tin rằng chính phủ Việt Nam đang khởi động lại chương trình điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định khi đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng tái tạo và đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.  Báo cáo của phía Nhật Bản về “Vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc giảm thiểu biến đổi khí” do ông Kenji Kimura trình bày. Bài báo cáo kết luận rằng Năng lượng không có carbon (Carbon free energy) ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống thế giới về giảm thiểu biến đổi khí hậu trong đó năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tiết kiệm chi phí khử cacbon.  Ngoài ra cũng có báo cáo đề cập đến “Kinh tế điện hạt nhân” cũng như bài thảo luận về “Chuyển đổi năng lượng hiệu quả”. Các báo cáo trong phiên thứ hai đều nhấn mạnh cần phải có sự tăng mạnh của năng lượng tái tạo và sự đóng góp quan trọng của điện hạt nhân trong việc hướng tới mức phát thải ròng về 0.

Ngày thứ hai của Diễn đàn diễn ra Phiên họp thứ ba, Phiên Bế mạc diễn đàn. Phần thứ ba có 06 báo cáo về “Hoạt động của ngành điện hạt nhân trong nước của Nhật Bản và Việt Nam” bao gồm các báo cáo về các hoạt động ở nước ngoài của Tập đoàn điện hạt nhân Toshiba và về Lò phản ứng cải tiến iBR, các hoạt động nghiên cứu liên quan đến Lò vừa và nhỏ (SMR) tại hai nước. Trong báo cáo về Lò phản ứng cải tiến iBR của ông Yoshio Kawano, có thể thấy rằng có nhiều cải tiến được đưa vào trong loại lò này như Hệ ngưng tụ cách biệt (isolation condenser), hệ thống lọc khí trong thùng lò (IFVS), hệ thống làm nguội nhà lò thụ động cải tiến (iPCCS), vv… nhằm trang bị đầy đủ các tính năng cho Lò phản ứng iBR trong việc thương mại hóa loại lò này.   Một loại lò nước sôi cải tiến cũng được báo cáo trong bài “So sánh bản chất kinh tế của các lò phản ứng quy mô lớn và Lò phản ứng mô-đun nhỏ: nghiên cứu trường hợp BWR” do ông Do Van Lam, Quản lý dự án của công ty Hitachi trình bày. Loại lò BWRX-300 này giảm thể tích khoảng 90% so với lò ESBWR mà công ty này đã phát triển và vì vậy giảm hơn 50% các vật liệu xây dựng/ MW. Ngoài ra, loại lò này cũng đưa vào nhiều cải tiến để tăng cường tính an toàn.

Cuối ngày thứ hai của Diễn đàn là Phiên Bế mạc.  Đại diện cho phía Việt Nam, Ông Nguyễn An Trung, Quyền Trưởng ban Hợp tác quốc tế, đã thay mặt Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ông đã tổng kết rằng hai ngày làm việc Diễn đàn năm nay đã diễn ra hiệu quả với nhiều thảo luận có chuyên môn sâu, phần lớn các báo cáo đều nêu cao vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc giảm phát thải các bon và nhấn mạnh vai trò của điện hạt nhân trong việc đưa thải ròng về 0.  Diễn đàn đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ông xin chân thành gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe tới các báo cáo viên, các lãnh đạo của các đơn vị tài trợ, các khách mời cũng như đơn vị tổ chức Diễn đàn. Cũng trong Phiên bế mạc, đại diện phía Nhật Bản, Ông Takeshi Makigami, Giám đốc điều hành của JINED cũng đã khẳng định Diễn đàn năm nay về chủ đề đang được hai nước hết sức quan tâm đã thành công tốt đẹp. Ông cũng gửi lời cảm ơn các diễn giả, các khách mời cũng như Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã tích cực trong việc tổ chức để Diễn đàn diễn ra theo đúng chương trình. Cuối cùng, ông kính chúc toàn bộ đại biểu cả phía Việt Nam và Nhật Bản sức khỏe, thành công và hẹn sớm gặp lại trong diễn đàn tiếp theo.

Diễn đàn Việt Nam – Nhật Bản thực sự là nơi để trao đổi về Nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân giữa Việt Nam và Nhật Bản qua mười bốn lần tổ chức với các chủ đề khác nhau trong các lĩnh vực của ngành năng lượng nguyên tử. Diễn đàn lần thứ 14 này đã nhận được qua tâm của rất nhiều cơ quan, tổ chức liên quan đến ngành năng lượng hạt nhân.

Trần Thanh Trầm, Trung tâm Đào tạo hạt nhân