VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Trần Trầm
  • Lượt xem: 146

     Khóa học cơ bản về thuỷ văn đồng vị và quan trắc ô nhiễm môi trường đã diễn ra từ ngày 17 đến 21 tháng 6 năm 2019 tại Trung tâm hợp tác IAEA-VINATOM về nước và môi trường, Trung tâm Đào tạo Hạt nhân do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cùng Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) tổ chức. Kinh phí tổ chức lớp học mời chuyên gia và các học viên Việt Nam được tài trợ bởi VINATOM và IAEA, 6 học viên đến từ Lào và Thái Lan được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp về Sự phát triển (IRD).

     Khóa học này do các chuyên gia IAEA cùng với các chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về môi trường và nước giảng dạy, ngôn ngữ sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đây là khóa đào tạo đầu tiên về lĩnh vực thủy văn đồng vị và quan trắc ô nhiễm môi trường của Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM kể từ khi khánh thành ngày 4/4/2019 với sự tham gia của 34 học viên cả nước ngoài và trong nước. Trong 34 học viên này, có 8 học viên nước ngoài (đến từ Lào, Thái Lan, Pháp) và các học viên còn lại ở trong nước (đến từ các Viện Nghiên cứu như Viện KHKTHN, Viện Xạ Hiếm, Viện Hóa Học, các trường Đại học như ĐHKHTNHN, ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cũng như một số trung tâm nghiên cứu khác).

     Tham dự Lễ Khai giảng khóa học có sự hiện diện của TS. Nguyễn Hào Quang – Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, TS. Tasneem Azam – Chuyên gia IAEA đến từ Viện Khoa học và Công nghệ Hạt nhân Pakistan, TS. Đặng Đức Nhận – Chuyên gia, giảng viên Đại học Điện lực, cùng 34 học viên được các đơn vị trong và ngoài nước cử đại diện tham gia. Sau phần giới thiệu đại biểu tham dự, TS. Phạm Ngọc Đồng – đại diện Trung tâm đào tạo hạt nhân đã giới thiệu mục đích, mục tiêu và nội dung chương trình khóa học tới các học viên và khách mời. Trong bài phát biểu khai giảng khoá học, TS. Nguyễn Hào Quang đã nhấn mạnh tầm quan trọng của lớp học, ngoài cung cấp kiến thức, kỹ năng thực nghiệm cho các học viên, đây cũng là nơi mà các nước trong khu vực Đông Nam Á tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quan trắc môi trường và nước.      TS. Nguyễn Hào Quang cũng mong muốn Trung tâm hợp tác về nước và môi trường sẽ đóng vai trò kết nối các phòng thí nghiệm, kết nối các nhà nghiên cứu cùng nhau xây dựng mạng lưới nghiên cứu để giải quyết các bài toán thực tế mà không chỉ ở mức độ quốc gia mà còn ở cấp khu vực đang quan tâm như biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Sau bài phát biểu của TS. Nguyễn Hào Quang là phần giới thiệu của TS. Tasneem Azam, TS. Đặng Đức nhận về quá trình làm việc nghiên cứu, hướng nghiên cứu và các học viên tự giới thiệu bản thân.

Phó Viện trưởng TS. Nguyễn Hào Quang chụp ảnh lưu niệm trong buổi Lễ khai giảng với các chuyên gia và học viên tham dự khóa đào tạo thủy văn đồng vị

     Khóa học đã diễn ra trong một tuần bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết do các chuyên gia của IAEA giảng dạy trong hai ngày đầu (17-18) cung cấp cho các học viên từ kiến thức cơ bản về thủy văn đồng vị, các loại đồng vị, các ứng dụng đồng vị trong đo đạc tuổi nước, cũng như các kỹ thuật lấy mẫu, phương pháp đo đạc và phân tích tuổi nước ngầm.  

