VIỆN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VIỆT NAM

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO HẠT NHÂN

NUCLEAR TRAINING CENTER

  • Vũ Hoàng Hải
  • Lượt xem: 29

     Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam sử dụng công nghệ hạt nhân dân sự tiên tiến nhất dù có mua công nghệ và kỹ thuật của Mỹ hay không.

     Ngày 13/10,Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Thomas Countryman, phụ trách vấn đề hợp tác hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đã có cuộc trao đổi về hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong lĩnh vực hạt nhân dân sự cũng như kiểm soát thương mại trong tiến trình hướng đến thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

     Tại cuộc gặp, Trợ lý Ngoại trưởng Thomas Countryman cho biết chuyến thăm lần này của ông thảo luận về mong muốn của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN sản xuất năng lượng hạt nhân.

viet-nam-tien-toi-cong-nghe-hien-dai-nhat-the-gioi-ve-hat-nhan_14734146.JPG

Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ Thomas Countryman, phụ trách vấn đề hợp tác hạt nhân dân sự và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 13/10

     Ông Thomas Countryman cho rằng, Việt Nam đã đi đúng hướng trong xây dựng đội ngũ kỹ sư và chuyên gia về hạt nhân để có thể vận hành các cơ sở; thành lập các cơ quan xây dựng luật lệ, quy định trong lĩnh vực hạt nhân.

     “Chúng tôi mong muốn giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực hạt nhân dân sự. Điều Việt Nam cần làm là xây dựng đội ngũ chuyên gia về hạt nhân để có thể sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại nhất. Hoa Kỳ, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các đối tác khác sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ Việt Nam cho dù Việt Nam có mua công nghệ và kỹ thuật của Hoa Kỳ hay không,” ông Thomas Countryman nhấn mạnh.

     Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm: ” Văn phòng của tôi cũng như Bộ Năng lượng Hoa Kỳ đã làm nhiều việc để giúp Việt Nam chuẩn bị đáp ứng được, đối phó được với thách thức khi Việt Nam sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện.”

     Trước đó, ngày 22/7/2014, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam sau khi Quốc hội Mỹ thông qua bản đánh giá về thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam về việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình, hay còn gọi là Hiệp định 123.

     Với việc Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Hiệp định 123 sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để các công ty của Mỹ tham gia hợp tác hạt nhân dân sự với Việt Nam theo các điều khoản không phổ biến vũ khí hạt nhân đã được hai bên nhất trí.

viet-namtien-toi-cong-nghe-hien-dai-nhat-the-gioi-ve-hat-nhan_14735513.jpg

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ký tắt Hiệp định Cung cấp hạt nhân dân sự tại Brunei tháng 10/2013

     Để có được biên bản thỏa thuận hợp tác trên, ngày 6/5/2014, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã ký chính thức Hiệp định 123.

     Việc ký kết Hiệp định 123 được ký kết dưới sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama.

     Hiệp định có hiệu lực 30 năm, sẽ tiếp tục có hiệu lực với mỗi giai đoạn là 5 năm và có thể được sửa đổi khi có thỏa thuận giữa hai bên thông qua đường ngoại giao.
Việc ký Hiệp định được cho là sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng về sự tin cậy trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đồng thời mở ra những triển vọng to lớn cho cả hai bên trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về ứng dụng bức xạ cũng như phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước.

     Trước đó, vào ngày 10/10/2013 tại Brunei, Hiệp định này cũng đã được ký tắt giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.