Chuyên gia IAEA, TS. Tasneem Azam giảng bài về Thủy văn đồng vị tại Trung tâm Đào tạo

Chuyên gia IAEA, TS. Sylvia Sander giảng bài về Quản lý chất lượng nước và phân tích chất gây ô nhiễm tại Trung tâm Đào tạo

     Tiếp theo chương trình là các chuyến đi thực tế để tham gia lấy mẫu và tham quan các phòng thí nghiệm, thiết bị đo đạc đặt tại các viện nghiên cứu ở Hà Nội.  Trước hết phải kể đến là chuyến đi thực tế đến lấy mẫu nước ngầm tại Xã Đan Phượng (19/6/2019), nơi có 250 giếng khoan ở các vị trí và độ sâu khác nhau để nghiên cứu tuổi nước ngầm như trong hình phía dưới. Tại đây, các học viên được ôn lại các kiến thức đã học về việc chuẩn bị và lấy mẫu. Các chuyên gia cũng đã hướng dẫn lại các bước lấy mẫu, cách lấy mẫu, và đo đạc một số thông số như độ PH, độ dẫn điện,…. 

Mặt cắt ngang vị trí một số giếng khoan lấy mẫu nước ngầm tại Đan Phượng

Các chuyên gia và học viên tiến hành lấy mẫu nước ngầm tại một giếng khoan ở Đan Phượng

        Ngoài việc đo đạc thực tế lấy mẫy nước ngầm, khóa học cũng đã tiến hành lấy mẫu nước mặt trong ngày tiếp theo của khóa học, 20/06/2019. Các học viên đã được đi thực tế đến các vị trí đo đạc và lấy mẫu nước mặt dọc theo bờ sông Đáy. Tại đây, các chuyên gia cũng đã ôn lại kiến thức và tiến hành các bước để lấy mẫu nước mặt ở một số vị trí dọc theo sông Đáy.

Các chuyên gia và học viên chuẩn bị lấy mẫu nước mặt ở sông Đáy

     Trong khóa học này, cùng với các chuyến đi thực tế để lấy mẫu, các học viên cũng đã được tham quan các phòng thí nghiệm tại một số viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội như Trung tâm phân tích Viện Hóa học, trung tâm Thủy văn đồng vị tại Viện KHKTHN. Tại đây các học viên được các chuyên gia giới thiệu các thiết bị dùng để đo đạc, phân  tích các mẫu nước khác nhau sử dụng các đồng vị khác nhau. Riêng tại Viện KHKTHN, các chuyên gia đã giới thiệu các thiết bị phân tích, hướng dẫn một vài phép đo đơn giản để giúp học viên ôn lại kiến thức, hình dung tổng thể quá trình từ lấy mẫu đến phân tích mẫu.

Thăm quan các phòng thí nghiệm tại  Viện KHKTHN của các học viên

     Trong buổi học cuối cùng, các học viên và chuyên gia cùng phân tích các kết quả lấy mẫu, trình bày kết quả thu được để các học viên hiểu sâu sắc hơn không chỉ về quy trình thực hiện, kỹ thuật phân tích mà cả kỹ năng phân tích đánh giá kết quả nghiên cứu.

Báo cáo kết quả phân tích mẫu đo nước ngầm tại Đan Phượng

       Sau một tuần vừa tiếp thu kiến thức lý thuyết, thăm quan phòng thí nghiệm, thực hành lấy mẫu và phân tích kết quả, các học viên tham dự khoá học đã ghi nhận và đánh giá cao với việc bố trí nội dung, tăng cường phần thực hành và đồng thời có nhiều trải nghiệm thực tế với hai chuyến đi tại Đan Phượng và Sông Đáy. Cùng với đó, các chuyên gia và học viên đã trao đổi, thảo luận về chương trình hợp tác về nước và môi trường giữa các quốc gia và các viện nghiên cứu, cũng như các định hướng nghiên cứu, ứng dụng đồng vị vào trong thực tế, các khóa học kế tiếp có thể trong thời gian tới.

        Khoá đào tạo không chỉ có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân tham gia mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với đơn vị tổ chức, các cơ quan có liên quan trong việc phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, liên kết phòng thí nghiệm mà còn hỗ trợ Trung tâm hợp tác IAEA-VINATOM thúc đẩy hợp tác quốc tế, liên kết vùng để cùng phát triển.

Lễ Bế giảng và trao chứng chỉ cho các học viên tham dự khóa khọc về thủy văn đồng vị

Trần Thanh Trầm – Phòng GV&ĐT